Thoát khỏi “bà hỏa” bằng ống cứu hộ
Công nghệ - Ngày đăng : 08:06, 20/02/2010
(HNM) - Các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hóa học vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) vừa hoàn thành dự án sản xuất thử nghiệm đề tài
Chỉ cần bắt vít để cột chặt một đầu ống thoát hiểm vào tường, nạn nhân trong các tòa nhà cao tầng có thể nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực hỏa hoạn với thời gian tính bằng giây.
Thử nghiệm ống tuột đứng xoắn tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới và
Bảo vệ môi trường
TP Hồ Chí Minh.
Dẫu có nhiều cố gắng của những người làm công tác phòng chống cháy nhưng các vụ hỏa hoạn vẫn không giảm. Ở Hà Nội, năm 2009 có 279 vụ cháy làm 8 người chết, 38 người bị thương, thiệt hại về tài sản 220 tỷ đồng. So với năm 2008, số vụ cháy tăng hơn 30%, thiệt hại về tài sản tăng 150 tỷ đồng. Ngay trong những ngày Tết, "bà hỏa" vẫn viếng thăm một số nơi, như kho chứa hàng của Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh) gây thiệt hại lớn về vật chất hay 45 ngôi nhà của bà con thôn Bắc Mè (huyện Bắc Mê, Hà Giang). Theo đánh giá của lực lượng phòng cháy chữa cháy, các vụ cháy thường xảy ra nhiều nhất ở khu dân cư, các hộ sản xuất, kinh doanh nằm xen kẽ các khu dân cư, đe dọa tính mạng của nhiều người dân. "Đáng mừng" là, cháy ít xảy ra ở các khu chung cư, nơi tập trung đông dân và nếu có hỏa hoạn xảy ra rất dễ gây thương vong. Năm 2009, ở Hà Nội có 2 vụ cháy khu chung cư ở phố Hào Nam và Làng quốc tế Thăng Long. Tuy không xảy ra thiệt hại về người, nhưng các vụ cháy này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về khả năng xảy ra hỏa hoạn ở chung cư cũng như thiệt hại mà nó gây ra. Bên cạnh biện pháp phòng là chính, thông qua việc giáo dục ý thức cho người dân hay tổ chức quản lý phù hợp như có lư hóa vàng chung đặt ở sân mỗi khu, có hệ thống báo cháy... thì việc tìm ra những giải pháp công nghệ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người nếu cháy xảy ra có ý nghĩa quan trọng. Ống tuột cứu hộ của các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh và Viện Hóa học vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) là một giải pháp hữu ích.
Theo TS Chu Chiến Hữu (Viện Hóa học vật liệu), từ năm 2003, các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo sản phẩm ống tuột cứu hộ. Khảo sát thực tế cho thấy, tại nơi xây dựng các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam thường có không gian hẹp. Từ đó, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, sản xuất ống cứu hộ xoắn vì sản phẩm này không cần không gian rộng.
Đối với các nhà khoa học, việc sử dụng vật liệu nào để chống cháy, có khả năng chịu lực để giảm khả năng va đập cho người bị nạn lại là câu hỏi khó giải đáp nhất. Mất hơn 3 năm mày mò, tìm hiểu, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu thiết kế được ống trượt 2 lớp, với lớp ngoài chịu lửa được chế tạo từ vải sợi thủy tinh tráng cao su silicon chống cháy, có khả năng chịu nhiệt tới 600oC, khiến nạn nhân không phải chịu hơi nóng. Lớp trong chịu lực được chế tạo từ vải polyester, giúp nhiều người cùng trượt trong ống. Để tăng cường khả năng chịu lực, hạn chế va đập cho người bị nạn, lớp trong ống thoát hiểm còn được thiết kế thêm 4 đai gia cường chịu lực. Đường trượt xoắn có chiều rộng 1,1m được đính chặt 1 bên vào thành ống chịu lực, còn bên kia gắn vào dây đai chịu lực được thả tự do từ trên xuống. Bao quanh ống tuột có khung thép và lò xo dạng xoắn để hạn chế tốc độ trượt cho nạn nhân.
Năm 2006, khi sản phẩm đầu tiên ra đời, các nhà khoa học tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nhiều lần tiến hành thử nghiệm với các bao cát và người tình nguyện được nâng dần từ độ cao 1 tầng, lên 2 tầng, rồi 5 tầng… Qua thử nghiệm thực tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy vận tốc trượt trong ống trung bình đạt 4m/s, ống tuột có khả năng sơ tán 20 người trong 1 phút. Đặc biệt, người tuột không bị sợ hãi như ống tuột đứng, mà có cảm giác vững tâm giống như khi trượt ống tuột nghiêng. Hiện, sản phẩm này có thể ứng dụng cứu hộ cho những ngôi nhà cao đến 20-30 tầng. Giá thành ống tuột cứu hộ do các nhà khoa học trong nước sản xuất vào khoảng 60-70 triệu đồng, bằng 1/10 so với sản phẩm cùng loại của CHLB Đức.
"Các tòa nhà cao tầng chưa thiết kế bộ phận mắc ống tuột thoát hiểm, nên chúng tôi đã chế tạo bộ móc hoặc vít vào tường, toàn bộ quy trình lắp đường ống mất vài phút. Nếu nhà cao tầng có bộ khung cửa đầu vào, khi xảy ra hỏa hoạn, thời gian lắp đặt chỉ tính bằng giây" - TS Chu Chiến Hữu nói.
Sau khi nghiên cứu, sản xuất thành công, tháng 8-2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục phê duyệt dự án sản xuất thử nghiệm để các nhà khoa học hoàn thiện công nghệ và sản xuất, đưa sản phẩm vào ứng dụng. Nhóm nghiên cứu đang tiến hành đăng ký xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm này để có thể đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thời gian sớm nhất.