Từ 1/3/2010: Giá điện tăng trung bình 6,8%

Kinh tế - Ngày đăng : 15:07, 26/02/2010

(HNMO) – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã chính thức công bố như vậy trong buổi họp báo tại Hà Nội vào sáng nay (26/2). Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009; thời gian thực hiện từ 1/3/2010.

(HNMO) – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã chính thức công bố như vậy trong buổi họp báo tại Hà Nội vào sáng nay (26/2). Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009; thời gian thực hiện từ 1/3/2010.

Thứ trưởng cho biết việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển các mặt hàng sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và là một bước thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 21/2009/QQĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 – 2012 theo cơ chế thị trường.

Nguyên tắc điều chỉnh giá điện năm 2010 là không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế đang phục hồi, từng bước hạch toán đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện; khuyến khích người dân tiêu dùng điện tiết kiệm; khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm; tiếp túc thực hiện chủ trương nhất quán của nhà nước là có hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng nghèo, khó khăn.


Đêm Hà Nội lung linh ánh điện.

Hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp

Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện 2010, về cơ bản vẫn tiếp tục thực hiện các nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009.

Theo đó, giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng tính toán theo nguyên tắc xoá bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt. Giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân chung. Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%, bằng tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh có tỷ lệ tăng tương ứng là 6,1% và 6,3%.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang cũng tiếp tục thực hiện nguyên tắc đã được Thủ tướng Chính phủ quy định, tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và đa số cán bộ công nhân viên chức có mức sử dụng điện thấp, mức giá cho bậc thang đầu tiên (0 – 50 kWh) được giữ nguyên bằng 600 đồng/kWh; mức bù giá cho bậc thang này bằng 43% (cao hơn mức bù giá 37% của năm 2009). Mức giá của bậc thang thứ hai (51 – 100 kWh) được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân, không có lợi nhuận. Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn tương ứng để đảm bảo bù chéo đủ cho các bậc thang thấp vàđảm bảo giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng ở mức 6,8%.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng và hạn chế thiếu điện vào các giờ cao điểm của hệ thống điện giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày tiếp tục được áp dụng. Giá điện các giờ trong ngày được tính toán để phản ánh đúng chi phí sản xuất điện theo các thời gian trong ngày…

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào lý giải, năm 2009 là năm đầu tiên tách bạch giữa giá điện giờ cao điểm sáng với giá điện giờ cao điểm tối nên không tránh khỏi có những thắc mắc từ một số nhóm khách hàng sử dụng điện do chưa hiểu rõ tình hình thực tế hệ thống điện nước ta và những lợi ích đối vớiđất nước khi áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, trên cơ sở đánh giá được ảnh hướng thực tế của chính sách đối với các đối tượng khách hàng, để hỗ trợ các đơn vị sản xuất 1 ca là những đơn vị từ năm 2009 mới lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của quy định giá điện giờ cao điểm sáng, trong những tháng cuối năm 2009 Chính phủ đã cho phép giảm một phần giá cao điểm sáng.

Tuy nhiên, thống kê đến hết ngày 31/12/2009 cho thấy, sau 4 tháng thực hiện, chỉ có khoảng 1.500 đơn vị (chiếm 3,74% tổng số đơn vị sản xuất trong cả nước) thực sự bị ảnh hưởng, có chi phí tăng cao và đủ điều kiện được giảm giá. Tổng sản lượng điện được tính giảm giá trong 4 tháng vào khoảng 10,5 triệu kWh với chi phí tiền điện được giảm trừ là 3,86 tỷ đồng. Như vậy, trên thực tế số lượng các đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng do quy định giá điện giờ cao điểm sáng là không nhiều. Để thực hiện chính sách của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường, giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất và có tín hiệu cho sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm, quy định giá điện giờ cao điểm sáng sẽ tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên để giúp giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, giá điện giờ cao điểm sẽ có tỷ lệ tăng thấp hơn so với giá điện các giờ khác (chỉ tăng từ 2% – 4% tuỳ thuộc vào cấp điện áp sử dụng).

Trong biểu giá điện 2010, một số tồn tại trong thực hiện giá điện năm 2010 như: giá điện nông thôn, khu tập thể cụm dân cư, giá điện khu công nghiệp có nguồn phát kết hợp, giá điện cho người thuê nhà… đã được nghiên cứu bổ sung để có hướng dẫn thực hiện.

Ông Đinh Quang Chi – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết dù tăng giá điện nhưng giá điện ở Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực, nếu không điều chỉnh tăng giá điện, nước ta sẽ rất khó thu hút đầu tư và không giải được bài toán thiếu điện.

Giá điện tăng sẽ làm chi phí sản xuất tăng dưới 1% giá thành

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào phân tích, với tỷ lệ tăng giá điện năm 2010 ở mức 6,8%, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cho năm 2010. Do tăng giá điện, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,16%.

Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.

Về ảnh hưởng đến chi tiêu của nhà nước, dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 6,1%, tổng chi phí tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp trong năm 2009 khoảng 280 tỷ đồng, bằng khoảng 0,29% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước năm 2010.

Đối với tác động đến đời sống của người dân, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 6,8%, sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2010 khoảng 0,19 - 0,27%. Theo số liệu thống kê, số hộ có mức sử dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở các vùng do các công ty điện lực trực tiếp bán điện và chiếm trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ điện.

Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên, không tăng; vì vậy, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện (khi dùng điện ít hơn 50kWh/tháng).

Đối với các hộ sử dụng điện ở mức đến 100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao, nên giá cho bậc thang này được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện (ngành điện không có lãi), tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ này là khoảng 7.000 đồng/tháng, bằng 0,33% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình; các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập trung bình; các hộ sử dụng 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng, bằng 0,59% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập cao; các hộ sử dụng 400kWh/tháng số tiền phải trả thêm sẽ là 36.500 đồng/tháng. Như vậy, mức chi tiền điện tăng thêm hàng tháng của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện là không lớn và ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống người dân là không đáng kể.

Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Cần kiểm soát việc lợi dụng tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, dịch vụ

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho biết: Mặc dù Liên bộ đã nghiên cứu kỹ tác động của việc tăng giá điện đến mọi ngành, mọi lĩnh vực nhưng các cơ quan chức năng vẫn theo dõi sát hai khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là sản xuất và tiêu dùng; nếu có biến động lớn sẽ đề nghị Chính phủ có biện pháp vĩ mô để điểu chỉnh. Cơ chế điều chỉnh giá điện sẽ sử dụng linh hoạt, không cứng nhắc. Từ sau năm 2012 sẽ tiến tới điều chỉnh giá điện 1 năm 2 lần vào mùa khô và mùa mưa, linh hoạt theo thị trường…

Ngoài ra, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có chốt được công tơ tính điện cho tất cả các khách hàng từ đúng 1/3/2010 không? Ông Đinh Quang Chi cho biết, hiện EVN có 15 triệu khách hàng đang dùng điện, với số lượng lớn này, EVN chỉ chốt được công tơ với các hộ sản xuất công nghiệp lớn, còn lại với các hộ sinh hoạt, ngành điện sẽ dùng biện pháp thủ công là đọc công tơ sau đó.

Nhìn chung, việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hoá giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu cho thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn dự phòng hợp lý, hệ thống truyền tải và phân phối điện có đủ năng lực truyền tải, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài. Việc điều chỉnh giá điện không chỉ đảm bảo cho nhà sản xuất và kinh doanh điện phát triển ổn định, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội, cho người tiêu dùng.

Vấn đề còn lại hiện nay là các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt thị trường, hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý (như những đợt tăng giá trước đây) làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.

Lan Hương