Bài 2: Tự chủ không chỉ về tài chính

Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 26/02/2010

(HNM) - Lâu nay, người ta thường cho rằng tự chủ tức là được phép tự sử dụng kinh phí cho các nhu cầu chi tiêu. Nhưng tự chủ về tài chính chỉ là một trong những điều kiện bảo đảm cho các cơ sở đào tạo tự phát triển.


Hiểu đầy đủ, tự chủ phải là sự chủ động trong quản lý của nhà trường trên các phương diện: học thuật, tài chính, tổ chức quản lý và nhân sự, trong đó đầu tiên phải là học thuật, bao gồm cả đào tạo và nghiên cứu khoa học. "Cởi trói" để các trường vùng vẫy nhưng giao quyền tự chủ chưa đầy đủ đã khiến không gian hoạt động và khả năng sáng tạo của cơ sở đào tạo bị bó hẹp.

>Bài 1: Để phát triển, trường đại học cần gì ?

Tự chủ về học thuật:Thiếu lòng tin hay thiếu dũng cảm?

Những sinh viên hệ Kỹ sư tài năng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được học tập trong điều kiện tốt hơn nữa nếu trường được quyền tự chủ đầy đủ. Ảnh: Bích Ngọc


Tự chủ về học thuật là sự chủ động trong hoạt động đào tạo và NCKH của nhà trường. Các trường đại học (ĐH) cần được tự quyết định về ngành học và chương trình đào tạo; các tiêu chuẩn học thuật và chất lượng; số lượng và phương thức tuyển sinh.

Hiện nay cả nước có 150 trường ĐH, hầu hết là đa ngành, đa lĩnh vực. Khác với trường phổ thông, ở đó hàng vạn trường có thể dùng chung một chương trình, một bộ sách giáo khoa, mỗi trường ĐH có đặc thù và sắc thái riêng. Tri thức của loài người lại đang tăng lên nhanh chóng và luôn biến động. Chính nhà trường chứ không phải Bộ là nơi có hiểu biết và cập nhật nhanh nhất các thông tin trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đào tạo. Để đáp ứng đòi hỏi của xã hội, làm cho sản phẩm đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, các trường phải thường xuyên đổi mới ngành nghề và chương trình đào tạo. Nhưng hiện nay, việc này luôn vấp phải những khó khăn do thiếu quyền tự chủ. Mở ngành gì, đào tạo bao nhiêu, chương trình như thế nào… đều phải xin phép Bộ, trừ một số ít trường được phép. Trong khi đó, mỗi chuyên viên của Bộ được giao quản một số trường với hàng chục ngành, hàng trăm chuyên ngành hẹp mà bản thân họ không hiểu sâu, thậm chí không có chuyên môn về nó. Được mở ngành, các trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung và lại xin Bộ mới được triển khai đào tạo, kể cả đối với những cơ sở đào tạo tham gia chủ yếu vào việc xây dựng chương trình khung. Không chỉ có chuyện mở, đóng ngành hay chương trình đào tạo mà cả việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh… các trường cũng không được tự chủ. Thực tế hằng năm cho thấy, các trường "vượt rào" trong tuyển sinh hầu hết là trường mới thành lập và dân lập. Thế nhưng, để quản lý những "đứa con hư", Bộ đã quản cả những trường có khả năng tự bảo đảm và kiểm soát chất lượng ở mức cao.

Trong NCKH, "nút thắt" lại càng chặt. Với cơ chế hiện nay, kinh phí NCKH được cấp thông qua các dự án, đề tài nghiên cứu, chủ yếu là do các chủ nhiệm đề tài đề xuất, nên manh mún, dàn trải và không gắn với các nhiệm vụ khoa học cụ thể, các hướng nghiên cứu lớn. Quy trình xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu… phải tuân thủ các quy định về tài chính nặng về thủ tục hành chính, làm nản lòng các nhà khoa học và không có tác dụng thúc đẩy, động viên giảng viên tham gia nghiên cứu. Không được tự chủ, các trường muốn tổ chức và tạo ra các nguồn thu chính đáng và hợp pháp từ các hoạt động NCKH cũng đành bó tay và loay hoay trong việc làm thế nào để nguồn thu từ hoạt động này có thể tái đầu tư trở lại cho nó và hỗ trợ đào tạo, nhất là đào tạo sau ĐH.

Điểm qua một vài nội dung của tự chủ về chuyên môn đã thấy, việc giao quyền tự chủ về học thuật cho các cơ sở đào tạo giống như việc "chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ trong cùng gia đình giáo dục" mà còn như vậy thì những lĩnh vực phải chịu sự chi phối của các bộ, ngành khác như tài chính, tổ chức còn khó đến đâu.

Tự chủ tài chính, tổ chức:Nửa vời

Các trường đại học lớn như Đại học Khoa học tự nhiên rất cần được trao quyền
tự chủ một cách đầy đủ.  Ảnh: TTXVN


Theo ý kiến của nhiều hiệu trưởng, sự lệ thuộc về nguồn tài chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Trong tổng số nguồn lực tài chính của các trường, ngân sách đào tạo chiếm 68%, học phí chiếm 26%, các khoản thu khác chiếm 6% mà nguồn ngân sách phụ thuộc vào số lượng SV nên để gia tăng nguồn thu, các trường đều mở rộng quy mô đào tạo hoặc giảm hệ chính quy, phát triển hệ đào tạo phi chính quy, trong khi không tăng được các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là về giáo viên. Phần lớn ngân sách ít ỏi dành để chi thường xuyên, nhiều nhất là lương, nên không có tiền để đầu tư phát triển. Kinh phí hạn chế tác động không nhỏ đến hoạt động NCKH, trả tiền dạy vượt giờ cho giáo viên… khiến cho mức thu nhập bình quân của giảng viên trường công thấp; tình trạng giảng viên đi dạy các trường ngoài công lập để có thêm thu nhập trở nên phổ biến. Số lượng giờ dạy ở trường đã khá lớn, lại "chân ngoài dài và hơn chân trong" nên các thầy không còn thời gian để tự bồi dưỡng nâng cao trình độ và NCKH. Đã ít lại được cấp rất muộn, thường là tháng 3 hằng năm, kèm theo các quy định về chi tiêu cũng vô cùng chặt chẽ nên các vấn đề về tài chính đã bó tay những ai muốn vùng vẫy để phát triển. Không được tự chủ nên các trường khó huy động được những nguồn lực khác, kể cả từ hợp tác quốc tế hoặc thậm chí có nguồn nhưng không có cơ chế để chi, muốn chi lại phải "lách" luật, điều không nên xảy ra ở các cơ sở đào tạo. Nhận xét ngắn gọn về vấn đề tài chính, Bộ GD-ĐT cho rằng: Các quy định về tài chính chậm đổi mới, còn nhiều bất hợp lý, hạn chế sự năng động sáng tạo của các nhà trường. Trong khi đó, lẽ ra các trường ĐH cần được tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai và cân đối các nguồn tài chính thu và chi nhằm bảo đảm hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật và không vụ lợi.

Tài chính được quan tâm đầu tiên và được coi là lĩnh vực đi tiên phong trong việc giao quyền tự chủ cho các trường mà đã cho "bức tranh" không mấy sáng sủa như vậy nên vấn đề tổ chức và nhân sự "tối" hơn cũng là điều không khó hiểu. Giờ không còn cảnh cán bộ, giảng viên đi công tác nước ngoài phải có quyết định của Bộ như trước, dẫu trường đưa lên trăm người thì Bộ duyệt cả trăm nhưng cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm chưa thực sự hấp dẫn thì vẫn không mấy khác trước. Vì thế, việc thu hút các nguồn nhân lực bên ngoài có trình độ trở thành giảng viên ĐH còn hạn chế; sinh viên giỏi ở lại trường là để có cơ hội học tiếp, chủ yếu là ở nước ngoài, chứ không phải để giảng dạy; giảng viên giỏi, có năng lực quản lý chưa sẵn sàng tham gia lãnh đạo nhà trường… Trong khi đó, mỗi trường ĐH là một trung tâm trí tuệ và có những đặc thù riêng nên cần và có khả năng tự quyết định và chủ động trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, phân tách, thành lập các đơn vị trực thuộc, tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ nhân tài, đồng thời xây dựng một chiến lược phát triển có tầm nhìn và định hướng rõ ràng.

Sự chủ động của các trường ĐH về cả 3 mặt học thuật, tài chính và tổ chức quản lý là không thể tách rời. Với những sự chủ động như vậy, các trường ĐH có điều kiện và buộc phải năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các mục tiêu trước mắt và lâu dài luôn biến động, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong toàn bộ hệ thống nhằm nâng cao sự đóng góp của GD ĐH trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu.

Kim Thoa