Manh mún, giống kém chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:52, 20/02/2010
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp 90% bò thịt
Chăn nuôi bò thịt cần có những định hướng và quy hoạch cụ thể để tránh thiệt hại cho người nông dân.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thức ăn chăn nuôi bò thịt trong nước chủ yếu là tận dụng đồng cỏ ven bờ với 90% bò thịt nuôi ở các hộ nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch dẫn tới nhiều nơi không kiểm soát được dịch bệnh, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chăn nuôi. Đến nay, cả nước có gần 6,8 triệu con bò. Ở các tỉnh miền Nam, số bò thịt chiếm hơn 51% tổng đàn; miền Bắc chiếm 49%; tốc độ tăng đàn bò bình quân đạt gần 10%/năm. Do công tác chọn giống không tốt đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thịt khiến hiệu quả chăn nuôi thấp. Anh Ngô Văn Hùng ở huyện Thanh Oai cho biết, gia đình anh vừa bán một con bò khoảng 70kg trên 3 năm tuổi chỉ với giá 3 triệu đồng. Do chọn giống từ con mẹ không tốt nên con bò này chậm lớn, tỷ lệ thịt xẻ không cao, bị thương lái ép giá. Ông Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng Chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) cho rằng, do người nông dân chưa có kiến thức về chọn giống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên bò chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm để triển khai công tác phát triển giống tại địa phương, hệ thống dịch vụ thụ tinh nhân tạo gắn liền với hệ thống ghi chép số liệu ban đầu cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Việc đào tạo dẫn tinh viên, cán bộ quản lý giống và việc ghi chép tại hộ nông dân chưa được chuyên môn hóa. Nông dân vẫn chủ yếu chăn, thả, nuôi theo kinh nghiệm, chưa có kiến thức về nuôi bò thịt đạt hiệu quả cao nên năng suất, chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, cơ cấu giống bò ở nước ta cũng còn nhiều bất cập, gần 70% tổng đàn bò của cả nước là bò vàng địa phương, tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, trọng lượng trung bình đạt 150-200 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ thấp, khoảng 44%. Từ năm 2002, giống bò thịt cao sản Brahman, Droughtmaster của Ôxtrâylia đã nhập vào nước ta khoảng 3.000 con. Tuy nhiên, vấn đề phối giống bằng thụ tinh nhân tạo và chăn nuôi tập trung trong điều kiện thiếu bãi chăn thả đã dẫn đến tỷ lệ đậu thai thấp. Ngoài ra, nguồn bò thịt trong nước hiện tại chưa ổn định vì chưa có nhiều trang trại chuyên nghiệp, con giống khan hiếm, trong khi đó bò lại sinh sản ít. Vì vậy, sản lượng trong nước chỉ đạt 100.000 tấn thịt trâu, bò/năm, bình quân chưa đến 1,5kg thịt trâu, bò/người/năm.
Cần giải pháp đồng bộ
Để phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ về mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là nâng cao chất lượng con giống trong cả nước, nâng cao tỷ lệ bò lai. Công tác lai tạo sẽ giúp nâng cao thể trạng và chất lượng đàn bò hiện có, nhất là với các giống bò lai theo hướng chuyên thịt. Đồng thời, để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, các địa phương nên có kế hoạch chuyển đổi hợp lý đất canh tác tại những diện tích đất cao, hạn, cấy lúa kém hiệu quả, diện tích đất đồng dộc, ven đồi thấp… sang đất trồng cỏ thâm canh và các loại cây làm thức ăn xanh cho bò, nhất là giống cỏ mới năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời sử dụng các phụ phẩm nông - công nghiệp cho bò ăn.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, để có giống tốt, cần thiết phải có giải pháp chặt chẽ hơn và mang tính lâu dài, bền vững. Trong Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, Cục sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của chương trình giống và nuôi giữ giống gốc, bảo đảm đến năm 2010, có trên 70% con giống đã được chọn lọc và đánh giá bình tuyển. Về giống bò, cần triển khai trên diện rộng chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zêbu hóa trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống và sử dụng bò đực giống đã qua chọn lọc ở những nơi chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, các địa phương cần chọn lọc và nhập nội một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước để tạo đàn cái nền, phục vụ cho lai tạo giống bò thịt chất lượng cao.
Bên cạnh việc đầu tư vào con giống, quy hoạch vùng trồng cỏ làm thức ăn, các địa phương có đàn bò lớn cần phải tăng cường mở các lớp tập huấn cho người chăn nuôi, phổ biến quy trình nuôi vỗ béo bò thịt; thực hiện tốt khâu vệ sinh trong chăn nuôi bò thịt và vệ sinh thú y để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi thấy được việc cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt là phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó tập trung đầu tư chuyển dần hình thức chăn nuôi theo tập quán cũ, lạc hậu sang hình thức chăn nuôi thâm canh, công nghiệp hiện đại. Ngoài ra, việc xử lý chất thải bằng phương pháp xây hầm Biogas để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi góp phần bảo đảm sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng cũng cần được phổ biến rộng rãi cho người nuôi. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về đầu ra để người nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao theo hướng chuyên thịt.