Nửa thế kỷ gieo mầm, ươm lộc

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 20/02/2010

(HNM) - Phong trào


Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" đã dần trở thành hiện thực trên khắp mọi miền đất nước và ngay tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến hôm nay cần phải đưa thêm vào phong trào này những luồng sinh khí mới, cách làm mới để phù hợp với tình hình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào "Tết trồng cây"

Trồng cây đầu xuân tại quận Hoàng Mai.  Ảnh: Nhật Nam


Từ ngày đầu tiên, đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi đầu nguồn khe suối, ngút ngàn rừng xanh núi biếc, Bác Hồ đã ý thức rõ ràng tác dụng của cây đối với cuộc sống con người và cả cho cuộc chiến đấu lâu dài để giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Hà Nội giải phóng, yêu màu xanh cây cối và với tầm nhìn chiến lược về giá trị của rừng, Bác nghĩ đến việc phát động phong trào trồng cây và liên tục chỉ đạo để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng. Ngày 28-11-1959, Người viết bài báo "Tết trồng cây" với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân. Bác đề nghị: "Tổ chức một Tết trồng cây lấy thành tích chào mừng Đảng ta 30 tuổi". Người viết: "Việc trồng cây tốn kém ít mà lợi ích nhiều", "để nước ta trong mười năm phong cảnh sẽ càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân". Phong trào "Tết trồng cây" được khởi xướng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý từ ngày 6-1 đến ngày 5-2-1960. Phong trào phát triển nhanh, sôi nổi, rộng khắp và đã đem lại kết quả tốt. Để tiếp tục chỉ đạo phong trào, trong nhiều năm sau, Bác viết nhiều bài báo biểu dương những đơn vị làm tốt và cá nhân "kiểu mẫu", đồng thời căn dặn "trồng cây nào tốt cây ấy". Mùa xuân năm 1963, nhân dân ta đón Tết trong không khí miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt, Bác viết "Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn. Trong lúc Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng… Ta trồng cho ta và cho cả đồng bào miền Nam". Sau 5 năm, phong trào "Tết trồng cây" đã phát triển sâu rộng, miền Bắc trồng được hơn 375 triệu cây và hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ven biển.

Trong quá trình chỉ đạo phong trào, Bác hướng dẫn các địa phương, các ngành, đoàn thể lồng ghép thực hiện phong trào trồng cây với những hoạt động khác. Ngày 21-8-1963, tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Bác căn dặn các đại biểu "cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng, vì rừng là vàng, biển là bạc, thực sự rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý". Ngày 11-4-1964, Bác viết thư gửi các đại biểu dự Hội nghị cá nhân tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp các tỉnh miền núi. Bác căn dặn: "Nếu rừng kiệt thì không còn gì, mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lũ lụt, hạn hán… phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình".

Phong trào "Tết trồng cây" tròn nửa thế kỷ, trong đó có 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp. Thực tế nhiều năm qua đã khẳng định phong trào đạt kết quả tốt, có nhiều ý nghĩa từ nhận thức đến thực tiễn. Từ các đồng chí lãnh đạo đến toàn dân đều tham gia trồng cây mùa xuân. Nhiều địa phương đã có kế hoạch cụ thể, nhiều chính sách và chương trình lâm nghiệp được triển khai. Các công sở, trường học, đường phố, công viên, thôn, xóm đã rợp màu xanh. Các khu rừng đầu nguồn được khoanh nuôi bảo vệ, rừng đặc dụng được nâng cấp thành vườn quốc gia...

Hà Nội còn không ít việc phải làm

Chăm sóc rừng trồng ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Đình Na


Hưởng ứng lời kêu gọi, phát động Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hằng năm, thành phố Hà Nội đều triển khai đồng loạt chương trình trồng cây nhân dân gắn với phong trào trồng cây gây rừng, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây ven sông để bảo vệ sông... để tạo lá phổi xanh cho Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2009, toàn thành phố đã trồng 1,1 triệu cây phân tán ở các địa phương. Tuy nhiên, phong trào trồng cây nhân dân chủ yếu mới được thực hiện vào các dịp Tết cổ truyền dân tộc mà chưa được quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức chăm sóc, bảo vệ cây mới trồng còn buông lỏng nên hiệu quả phong trào trồng cây chưa cao. Mối quan tâm giữa trồng cây gây rừng và trồng cây phân tán chưa được các cấp chính quyền coi trọng.

Thành phố Hà Nội có 30.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có khoảng gần 5.000ha đất trống nằm rải rác trên các sườn núi. Thực hiện kế hoạch phủ xanh đất trống đồi trọc, năm 2009, thành phố Hà Nội đã triển khai 3 dự án trồng rừng trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Ba Vì và thị xã Sơn Tây với diện tích khoảng gần 200ha. Tuy nhiên, do diện tích đất trống không tập trung mà nằm rải rác ở các sườn núi nên việc triển khai dự án trồng rừng khá khó khăn. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho mỗi hécta rừng trồng còn thấp nên người dân không mặn mà với việc thực hiện dự án. Vì vậy, năm 2009, chỉ có 2 dự án trồng rừng ở huyện Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây là hoàn thành, còn dự án trồng rừng ở huyện Ba Vì không đạt kế hoạch. Trong năm, thành phố chỉ trồng được 155,5ha rừng các loại, đạt 80% kế hoạch đã đề ra. Việc triển khai dự án trồng rừng khó khăn là vậy nhưng việc quản lý rừng còn bộc lộ những bất cập, cùng với thời tiết trong năm 2009 diễn biến phức tạp, nắng nóng, hanh khô nên đã xảy ra 29 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 80ha rừng. Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá rừng và cây xanh trái phép ở một số nơi vẫn xảy ra, chỉ riêng năm 2009 xảy ra 8 vụ. Tuy thiệt hại về kinh tế không lớn nhưng điều đó chứng tỏ ý thức bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh phân tán ở đô thị vùng nông thôn còn chưa được đề cao đúng mức.

Từ thực trạng của Hà Nội nhìn ra toàn quốc, ý nghĩa cũng như hiệu quả thiết thực của phong trào "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào mùa xuân năm 1960 đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào này phải được duy trì đều đặn không chỉ trong mùa xuân, không chỉ thực hiện theo hình thức "chạy đua" theo số lượng, thành tích. Từng người, từng ngành phải thấy rõ giá trị của phong trào này trong việc bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực. Như vậy, màu xanh trên dải đất hình chữ S này mới có thể trường tồn, môi trường thiên nhiên được bảo vệ bền vững như mong muốn và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trần Công Huyền - Thanh Dung