Đại thụ của đại ngàn

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:27, 18/02/2010

(HNM) - Ở Tây Nguyên, mỗi buôn làng đều có một già làng. Đó có thể coi là những cây đại thụ của làng, của buôn trong cộng đồng các dân tộc Ba Na, Gia Rai. Ê Đê, Mơ Nông, Xơ Đăng, Giẻ T'riêng, Cơ Ho… sống giữa đại ngàn dọc theo dải Trường Sơn hùng vĩ.


Họ là thủ lĩnh tinh thần của cộng đồng, là trung tâm đoàn kết đồng thời là kho báu kinh nghiệm sống của các buôn làng. Như mỗi dàn cồng chiêng đều phải có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng… cái cất lên giai điệu, cái giữ nhịp, già làng được ví như chiêng cái cầm trịch mọi hoạt động đời sống xã hội cũng như văn hóa tinh thần của bà con trong từng buôn làng.

Gừng càng già, càng cay

Các già làng về dự Hội nghị Già làng tiêu biểu Tây Nguyên.  Ảnh: Hoàng Anh

Gặp mặt già làng Tơi của làng Do (xã Chư Á, TP Pleiku), một con người rắn rỏi, nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi mắt sắc như lưỡi dao đi rừng, không thể tin được năm nay ông đã bước qua cái ngưỡng tám mươi. Già Tơi là già làng nhiều tuổi nhất của xã Chư Á. Bí quyết trường thọ ư? - Ông cười hồn nhiên bảo, cứ sống giữa núi rừng, chăm chỉ lao động là Giàng thương, Giàng cho ở lâu trên trần thế!

Trước khi vào nhà già Tơi, ghé qua nhà ông Rahlan Sum - Trưởng thôn làng Do hỏi chuyện. Ông Rahlan Sum tự hào: Chính tôi cũng là một trong những người giơ tay biểu quyết ủng hộ già Tơi, vậy là già Tơi đã làm già làng được 13 mùa rẫy rồi. Trước già Tơi, năm 1997, một già làng của làng Do mới được bầu lên 2 năm thì bị dân làng bãi nhiệm vì mê mẩn rượu chè, sống không được lòng mọi người. Một người khác trước ông ấy cũng chỉ "giữ" chức già làng được vài năm. Vậy ra, với các già làng Tây Nguyên, chẳng có "nhiệm kỳ" cụ thể nào về thời gian. Người được bầu là những người có uy tín, có trách nhiệm với dân trong làng, dày dặn kinh nghiệm sống, có khả năng phân xử mọi chuyện…

Dù đã cao tuổi nhưng điều lạ là già Tơi cũng là một trong những người làm kinh tế giỏi nhất xã Chư Á. Già thổ lộ, trước đây gia đình mình cũng nghèo lắm, ăn không đủ no cái bụng, đi còn không vững… Rồi cũng sáng ra một điều, muốn no cái bụng, có của ăn của để thì phải chịu khó nghĩ, chịu khó làm. Nói vậy, nhưng có lẽ bước ngoặt trong cuộc đời già Tơi là sự thay đổi tư duy làm ăn. Sau nhiều năm chăm mấy sào lúa rẫy, công sức bỏ ra nhiều mà thu hoạch chả được bao, già chuyển hẳn sang trồng lúa nước; vườn tạp tiện cây gì trồng cây ấy già chuyển sang canh tác cà phê. Thế là 8 sào lúa nước cùng 1 hécta cà phê đã giúp gia đình già dần ổn định cuộc sống. Không dừng lại ở đó, già còn vay tiền Nhà nước mua bò về nuôi, thế là lãi mẹ đẻ lãi con khi đàn bò số lượng cứ tăng dần theo thời gian. Và già có thêm tiền để đầu tư cho vườn rẫy. Dù đã phải bán bớt mấy con bò để lo cho mấy đứa con ra lấy vợ, ở riêng nhưng hiện giờ đàn bò nhà già Tơi vẫn còn tới hơn 40 con. Cộng mọi khoản thì thu nhập hàng năm của gia đình nhà già Tơi được tới trên 100 triệu đồng. Từ gương làm kinh tế của già Tơi, nhiều hộ trong làng Do cũng vượt lên thoát nghèo. Nhiều nhà không có đất, già cho mượn rẫy canh tác, không có tiền mua giống, già cung cấp hạt giống rồi bày cách trồng các giống lúa mới, áp dụng đúng kỹ thuật… Giờ làng Do chưa phải giàu nhưng mặt bằng cuộc sống đã khác xưa nhiều lắm.

Một thành tích khác của làng Do mà trong đó có sự đóng góp rõ nét của già Tơi ấy là hòa giải các vụ xích mích, tranh chấp giữa các hộ gia đình. Trưởng thôn Rahlan Sum kể: Hầu hết mọi chuyện đều được giải quyết nội bộ ổn thỏa ngay tại thôn bản, cả năm không có vụ việc nào phải nhờ viện lên cấp xã. Cuộc sống cứ vậy trôi qua yên bình, 70% người dân làng Do theo đạo Tin lành cũng nghe theo lời già Tơi luôn tu dưỡng vì mục đích tốt đời đẹp đạo.

"Cách làm cũng phải khác!"

Đó là quan niệm của già Puih Me, già làng Breng 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Năm nay 71 tuổi, kém già Tơi tròn 10 tuổi, nhưng già Puih Me còn là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Ia Dêr. Nước da sậm đỏ như đặc trưng cho màu đất bazan Tây Nguyên, vừa đi rẫy về, chỉ kịp rửa vội tay chân để pha trà tiếp khách, trên khuôn mặt lão nông ở tuổi "thất thập cổ lai hy" này vẫn còn vương mồ hôi và bụi đất. Chín năm được dân bầu làm già làng, theo già Puih Me, người đứng đầu làng thời buổi này phải năng động, chịu khó đọc báo, nghe đài, xem ti vi để nắm thông tin xã hội, biết làm lúa nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… theo khoa học kỹ thuật mà bày cho ba con dân làng làm theo đúng cách. Già Puih Me cười to khi hỏi "Già làng có nhất thiết phải uống được rượu không?" - Già bảo, cái đó thì không thể thiếu được, nhưng chỉ uống được rượu không thì dân làng không bầu đâu, cả làng còn đông người uống tốt, uống giỏi hơn già làng nhiều!

Điển hình cho cách làm khác của già Puih Me là quan tâm đến sự học. Theo già, thời buổi này, không có cái chữ thì không no được cái bụng. Nghĩ vậy, già đi từng nhà vận động con cháu trong làng đến trường học lấy cái chữ, không được bỏ dở giữa chừng với một điều mong muốn là để sau này chúng giỏi hơn mình, có thể vào làm người của nhà nước, làm giáo viên, bác sĩ… Nằm sát cạnh làng Breng 2 là Trường Tiểu học Ngô Mây và Trường THCS Trần Phú. Thầy cô giáo ở 2 trường này mỗi lần phát hiện có học sinh bỏ học là lập tức báo già làng Puih Me để nhờ già giúp đỡ. Già sẵn sàng cùng các thầy cô giáo đến từng nhà học sinh để vận động thuyết phục quay lại với lớp. Làm chuyện này, ở các khu vực nông thôn còn không đơn giản thì đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số lại càng khó khăn gấp bội. Già Puih Me bảo, cũng tội cho bọn trẻ vì điều kiện kinh tế khó khăn nhiều đứa phải ở nhà đi làm nương, làm rẫy phụ giúp gia đình, lại có nhiều đứa nhà theo các hủ tục cũ như bắt chồng, bắt vợ nên sớm phải bỏ học… Đúng là vận động tụi nhỏ đi học đã khó, vận động những đứa đã bỏ học quay lại với trường lớp ngồi học con chữ càng khó khăn hơn. Nhưng khó thì mình càng phải làm, làm vì chúng nó, vì buôn làng mình mà!

Cũng do vậy, già Puih Me được bầu làm Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh danh dự của Trường THCS Trần Phú. Hằng năm, dịp lễ tết, hay ngày khai giảng, nhà trường đều phải nhờ già Puih Me lên phát biểu để vận động học sinh trong trường chăm chỉ học tập, rèn luyện chuyên cần, sau này còn có tri thức trong đầu mà về phục vu quê hương. Hằng năm, trường có khoảng 4% học sinh bỏ học (trên 20 em), nhưng nhờ sự trợ giúp tích cực của già Puih Me mà một nửa số đó đã quay trở về với trường lớp...

