Sóc Sơn, nơi linh khí hội tụ
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:06, 25/02/2010
6 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000-2006), rồi 4 năm (2006-2010) giữ trọng trách là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, chưa có lúc nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nguôi nhớ về vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều gian khó nhưng đầy ắp tình người, đã có thời được coi là xa nhất, rộng nhất và cũng nghèo nhất của Hà Nội (hồi chưa mở rộng).
Du khách về dự Lễ hội đền Sóc. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Về thăm lại Sóc Sơn, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và cán bộ, nhân dân trong huyện đã cùng nhau nhớ lại thời kỳ cả Ban Thường vụ Thành ủy cùng lãnh đạo huyện Sóc Sơn tập trung bàn biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy tốt nhất tiềm năng đất đai, con người của huyện, để đưa Sóc Sơn tiến kịp các địa phương của Hà Nội. ''Hơn 6 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, không có năm nào tôi không về Sóc Sơn. Nhớ nhất là chuyện lình xình ở bãi rác Nam Sơn, xe rác từ thành phố lên, bà con nằm chặn giữa đường từ 1-2 giờ sáng, không cho xe chở rác vào khiến tình hình rất phức tạp. Rồi chuyện 35 hộ dân ở thôn Đồng Đò (xã Minh Trí) đến tận đầu thế kỷ XXI mà vẫn không có điện...'' - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hồi tưởng. Tết đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng tới thăm, quyết định chi ra gần 2 tỷ đồng ngân sách thành phố để đóng điện cho bà con. Rồi còn chuyện mở trại cai nghiện 06 tại Sóc Sơn... Biết bao là khó khăn, phức tạp cũng dần được tháo gỡ. ''Hồi đó, cơ sở sản xuất công nghiệp - dịch vụ ở Sóc Sơn hầu như không có gì, chỉ duy nhất có trang trại lợn ở Đồng Đò và cơ sở sản xuất thép Tuyến Năng. Tôi nhớ, giám đốc công ty đó rất năng động, sản lượng thép làm ra gần bằng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Không biết đồng chí giám đốc đã vào Đảng chưa?'' - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hỏi. Vui nhất là chuyện Bí thư Thành ủy ''xui'' lãnh đạo huyện kiến nghị để Ban Thường vụ Thành ủy ra hẳn một nghị quyết (16) về một số chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2004-2010. ''Chưa có bao giờ, cả Ban Thường vụ Thành ủy về họp riêng với Sóc Sơn để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương; và cũng chưa có tiền lệ, Thành ủy Hà Nội ra hẳn nghị quyết riêng về một huyện. Đây là một nghị quyết vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam cho Đảng bộ, là sự ưu tiên đặc biệt để Sóc Sơn phát triển theo kịp các huyện của Thủ đô Hà Nội'' - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
5 năm chung sức, chung lòng thực hiện Nghị quyết 16, mặc dù vẫn còn những băn khoăn, trăn trở và vài điều chưa được như mong muốn, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành ủy; sự giúp đỡ hiệu quả của các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị TƯ đứng chân trên địa bàn; sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện, Sóc Sơn đã phát triển vượt bậc. Bước đầu đạt mục tiêu của Nghị quyết 16 đặt ra là: ''Đến năm 2010 tạo sức bật mới, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cho Sóc Sơn trở thành vùng phát triển của Thủ đô".
