Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 25/02/2010
(HNM) - Tối 24-2 (ngày 11 tháng Giêng), tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày thơ Việt Nam - Nguyên tiêu Xuân Canh Dần 2010 với chủ đề:
Một tiết mục của CLB Thơ ca Tân Bình tại Ngày thơ Việt Nam 2010 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Với chủ đề "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", đêm thơ tại TP Hồ Chí Minh khơi lại cảm hứng hào hùng từ bài thơ "Nhớ Bắc" của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tiết mục này được diễn ngâm kết hợp múa thơ do Hội Múa thành phố dàn dựng. Đoàn hát bội thành phố đã làm sống lại hình tượng Đức vua Lý Thái Tổ đọc Chiếu dời đô cách đây 1000 năm. Bên cạnh đó là chương trình giao lưu với các tác giả, tác phẩm được chọn theo mạch cảm hứng của những tứ thơ từ miền Nam nhớ về Thăng Long - Hà Nội. Đó là Lê Giang và bài thơ "Em vẫn đợi anh về", Thanh Tùng với "Thời hoa đỏ", Hữu Thỉnh với "Biển, nỗi nhớ và em". Đặc biệt, đoàn Quân khu 7 trình diễn tác phẩm "Nỗi nhớ mùa đông", nhạc Phú Quang, thơ của Thảo Phương - đó là tiếng lòng một người con Hà Nội sống giữa đất Sài Gòn...
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 diễn ra từ sáng thu hút hơn 100 nhà thơ, quy tụ nhiều nhà thơ trẻ như Ngô Liêm Khoan, Bùi Thanh Tuấn, Ðỗ Thanh Vân, Chiêu Anh Nguyễn, Song Phạm, Lê Thùy Vân… Theo nhà văn Lê Văn Thảo - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức: Từ lúc đi mở cõi, người dân phương Nam luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Và Hà Nội là trái tim của cả nước - nơi kết tinh của cội nguồn dân tộc. Chính vì thế, Ngày thơ năm nay không chỉ là dịp để tôn vinh những nhà thơ, những người yêu thơ mà còn giúp cho các nhà thơ trẻ đất phương Nam vọng tưởng về Hà Nội - Thủ đô sắp bước vào ngàn năm tuổi.
Nhà thơ Phan Hoàng - tác giả của bài thơ "Bước gió truyền kỳ" nói về hành trình khẩn hoang mở cõi oai hùng và cực khổ của tổ tiên tâm sự: Trong mỗi con người, ai cũng có quê hương, đất nước - nơi gắn liền với bản sắc văn hóa. Nhớ về Hà Nội là nhớ về những người đã ngã xuống, khẩn hoang mở cõi. Vì thế nhiều người dân trên mọi miền đất nước, nhất là những người vùng sâu, vùng xa mơ một lần được đến Hà Nội.