Hà Nội: Gấp rút tu bổ các di tích đón Đại lễ
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 23/02/2010
Thành phố trong năm qua đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực này. Xây dựng bảo tàng chẳng là để ghi nhận cội nguồn đó sao? Xây dựng thư viện thành phố với phòng địa chí ăm ắp tư liệu cổ thì đích thị là nơi lưu giữ dấu tích ngàn xưa. Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ. Có lẽ những nỗ lực trên đã góp phần nào để bóng dáng cố nhân hiện diện ở nơi đây.
Đền Bạch Mã (Hà Nội) sau khi được trùng tu. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Nói riêng về các di tích lịch sử, nhiều năm qua thành phố đã đầu tư không ít trí tuệ và công của để khôi phục nhiều đình, chùa, đền, miếu đặng lưu giữ những dấu ấn nghìn xưa.
Đáng quý thay ngôi đền cổ nhất mà đời Lý để lại cho chúng ta - ngôi đền có trước cả chùa Một Cột, trước cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đền Đồng Cổ (Trống Đồng) bên bờ sông Tô ở làng Đông phường Bưởi. Bị hủy hoại trong thời chiến tranh, nay thành phố cho trùng tu, phục chế lại tất cả. Vì đây là nơi suốt 200 năm đời Lý và trên 170 năm đời Trần, hàng năm vua quan ra đây tổ chức hội thề trung hiếu: “Bề tôi không trung, con cái không hiếu, thần minh tru diệt”. Ngày nay dân làng Đông vẫn theo nếp cổ, tổ chức lễ hội thề ngày 4 tháng Tư âm lịch, nội dung lời thề là lời dạy của Bác Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ngoài ra, bảo tồn đền Đồng Cổ cũng là bảo tồn văn hóa của dân tộc. Vì trống đồng là tiêu biểu cho nền văn minh Lạc Việt, là chứng tích của tâm hồn, tư duy và tài năng sáng tạo kỳ diệu của người Việt chúng ta. Trùng tu đền Đồng Cổ là rất phải.
Cũng thuộc thời Lý, trên địa bàn thành phố còn có đền Cơ Xá Nam (số 4 Nguyễn Huy Tự) thờ Lý Thường Kiệt. Ở Cơ Xá, từ lâu đã có đền nhưng vài chục năm nay từng thành nhà trẻ và một hợp tác xã cũng xén một phần làm của riêng. Để khôi phục nơi thờ người con anh hùng đích thực của Hà Nội, thành phố cũng đã cho làm lại đền Cơ Xá Nam. Tất nhiên cũng mất nhiều công của để thành nơi tưởng niệm khang trang, bề thế.
Lại còn “Tứ Trấn” nữa, do Thăng Long xưa địa giới hẹp nên có bốn ngôi đền một thuở coi như trấn giữ bốn phương, bảo vệ cho kinh thành yên bình: Bắc trấn Quan Thánh, Đông trấn Bạch Mã, Tây trấn Linh Lang, Nam trấn Cao Sơn. Tất cả qua nhiều năm đã xuống cấp. Nay cũng được nhất loạt trùng tu, uy nghi, hoành tráng.
Không chỉ chú trọng những di tích đời Lý cùng các đời Trần, Lê, Nguyễn mà các di tích cách mạng kháng chiến cũng được đầu tư tu bổ để củng cố thêm cho việc giáo dục truyền thống. Như đã giải phóng được toàn bộ khu vực 48 Hàng Ngang, 35 Hàng Cân, xây dựng thành một quần thể di tích về Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập, rồi tu bổ tôn tạo, chỉnh trang trưng bày nhà cụ An, nơi đầu tiên ở Hà Nội được đón Bác Hồ, nhà bà Hai Vẽ ở Phú Gia là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng những năm 1943-1945, dựng bia, dựng biển một số khu di tích cách mạng an toàn khu và kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện (Quán cơm bà Tấc, Di tích Dốc Vân, Cây gạo Ba Đê, Ngọc Giang, Pháo đài Láng…).
Cũng phải kể đến việc hoàn thành một cách cẩn trọng việc tu bổ chùa Trấn Quốc như sau 8 năm đề xuất và nhiều hội nghị họp bàn, cuối cùng được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Di sản, cổng chùa nhỏ hẹp đã được xây lại rộng và đẹp lên.
Có một cụm di tích trên hàng ngàn tuổi cũng được thành phố quan tâm: nghè và đình làng Mai Động (quận Hoàng Mai) thờ Triệu Tam Trinh, tướng của Hai Bà Trưng, tham gia ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa (năm 40). Để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã có quyết định tu bổ cả nghè và đình, vừa là chào mừng Đại lễ, vừa là kỷ niệm tròn 1970 năm cuộc khởi nghĩa vẻ vang của dân tộc, xứng đáng với tầm vóc danh nhân cũng như tầm vóc của thời điểm kỷ niệm 1000 năm kinh thành.
Điểm qua vài sự kiện trên ở lĩnh vực di sản, thành phố hiện đã làm được nhiều việc thể hiện trách nhiệm đối với người xưa, với lịch sử. Hy vọng chính Đại lễ sẽ khởi động lòng tự hào đồng thời lòng tự trọng của mỗi người dân Thủ đô. Mọi người sẽ tự nguyện góp phần tích cực hơn trong công việc bảo tồn di tích.