Khó khăn còn đó
Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 26/02/2010
(HNM) -Sau kỳ nghỉ Tết dài, những ngày này, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp làm việc ở các công trường, nhà máy, xí nghiệp đã bắt tay vào lao động sản xuất với quyết tâm giành năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Song song với khí thế đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng
Ổn định sản xuất
Công nhân lắp ráp xe đạp tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thống Nhất. Ảnh: Nguyệt Ánh
Trong cái rét ngọt của mùa xuân, những ngày này, tại Công ty cổ phần Tràng An, tiếng máy đã vang lên rộn rã khắp các phân xưởng. Ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, cuối năm 2009, sản lượng bánh kẹo của công ty làm ra đã tăng bình quân 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Do vậy, ngay sau Tết Nguyên đán, Ban Giám đốc Công ty quyết định "khai máy" sớm từ mùng 4 Tết để bổ sung nguồn cung cho thị trường những ngày lễ hội sau Tết. Hiện nay, mọi hoạt động sản xuất của công ty đã trở lại bình thường và đi vào quy củ.
Tương tự, CB CNVCLĐ ở Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh đã đồng loạt làm việc ngay từ ngày mùng 4 Tết và sau hơn một tuần, mọi công việc đã hoàn toàn ổn định. CNLĐ ở đây tỏ ra rất phấn chấn trước triển vọng của năm mới. Họ tin tưởng công ty tiếp tục phát huy thành tựu của năm ngoái, liên tục duy trì đà sản xuất ổn định, doanh thu đạt vượt mức kế hoạch, đơn hàng từ các đối tác tiếp tục tăng... Nhiều công nhân phấn khởi chia sẻ, họ rất ý thức được rằng, mọi người cần nỗ lực, hăng hái hơn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn ngay từ những ngày đầu xuân mới này.
Với khí thế tưng bừng, phấn khởi, CNLĐ ở Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thống Nhất cũng đã vào ca sản xuất với mục tiêu phấn đấu xuất xưởng 500 chiếc xe đạp các loại ngay trong tháng này. CNVCLĐ trên địa bàn Hà Nội mở rộng cũng nhanh chóng ổn định sản xuất. Tại Công ty TNHH Sản xuất đồ chơi Chee Wah (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), công nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, chị cùng hơn 1.500 công nhân trong đơn vị rất phấn khởi vì công ty luôn quan tâm đầy đủ các chính sách và không ngừng cải thiện điều kiện làm việc. Trong bối cảnh hiện nay, có được một việc làm ổn định đã khó, lại được làm việc ở một môi trường tốt, chế độ đãi ngộ thỏa đáng còn khó hơn nhiều. Bởi vậy, dù có mải vui xuân đón Tết đến mấy, chị vẫn quyết tâm đi làm trở lại đúng ngày giờ quy định.
Chiến dịch "săn" lao động
Bên cạnh các đơn vị đã ổn định sản xuất, hiện nay còn không ít DN rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Nguyên nhân là do sau khi nghỉ Tết, nhiều công nhân không quay trở lại làm việc. Và nguyên nhân chủ yếu do cơ chế lương, thưởng quá thấp không đủ chi phí cho việc thuê nhà và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Tại các khu trọ của CNLĐ Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, nhiều căn phòng trọ cửa vẫn đóng im ỉm và trước cửa treo tấm biển cho thuê trọ. Chị Trần Thị Kim Bình, quê ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên, công nhân Công ty May Minh Trí tâm sự, chị làm việc ở công ty đã 4 năm nhưng lương tháng cũng chỉ được gần 2 triệu đồng. Với mức đó, chị phải tằn tiện lắm mới để dành được vài trăm nghìn đồng gửi về quê giúp đỡ gia đình. Còn chị Dung, quê ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội làm việc ở bộ phận bán hàng Công ty May Nha Trang cho biết, lương tháng của chị được 3 triệu đồng. Nhưng vì có gia đình riêng, chi phí "đội" lên nhiều hơn, nên cuộc sống của chị cũng rất chật vật, mỗi tháng tiền nhà, điện nước "ngốn" hết 1 triệu đồng, gửi con đi nhà trẻ hết 1 triệu đồng nữa, chỉ còn lại 1 triệu đồng cho sinh hoạt, ăn uống. ''Nhiều bạn bè tôi đã bỏ việc về quê hoặc tìm công việc khác do đi làm không đủ bảo đảm cuộc sống'' - chị kể.
Cũng tại KCN này, khá nhiều công ty "trưng" biển tuyển lao động nhưng không có người đến đăng ký nộp hồ sơ. Đọc những dòng tin tuyển dụng, có lẽ chả mấy ai mặn mà, ví dụ như Công ty TNHH Sơn Minh tuyển công nhân may giày da, nhưng mức lương chỉ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng. Còn Công ty Minh Trí tuyển 200 công nhân cũng mức lương tương tự. Một trong những "anh cả" của làng dệt may Thủ đô là Công ty Dệt may Hà Nội, mới Tết ra cũng đã phải dán thông tin tuyển 300 công nhân may. Cảnh tượng này cũng diễn ra ở nhiều KCN khác. Tại KCN Sài Đồng B, thông báo tuyển dụng được dán rất nhiều, ngay cả trước cổng nhiều công ty liên doanh nước ngoài quy mô khá lớn như Công ty TNHH Hitech, Tsukuba, Công ty Khuôn mẫu chính xác Zion... Nhưng thực trạng ở đây cũng chẳng khá hơn ở KCN Vĩnh Tuy, bởi mức lương cho công nhân kỹ thuật có nghề rồi cũng rất thấp, chỉ 1,4 đến 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Trong bối cảnh trên, song hành cùng với các DN trong chiến dịch "săn" lao động, LĐLĐ cấp trên cơ sở và các cấp CĐ nói chung đang cùng vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ làm cầu nối giữa NLĐ với DN. Theo ông Phùng Khắc Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây, qua khảo sát nắm tình hình ở cơ sở thì toàn bộ 7 DN ngành dệt may trên địa bàn đều đang "kêu" khó khăn vì thiếu lao động. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Hà Nội cho biết, tuy CĐ ngành chưa nhận được yêu cầu từ các DN về tình trạng thiếu công nhân, song do ý thức được đặc thù của ngành nghề rất hay có biến động về lao động, nên CĐ ngành đang nỗ lực, sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ để cùng DN tháo gỡ khó khăn về thiếu nhân lực. Bà Nguyễn Thị Hóa, Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội cũng cho biết, CĐ ngành đang khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm cũng như tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ tại 8 KCN trên địa bàn để có hướng tháo gỡ khó khăn.
Một số thông tin trên đây chưa thể phản ánh hết về tình hình lao động, việc làm sau dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Song với sự quan tâm kịp thời của các cấp CĐ, những khó khăn vướng mắc vì thiếu nhân lực từ phía DN sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc và để có nguồn lao động ổn định, thì vấn đề cơ chế, chính sách cho NLĐ cần được quan tâm hơn. Điều này cần sự cố gắng từ chính các DN và sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng...