Trăn trở tìm hướng thoát nghèo
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 22/02/2010
Đất ít, dân thiếu việc làm
Xã Ba Vì có diện tích tự nhiên hơn 2.000ha, nhưng chỉ được phép sử dụng khoảng 300ha đất để làm ăn, còn lại thuộc Vườn quốc gia Ba Vì. Số dân cả xã có hơn 2.000 người (khoảng 400 hộ), chủ yếu là người Dao (98%). Từ khi Hà Tây chưa nhập vào Hà Nội, xã này được xếp vào nhóm 7 xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ba Vì, cần hỗ trợ phát triển.
Có được ngày hôm nay, đối với mỗi gia đình người Dao ở xã Ba Vì, hai ba chục năm trước còn sinh sống trên chót vót núi cao, đã là sự tiến bộ lớn kể từ ngày xuống núi. Nhưng so với mặt bằng chung, bà con còn rất nghèo. Theo chuẩn nghèo mới của Thủ đô (thu nhập dưới 330.000 đồng/người/tháng), khoảng 40% số hộ gia đình xã Ba Vì thuộc diện nghèo. Thu nhập bình quân đầu người cả xã năm 2009 chỉ có 3,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn chút ít so với xã An Phú (Mỹ Đức), nhưng thua xa ngay với chính mức trung bình toàn huyện Ba Vì (11 triệu đồng/người/năm).
Trong số 300ha mà người dân xã Ba Vì được phép sử dụng, chỉ có 18ha là đất ruộng từ cốt 100m trở xuống (theo quy định về bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì). Ông Triệu Phú Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết, nguồn thu nhờ canh tác ở 18ha đất này chỉ đủ nuôi bà con trong 2 tháng. Để đủ ăn trong 10 tháng còn lại của năm, bà con phải xoay xở bằng cách xâm phạm đất Vườn quốc gia hoặc hái thuốc nam bán kiếm sống. Dân nghèo nên chính quyền xã cũng không có bất kỳ nguồn thu nào, 100% hoạt động đều nhờ vào ngân sách được cấp.
Vì thiếu tư liệu sản xuất, nên cứ mùa đến, chính quyền xã lại phải đau đầu vì chuyện đơn từ qua lại giữa người dân và cơ quan quản lý Vườn quốc gia Ba Vì. "Cứ đến mùa trồng sắn, chúng tôi lại phải rất vất vả giải quyết tranh chấp giữa bà con và Vườn quốc gia" - ông Triệu Phú Đức phân trần. Bị ngăn cấm, bà con đợi trời tối lên núi, vào rừng trồng sắn, dong riềng, hái thuốc nam. Nhưng thuốc nam của đồng bào Dao Ba Vì danh không chính, ngôn không thuận, nên bán thuốc rất khó. Không được công nhận, không giấy tờ xác nhận, có lần bà con gánh thuốc đi xa vài tỉnh để bán, nhưng bị cán bộ y tế bắt được, phải hủy cả gánh thuốc. Vì thế, dù 60% bà con trong xã làm nghề hái thuốc nam phụ cho diện tích lúa, ngô ít ỏi, nhưng… nghèo vẫn cứ hoàn nghèo.
Một điều khiến những người như Chủ tịch xã Triệu Phú Đức còn đau đáu bấy lâu là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng nhiều. Tỷ lệ người đến tuổi lao động được học nghề rất hiếm. Không nghề nghiệp trong tay, không việc làm thường xuyên, thanh niên lêu lổng ngày càng nhiều. "Buôn bán thì không có vốn, mà có vốn cũng chẳng biết làm"- ông Đức nói.
"Chẳng lẽ nghèo mãi hay sao?"
Xã Ba Vì vẫn nghèo vì còn nhiều việc chưa được làm đến nơi đến chốn. Đơn cử như việc giúp dân phát triển nghề thuốc nam. Vườn quốc gia Ba Vì có khoảng 1.000 loài cây có thể làm thuốc nam, trong đó có khoảng 200 loài thuộc dạng dược liệu đặc biệt. Thay vì cấm nửa vời (người dân vẫn hằng ngày hái trộm), tại sao không tìm cách giao cho dân vừa quản lý vừa thu hái, đồng thời hướng dẫn bà con cách thu hái mang tính bảo tồn và phát triển, cách trồng tại vườn để thay thế dần việc khai thác trong rừng, thậm chí là giúp dân chứng minh giá trị thuốc nam. Làm đến nơi đến chốn, hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự nổi danh của thương hiệu thuốc nam Ba Vì bên cạnh sản phẩm sữa tươi nổi tiếng. Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đã liên hệ với Viện Y học cổ truyền Việt Nam để đào tạo kỹ năng cho bà con khai thác thuốc nam. Huyện cũng đã chuẩn bị quy hoạch diện tích trồng thuốc nam trong vườn nhà dân. Đây là những tin vui.
Về chuyện thiếu diện tích đất canh tác, chính quyền xã và huyện Ba Vì không giấu mong muốn được cho phép khai thác và sử dụng đất từ cốt 400m trở xuống. Nhưng do chưa có sự trao đổi toàn diện để trả lời dứt điểm cho việc này, nên vì nhu cầu, bà con vẫn tìm và canh tác trộm trên đất cao đến cốt 600m. Đó là việc cần được giải quyết dứt điểm. Còn trước mắt, trong khi khó khăn về diện tích đất canh tác hạn hẹp chưa được giải quyết, có lẽ chính quyền địa phương nên tập trung giúp dân vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị sản xuất hoặc thay vì tập trung vào trồng trọt nhiều, có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Điều này trông chờ vào lãnh đạo huyện và xã.
Nhưng còn một điều mà nhiều người đến và chia tay Ba Vì cứ khắc khoải mãi rằng, lỗi do ai khi để bà con ta sống với rừng, sống trong rừng mà sao vẫn không sống được bằng rừng?