Làm gì để thu hẹp khoảng cách?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:29, 28/02/2010

(HNM) - Những năm gần đây, nền kinh tế nước ta tăng trưởng khá nhanh. Trong đó, khoa học và công nghệ đóng góp một phần không nhỏ. Tuy nhiên, nội lực nghiên cứu và phát triển công nghệ của ta còn rất thấp và đang tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Có thể nêu vài con số: Cả nước hiện có hơn 1.200 tổ chức khoa học công nghệ; 3 triệu người có trình độ đại học, hàng chục vạn cán bộ khoa học kỹ thuật. Riêng thạc sĩ, tiến sĩ có hơn 3,5 vạn; 7. 000 phó giáo sư và hơn 1.200 giáo sư. Lực lượng tuy hùng mạnh như vậy, song theo Viện Thông tin khoa học có trụ sở tại Mỹ, trong vòng 11 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tổng cộng 4.667 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chuẩn mực. Trong khi đó, con số này của Thái Lan, một đất nước có số lượng giáo sư, tiến sĩ kém ta tới 3 lần là 20.672 bài báo; Malaixia: 13.059; Hàn Quốc: 203.637.

Lâu nay khi mổ xẻ vấn đề tại sao khoa học nước ta yếu kém, nhiều người vẫn cho rằng do kinh phí thấp nhưng thực tế cho thấy, kinh phí cho khoa học từ ngân sách nhà nước được tăng mạnh hằng năm, nay đã vượt 400 triệu USD/năm. Thế nhưng, điều khó lý giải là số bài báo quốc tế từ nội lực vẫn chỉ đứng xung quanh con số 80 bài/năm trong suốt hơn chục năm qua. Cũng có ý kiến, ta thiếu đầu tư thiết bị nghiên cứu. Công bằng mà nói, thiết bị nghiên cứu ở ta chưa hiện đại như một số nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ...

Nhưng thực tế, chúng ta đã đầu tư nhiều thiết bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia. Có điều các phòng thí nghiệm này đã được khai thác hiệu quả chưa? Các thiết bị đó đã dẫn tới bao nhiêu bài báo công bố quốc tế và có được hiệu quả kinh tế - công nghệ bù đắp được giá trị các thiết bị được mua? Rõ ràng, vấn đề không phải là kinh phí mà là cách làm. Việc nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay đang thiếu ràng buộc về chất lượng nghiên cứu dẫn tới lỏng lẻo trong quản lý và không ít tiêu cực đã xảy ra trong việc xét và phân kinh phí các đề tài. Hệ quả là hoạt động không hiệu quả.

Nếu vẫn giữ lối tư duy lạc hậu và cách làm thiếu chuyên nghiệp, chắc chắn rằng còn rất lâu nền khoa học của chúng ta mới đuổi kịp các nước trong khu vực.

Việt Nhân