Cơ hội nào để đổi mới công nghệ ?

Xe++ - Ngày đăng : 07:32, 26/02/2010

(HNM) - Cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp (DN), khoảng 96% DN trong số này có quy mô vừa và nhỏ (VVN), tức có số vốn kinh doanh đăng ký không quá 10 tỷ đồng và 300 lao động.


Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 80% DNVVN sử dụng công nghệ lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với thế giới. Đa số DN sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước và năng lực để đầu tư đổi mới công nghệ rất hạn chế.

Lập doanh nghiệp như... xây nhà

Việc đầu tư công nghệ tại các doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế, nên công nhân làm việc theo kiểu thủ công.   Ảnh: Bá Hoạt


TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết: Các DNVVN tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, đóng góp 40% GDP và 29% kim ngạch xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt 18%/năm... Rõ ràng, khu vực DNVVN có đóng góp rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo quy luật rất tự nhiên, hầu hết DNVVN nước ta đều khởi đầu và trưởng thành từ các hộ kinh doanh cá thể. Quá trình phát triển của DN cũng là quá trình tích lũy và đầu tư theo kiểu có đến đâu làm đến đó. Đây là đặc điểm có tính quyết định đến quá trình phát triển công nghệ trong các DNVVN.

Ông Lý Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam lấy dẫn chứng tại Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh): Xuất phát từ làng nghề sản xuất giấy dó, hiện nay Phong Khê có đến hơn 200 công xưởng sản xuất nhiều loại giấy khác nhau. Hầu hết các DN ở đây đều bắt đầu từ cơ sở sản xuất nhỏ, rồi phát triển lên, có khi lên tới 3 đến 5 xưởng với công suất lớn. Vào các xưởng giấy, dễ dàng bắt gặp đủ loại máy móc thiết bị có xuất xứ khác nhau. "Cách người sản xuất phát triển một xưởng giấy ở Phong Khê cũng giống như cách người nông dân xây một ngôi nhà. Với cách làm như vậy, các DNVVN gặp rất nhiều thách thức trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh" - ông Sơn khẳng định.

Không chỉ thiếu vốn sản xuất, DNVVN cũng thiếu trầm trọng nhân lực khoa học, công nghệ (KHCN). Trong 117 đơn vị do Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và Cộng đồng điều tra trong khuôn khổ một dự án về sử dụng hiệu quả năng lượng trong các DNVVN, chỉ có 11 DN có cán bộ kỹ thuật. Việc thiếu nhân lực KHCN là nguyên nhân quan trọng, hạn chế khả năng đề xuất, tìm kiếm và lựa chọn công nghệ ở đối tượng DN này.

Theo ông Nguyễn Hữu Sự, Tổng Thư ký Hiệp hội các DNVVN TP Hà Nội, có một thực tế là việc tiếp cận với sản phẩm công nghệ cao của DN rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do DN tìm hiểu thông tin chưa đầy đủ, hoặc thông tin được cung cấp từ những nguồn không chính thức, thiếu tính xác thực dẫn đến hiệu quả ứng dụng công nghệ không cao. Ngoài ra, sự lựa chọn càng khó khăn khi các DNVVN thiếu sự tư vấn chuẩn xác về các công nghệ hiện đại đang được áp dụng trên thế giới.

"Vá" lỗ hổng bằng cách nào?

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN, kết quả khảo sát tại các DN trong 3 năm từ 2006-2008 đã cho thấy: có tới 67,8% DN đưa ra được sản phẩm mới hoặc có cải tiến đáng kể và có 57,3% DN đưa ra dịch vụ mới hoặc có cải tiến. Đáng lưu ý là hầu hết sự đổi mới sản phẩm và dịch vụ này được chính các DN tiến hành. Tỉ lệ DN hợp tác với các công ty hoặc viện nghiên cứu nước ngoài cũng như trong nước còn rất hạn chế. Điều này gây hậu quả không tốt đối với việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Rõ ràng, cơ chế hợp tác giữa các DN, nhất là DNVVN với các viện nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Các DN đang phải tự mày mò, tự đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm và nếu thực trạng này tiếp tục thì đó sẽ là cản trở lớn cho sự phát triển và mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam... Việc chỉ ra được những hạn chế đó, thiết nghĩ cũng đồng thời là định hướng để "giải" được bài toán khó.

Ông Lý Đình Sơn cho biết thêm: Đã có nhiều đề tài khoa học được tiến hành nhằm tìm câu trả lời cho việc hỗ trợ khu vực DNVVN đổi mới công nghệ nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng rõ ràng nào cho việc giải quyết vấn đề. Điều này đòi hỏi phải sớm có được chiến lược hỗ trợ DNVVN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, xây dựng và áp dụng thống nhất các tiêu chí, quy trình cũng là cách để đổi mới quá trình đề xuất, thẩm định, lựa chọn và đánh giá một đề tài hay dự án đổi mới công nghệ.

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra nhanh, rộng khắp. Người nông dân ở các khu vực này ngày càng bị thu hẹp đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất. Phát triển DNVVN chính là một trong những giải pháp hữu hiệu thu hút lao động ở các khu vực này.

Gần đây, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học - công nghệ (KHCN) đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Tác động của cơ chế, chính sách công đến việc khuyến khích DN đầu tư vào KHCN" cho thấy: Mức độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) còn khiêm tốn, chỉ vào khoảng 3% doanh thu mỗi năm, bằng 22,22% so với các chi phí khác. Các DN đầu tư cho R&D chủ yếu là các DN cổ phần, DN nhà nước và các tổ chức KHCN chuyển đổi thành DN KHCN. Các DN ngoài quốc doanh hầu như không chi cho R&D...

Thế Dũng