Hoạt động căng tin tại các trường học trên địa bàn: Có “sinh”, thiếu “dưỡng”
Giáo dục - Ngày đăng : 07:47, 24/02/2010
Cháo, món ăn khoái khẩu của học sinh liệu có bảo đảm vệ sinh? |
Đứa con ngoài giá thú?
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng ATVSTP (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi xây dựng trường học, các nhà quản lý chỉ chăm chút làm sao các phòng học thật đẹp, bàn ghế, ánh sáng đúng chuẩn; còn những nhu cầu khác như ăn uống, vệ sinh thì ít được quan tâm. Cũng vì thế nên có nhiều trường học khang trang, hiện đại nhưng nhà vệ sinh lại rất ọp ẹp, căng tin thì quá lụp sụp. Đó là chưa kể tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận học sinh cùng những người phục vụ căngtin đã làm cho mỹ quan, vệ sinh môi trường càng thêm nhếch nhác. Cũng theo ông Hòa, qua các đợt kiểm tra vừa qua đã phát hiện nhiều căng tin trường học bán hàng không rõ nguồn gốc (chủ yếu là hàng Trung Quốc) không có nhãn phụ. Nguyên nhân là do những mặt hàng này rẻ (500-1.000 đồng/món), phù hợp với túi tiền của học sinh. Mặt khác, nhiều sản phẩm được bày bán ở căng tin trường học thường màu mè, bắt mắt. Những phẩm màu đó không gây ngộ độc cấp tính nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Không thể chấp nhận tình trạng mất ATVSTP tại một nơi vốn được xem là có văn hóa như trường học, nên đã có lúc ngành giáo dục và ngành y tế cấm không cho các trường mở căng tin. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống của học sinh là có thật, nếu cấm căngtin trường học thì hàng rong ngoài cổng trường sẽ bùng phát. Do đó, ngành giáo dục đã chấp nhận cho căngtin trường học hoạt động trở lại nhưng kèm theo "tối hậu thư": Từ năm học 2009-2010 trở đi, căngtin trường nào chưa có giấy chứng nhận ATVSTP thì phải đóng cửa! Mặc dù vậy, nhiều căng tin có giấy chứng nhận nhưng vẫn bày bán hàng trôi nổi, không nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, khi ngành y tế đến kiểm tra thì lập tức những sản phẩm này được phi tang ngay. Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do nhà trường quản lý chưa chặt chẽ. Sau khi nhà trường tổ chức đấu thầu (chỉ dành cho người bên ngoài), ai trúng thầu thì người đó làm chủ. Căng tin tròn hay méo, ngắn hay dài là do các chủ kinh doanh. Thậm chí, có trường coi căng tin như "đứa con rơi", không thèm ngó ngàng tới…
Phải là nơi học làm người
Với chương trình giáo dục mới hiện nay, trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn dạy cách làm người cho học sinh. Do đó, trong năm học 2009-2010, ngành giáo dục TP đã đưa tiêu chí xây dựng căng tin không chỉ ATVSTP mà còn phải văn minh và thân thiện. Ở nơi đó, học sinh biết xếp hàng chờ tới lượt, biết giúp đỡ, nhường nhịn các em ở lớp dưới để khi vào đời, các em biết áp dụng những cách ứng xử này trong cuộc sống. Chính vì vậy, đầu năm 2010, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã phối hợp tổ chức tập huấn "Xây dựng căngtin trường học bảo đảm ATVSTP, văn minh, thân thiện". Theo đó, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) được chọn làm mẫu thí điểm. Trước mắt, Sở GD-ĐT và Sở Y tế hỗ trợ cho trường 25 triệu đồng để xây dựng mô hình mẫu. Căng tin được chia thành nhiều khu: khu bán đồ văn phòng phẩm, bánh kẹo; khu bán nước uống; khu bán đồ ăn… Để có một căng tin đúng chuẩn, vừa bảo đảm ATVSTP vừa văn minh - thân thiện, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng, một hai năm đầu, nhà trường nên "chịu thiệt" để chủ có kinh phí xây dựng căng tin đẹp, khang trang, đây là những địa điểm không chỉ đáp ứng các yêu cầu về y tế mà còn phải có văn hóa. Và hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của căngtin.
Trên thực tế, việc xây dựng một căng tin đạt tiêu chuẩn ATVSTP không phải là quá khó, nếu chúng ta quyết tâm chung tay, góp sức vì sức khỏe của học sinh - những mầm non đất nước, vì một môi trường văn minh - thân thiện.