Bằng sự quan sát tinh tế dọc đường, từ khu công nghiệp Nội Bài đến trung tâm huyện lỵ Sóc Sơn và qua báo cáo nhanh của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy vài năm gần đây, kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn đã có bước phát triển tích cực. Kinh tế trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân 21,45%/năm; kinh tế do huyện quản lý tăng bình quân 13%/năm (trước năm 2004 tăng bình quân 7-8%/năm). Đặc biệt, đến năm 2010, cơ cấu kinh tế của huyện đạt tỷ lệ 82% (đối với công nghiệp), 14% dịch vụ và nông nghiệp chỉ còn lại 4%. Thu ngân sách từ năm 2007 đến nay đều đạt mức trên 100 tỷ đồng. Đường sá, bộ mặt phố thị, nông thôn Sóc Sơn đã có nhiều thay đổi... Đáng chú ý, những năm gần đây, với lợi thế là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô và là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa - tâm linh, Sóc Sơn đã và đang thu hút mạnh nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư. Trong đó, có dự án mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; xây dựng QL 18 giai đoạn 2; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Nội Bài - Nhật Tân; Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Tượng đài Thánh Gióng; Học viện Phật giáo giai đoạn 2... 27/66 dự án quan trọng trong Kế hoạch 61/KH-UB cũng đã được khởi công, thi công và hoàn thành đúng tiến độ. Đó là hoàn thành 8 tuyến đường với 34,3km trải nhựa và bê tông; xây dựng gần 200km đường trục giao thông cấp xã... ''Sóc Sơn đã có đà. Vấn đề là huyện cần phải phát huy nội lực, khai thác tiềm năng để bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô và nằm trong tốp các huyện dẫn đầu khối ngoại thành Hà Nội'' - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
2. Mới mùng 4 Tết mà con đường dẫn vào đền Sóc, chùa Non ở Sóc Sơn đã đông nghẹt khách thập phương và nhân dân địa phương đến hành hương, chiêm bái. Năm nay trời đất chiều lòng người, nên sau những ngày nắng nóng bất thường cuối năm Kỷ Sửu, từ 30 Tết, trời trở rét và lất phất mưa Xuân, rất hợp với hoạt động trồng cấy, lễ hội và du Xuân đầu năm. Trong đó, lễ hội đền Gióng năm nay được tổ chức quy mô và hoành tráng, có mặt cả các Đại sứ quán ở Hà Nội do đã được Nhà nước chính thức đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và thế giới.
Pho tượng Phật tổ bằng đồng cao 6,5m tại chùa Non. Ảnh: N.A |
Nằm dưới chân núi Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, khu di tích đền Sóc là một quần thể di tích lớn, được bao bọc bởi một bên là núi, một bên là hồ nước, tạo nên cảnh quan, vừa hùng vỹ, mang thần khí linh thiêng, vừa toát lên vẻ lãng mạn sơn thủy hữu tình - nơi cỏ cây lẫn mây ngàn (Ngô Chi Lan). Theo phỏng đoán của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, có thể trước khi có câu chuyện ông Gióng đánh tan giặc Ân rồi chọn vùng đất linh thiêng này để về trời, thì đây là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Sơn thần của nhân dân địa phương - nơi tụ khí thiêng trời đất mà các triều vua thường đến đây thụ khí, cầu đạo trước khi ra trận, thắng trận rồi sắc phong xây sửa... Trải qua hơn 10 lần trùng tu, Quần thể khu di tích đền Sóc đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962. Cùng với các công trình kiến trúc lịch sử, hầu hết các tục trong lễ hội đền Sóc là vết tích có nguồn gốc rất xa xưa, phản ánh những quan niệm, triết lý của người Việt cổ từ thuở dựng nước (tương truyền là từ đời Hùng Vương thứ 6). Cũng giống như hội Phù Đổng, lễ hội đền Sóc mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay như bài học ''Uống nước nhớ nguồn'' và tu dưỡng lòng yêu nước.
Thắp hương tưởng nhớ tới vị anh hùng huyền thoại của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn cần phát huy truyền thống yêu nước và anh hùng, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cũng như dịch vụ - du lịch. Nhất là khi sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang cận kề. Dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng - một công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng đang gấp rút hoàn thành. Khi đó, tượng đức Thánh Gióng tay cầm gậy tre, trên lưng tuấn mã bay vút lên trời, đúc bằng đồng ở trên 1.000 bậc đá, tượng trưng cho Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi, sẽ là một tượng đài cung nghi, lộng lẫy.
Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử đền Sóc, chùa Non Nước và Học viện Phật giáo Việt Nam - một công trình kiến trúc nghệ thuật hoành tráng vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng khoảng dăm bảy năm nay cũng là một địa chỉ du lịch tâm linh ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương. Trong đó, chùa Non Nước với pho tượng Phật tổ bằng đồng cao 6,5m được đúc liền khối nặng 30 tấn lớn nhất Đông Nam Á (vào thời điểm năm 2001), được xây dựng trên nền đất cũ từ thời Tiền Lê, theo kiến trúc chùa cổ đang thu hút rất đông khách thập phương.
Theo lược sử của nhà chùa thì chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, được dựng trên thế long chầu hổ phục. Trong đó, bức tượng Phật tổ được đặt trong thế vòng cung. Đức Phật ngự trên ngai, tựa lưng vào núi, có 9 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào; mỗi ngọn núi đều gắn với một truyền thuyết như núi Đồng Sóc, núi Đá Đen, núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng và núi Đá Chồng (theo truyền thuyết Thánh Gióng sau khi dẹp xong giặc Ân bèn cởi áo giáp bái biệt quê mẹ về trời. Tấm áo giáp hóa thạch tạo thành những tảng đá lớn nhỏ lớp lớp chồng lên nhau). Dự kiến, tượng đài Thánh Gióng sẽ được dựng lên tại đỉnh núi này với độ cao 297m, càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất huyền thoại này.
Đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Học viện Phật giáo được xây dựng khang trang nằm nép mình dưới chân núi Sóc, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam cùng các vị chức sắc đã vui mừng thông báo với Chủ tịch về quá trình xây dựng cũng như sự tu tập, tinh tiến của các tăng, ni, phật tử trong Học viện và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đặc biệt, như một cơ duyên, có được Học viện Phật giáo khang trang đứng hàng nhất nhì cả nước với diện tích hơn 10ha tại vùng đất linh khí hôm nay, các vị chức sắc trong Giáo hội không quên công lao của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khi đó còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ngồi đối diện với vị cao tăng, đồng thời cũng là một vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm trong bộ áo cà sa màu vàng quen thuộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng bồi hồi ôn lại thời gian chọn đất xây dựng Học viện. Lúc đầu, Giáo hội dự định lấy đất ở Gia Lâm, nhưng sau thấy khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã giới thiệu với Giáo hội mảnh đất này và được Giáo hội đồng ý. Nay thì Học viện Phật giáo, chùa Non, di tích đền Thánh Gióng đã là một quần thể kiến trúc lịch sử tâm linh không thể tách rời, trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách Thủ đô dịp Hà Nội 1000 năm tuổi. Học viện Phật giáo đang được mở rộng giai đoạn 2, dự kiến sẽ đón tiếp cả các tăng, ni sinh từ nước ngoài đến tu tập. Đây cũng là nơi đào tạo cao học Phật học đầu tiên tại Việt Nam.
Khác hẳn với luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch là Việt Nam đang đàn áp tôn giáo, những năm gần đây trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất Rồng bay nói riêng, các cơ sở thờ tự của tôn giáo mọc lên ngày một nhiều với cơ sở vật chất khang trang, hoạt động đạo pháp phát triển tinh tiến, đầm ấm... Cứ nhìn cái cách Hòa thượng Thích Thanh Tứ và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với nhau một cách thân mật, đủ thấy mối thâm giao giữa người đứng đầu Giáo hội với người đứng đầu Quốc hội đã bền chặt, sâu nặng đến thế nào khi đạo với đời đã hòa vào làm một, vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, của dân tộc.
Giữa buổi đầu Xuân trời đất giao hòa, đạo đời phát triển, một tiếng chuông chùa bỗng ngân lên giữa lưng chừng núi Sóc, quện vào thinh không trong lất phất mưa Xuân như một lời cầu chúc cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…