Đặc sắc Tết Canh Nậu xứ Đoài
Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 18/02/2010
Mùng bảy Tết gà, mùng ba Tết cá
Ở xã Canh Nậu có phong tục ăn Tết độc đáo: Mùng bảy Tết gà, mùng ba Tết cá (ngày mồng ba Tết dù ít dù nhiều, nhà nào cũng phải có con cá trong mâm cơm cúng, còn sang ngày mồng bảy là đĩa thịt gà). Ông Nguyễn Đức Vượng người làng Canh Nậu cho hay, tục này có từ xa xưa, xuất phát từ đặc trưng của địa phương là vùng sản xuất nông nghiệp, đến nay vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Theo ông Vượng, gà với cá là những nông sản vốn gắn bó mật thiết với nông dân, là thành quả lao động của mỗi gia đình sau một năm làm việc vất vả. Trước là dâng lên tổ tiên để tỏ lòng thành kính, sau là bồi dưỡng sức khỏe người dân. Từ mờ sáng mồng ba, đường làng ngõ xóm đã rộn rã bước chân về chợ, nơi cung cấp cá cho làng ăn Tết. Để có sẵn cá, những ngày giáp Tết, ao cá trong làng đều được tát cạn, chỉ để lại một lớp nước mỏng đáy ao cho cá sống. Đến mồng hai, các chủ ao bắt cá bán cho dân làng. Ao làng giờ còn không nhiều, nhưng dân buôn cá trong vùng cứ đến sáng mồng ba lại mang hàng về bán nên không năm nào Canh Nậu thiếu cá. Sang ngày mồng bốn, mồng năm, mồng sáu, nếp sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng đến ngày mồng bảy, nhà nhà, người người đều gác lại mọi công việc đồng áng để… ăn Tết tiếp. Tết này không ăn cá nữa mà ăn thịt gà. Trong những ngày đầu năm, người đi lễ Tết chỉ uống chén trà, nhấm cái kẹo để "lấy may". Sau lời chúc tốt đẹp đầu năm, chủ và khách đều mời nhau đến nhà ăn bữa cơm cá vào ngày mồng ba, nếu người được mời từ chối, thì sẽ được mời tiếp "thế mồng bảy rảnh rỗi, đến ăn Tết gà với nhà tôi nhé!".
Mười ba loại bánh
Ngày Tết ở nông thôn Đồng bằng Bắc bộ thường có phong tục làm bánh tết. Nhưng ở xã Canh Nậu, nhà nào cũng làm tới 13 loại bánh. Bước sang ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo về trời, gia đình cụ Đỗ Đặng lại tất bật chuẩn bị. Ngoài sân, con, cháu cụ thoăn thoắt cắt và rửa lá dong, lá chuối, vo gạo làm bánh; còn đàn ông trong nhà thì lau ban thờ, dọn dẹp nhà cửa, chỉnh nắn cây cảnh trước sân... Vẫn theo thông lệ xưa, Tết này nhà cụ Đặng làm cả thảy 13 loại bánh. Thấy tôi ngạc nhiên thắc mắc: Làm nhiều vậy thì ăn làm sao hết hả cụ? Cụ Đặng cười: Ăn hết chứ! Với lại, theo phong tục, làm bánh trước là để dâng lên bàn thờ tổ tiên nên nhà nào cũng phải sắm cho đủ. Các loại bánh gồm bánh chưng, bánh gio, bánh gai, bánh nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh gấc... Cụ Đặng cho biết thêm: Mỗi thứ bánh mang một ý nghĩa khác nhau, ví như bánh chưng thể hiện cho sự sung túc, bánh gio giúp tiêu hóa tốt trong ngày Tết, bánh gai bồi bổ cho phụ nữ... Nguyên liệu và các khâu làm bánh thì địa phương nào cũng vậy, nhưng sự tỉ mỉ, dân dã trong cách chế biến đã làm nên nét riêng của vị bánh xứ Đoài. Ngoài 13 loại bánh Tết, mỗi gia đình ở đây còn có thêm 3 đợt nấu chè vào các ngày 23 tháng Chạp, ngày Tất niên và ngày mồng bảy Tết.
Nét đặc sắc trong ngày Tết này khởi nguồn từ xã Canh Nậu nhưng giờ đã lan ra cả một vùng xứ Đoài rộng lớn, trở thành một mỹ tục. Những phong tục, tập quán cổ truyền được bảo lưu qua thời gian, không gian đã trở thành nét văn hóa riêng của quê hương mỗi dịp Tết đến, xuân về.