Tổng thống Nga cách chức 17 tướng lĩnh cảnh sát

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 23/02/2010

(HNM) - Sắc lệnh cách chức 18 quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có 17 tướng lĩnh trong vòng 24 giờ vào cuối tuần trước không chỉ thể hiện quyết tâm của Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép nhằm cải tổ đội ngũ nhân viên trong Bộ Nội vụ mà còn là một quyết định quan trọng cho chiến dịch chống quan liêu và tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Sắc lệnh gây chấn động này được ban hành trong bối cảnh thời gian gần đây, số vụ nhân viên cảnh sát vi phạm pháp luật và kỷ luật công vụ gia tăng, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội và làm mất uy tín của chính quyền. Một trong những vụ việc tồi tệ nhất xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái khi Đenít Êvơxiucốp một Thiếu tá cảnh sát Nga đã vô cớ nổ súng giết chết 2 dân thường và làm bị thương 7 người khác. Vụ việc đã làm bùng nổ một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Nga.

Tổng thống Nga Đ.Métvêđep.

Do đó, những tháng tới đây sẽ tiếp tục là quãng "nóng" trong hệ thống nội vụ Nga. Trước mắt, một hệ thống bảo vệ đáng tin cậy chống lại nạn tham nhũng đối với các cơ quan nội vụ sẽ được thành lập. Một ủy ban giám sát hành vi ứng xử trong thực thi công vụ của các công chức liên bang và giải quyết các xung đột lợi ích đã được Mátxcơva vận hành. Từ đầu năm nay, các nhân viên cảnh sát nước này buộc phải kê khai tài sản của bản thân và các thành viên gia đình. Chưa dừng lại ở đó, các đơn vị và cơ quan đang được thúc giục phải đệ trình phương án cụ thể về cắt giảm biên chế theo sắc lệnh cải tổ Bộ Nội vụ Nga. Theo đó, đến năm 2012 sẽ cắt giảm một nửa số nhân viên Bộ Nội vụ trực thuộc cơ quan trung ương (từ 19.970 người xuống 10.000 người); đồng thời siết chặt quy chế tuyển dụng người vào làm việc tại bộ này và việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo sẽ do đích thân Tổng thống Đ.Métvêđép giám sát...

Chống quan liêu và tham nhũng hiện là một quốc sách ưu tiên hàng đầu ở Nga. Một trong những việc làm đầu tiên của Tổng thống Đ.Métvêđép khi nhậm chức cách đây một năm rưỡi là ký sắc lệnh thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc phủ Tổng thống. Ông chủ Điện Cremli cho rằng, tham nhũng gây tổn hại tới môi trường kinh doanh, hình ảnh của Nhà nước và điều quan trọng là làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Chính phủ. Vì vậy, chống tham nhũng đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt.

Trên thực tế, với việc thông qua Luật Chống tham nhũng mới (tháng 12-2009), hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật Nga đã trở nên tích cực hơn. Kết quả là trong năm vừa qua, ở xứ sở Bạch dương đã khám phá được 15 nghìn vụ tham nhũng. Song dư luận Nga cho rằng, đó chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". Cuối năm ngoái, Tổ chức phi chính phủ InDem Foundation tại Mátxcơva (chuyên nghiên cứu về tham nhũng tại Nga) công bố, hằng năm người dân phải chi 318 tỷ USD để lo lót. Số tiền này tương đương 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga. Cùng lúc, Hãng tư vấn và kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers công bố kết quả điều tra cho thấy: 71% doanh nghiệp ở Nga là nạn nhân thường xuyên của tội phạm kinh tế. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với các nước trong nhóm bốn nền kinh tế mới nổi gồm: Nga, Braxin, Ấn Độ và Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Liên bang Nga Anatoly Golubev cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đều phải "chung chi" để bôi trơn và các khoản này chiếm chừng 40% giá thành sản phẩm.

Vì vậy, trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Đ.Métvêđép khẳng định, những hành động vừa thực thi nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là giai đoạn đầu tiên nhằm xóa bỏ tận gốc nạn tham nhũng và rằng "Phía trước còn nhiều việc phải làm để làm trong sạch các cơ cấu nhà nước và địa phương". Do đó, trong thời gian tới, người dân Nga có thể sẽ chứng kiến nhiều biện pháp mạnh tay hơn trong chiến dịch mà Tổng thống Métvêđép thực hiện và xem đó là một "sự nghiệp vì danh dự của Nhà nước Nga".

Quỳnh Chi