Theo già Puih Me, bây giờ miệng nói tay phải làm, chân phải đi, nếu không vậy, dân họ không nghe. Do đó, chẳng riêng việc vận động người làng đi học, chuyện gì trong buôn già Puih Me đều sắm sới tham gia. Già Puih Me quan niệm, với người Gia Rai, con trai thì phải biết đánh chiêng, con gái phải biết múa xoang. Nếu không "vực" dậy nhanh thì truyền thống này mai một mất. Đội cồng chiêng của làng được thành lập lại gồm 25 người, già có, trẻ có, xen kẽ nhau, truyền cho nhau kinh nghiệm, người già làm mẫu, thanh niên học theo. Thế là trong làng, nhà nào có việc vui, việc buồn, lễ lớn, lễ nhỏ đều có tiếng cồng, tiếng chiêng. Trong đời sống của người Gia Rai không thể thiếu những âm thanh đó…

Những già làng đặc biệt

Theo phong tục cổ, phụ nữ Gia Rai, Ba Na không được bước chân lên nhà rông truyền thống của làng, không có nhiệm vụ phân xử phải trái chuyện làng và càng hiếm khi là người có tiếng nói nặng ký đủ uy tín để được bầu làm già làng. Vậy mà cả tỉnh Gia Lai có 3 nữ được bầu làm già làng.

Trước tiên không thể không nhắc tới bà Ksor B'lăm, già làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Sinh ra trên mảnh đất này nhưng mới 15 tuổi Ksor B'lăm đã thoát ly đi theo bộ đội làm cách mạng. 25 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1998 Ksor B'lăm trở về địa phương. Lúc này làng Krông đã có trưởng thôn nhưng chưa có già làng và Ksor B'lăm được bà con tín nhiệm bầu vào vị trí ấy. Chỉ đặt chân tới địa phận xã biên giới Ia Mơr nằm giữa rừng già, hỏi nhà già Ksor B'lăm của làng Krông, người già người trẻ ai cũng tận tình đưa tới tận nơi. Điều đó đủ giải nghĩa uy tín của già làng Ksor B'lăm. Vào nhà già, ấn tượng nhất là những bằng khen, giấy khen treo kín cả bức vách. Nhưng thật lạ, có những bằng khen, giấy khen ghi rõ cấp cho "ông Ksor B'lăm". Một sự nhầm lẫn thật đáng yêu khi vẫn còn không ít người nghĩ rằng một phụ nữ mảnh dẻ, đôn hậu như bà khó có được những thành tích đó. Hỏi già, tại sao dân làng lại bầu già, già cười thủng thẳng, chắc họ nghĩ mình mấy chục năm làm Bộ đội Cụ Hồ nên đi nhiều, biết nhiều.

Dân làng kể, đất này nghèo lắm, cũng thuộc dạng có "thứ hạng" của huyện. Ngày Ksor B'lăm về bản, mẹ già, con nhỏ, nên bà suốt ngày phải quần quật làm rẫy rồi tranh thủ đi nhặt nhạnh vỏ đạn bán phế liệu để lấy tiền mua gạo… Không chịu mãi cảnh đó, bà dành dụm được một số tiền rồi tậu về con bò, sinh sôi nảy nở, đàn bò lớn dần nên cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn. Dù nhà có đồng ra đồng vào, nhưng chả vì thế mà già Ksor B'lăm khá giả. Với bà con trong làng, nhà nào khó khăn quá bà cho "mượn" bò, khi bò đẻ thì trả lại bò mẹ còn bò con giữ lại mà nuôi. Người thiếu tiền làm ăn, người ốm đau đi bệnh viện… ai cũng đến nhà già làng Ksor B'lăm nhờ vả giúp đỡ. Tới giờ, số tiền già Ksor B'lăm cho dân trong làng vay đã lên tới trên 100 triệu đồng. Vậy bao giờ già làng mới thu hồi được vốn? - Ksor B'lăm đôn hậu, thì lúc nào người ta có tiền, người ta trả mình thôi!

Lại có một phụ nữ người Ba Na được bầu làm già làng. Đó là bà Đinh Thị Oanh, 68 tuổi, già làng Pôt (xã Song An, huyện Đak Pơ). Liệu những lúc già nói, đàn ông trong làng có nghe theo không? - Ô hay, từ năm 1998 dân trong làng bầu tôi lên làm già làng mà. Đã là già làng nói thì mọi người phải nghe theo thôi. Nhưng mình cũng không thể nói bừa, nói ẩu. Trước khi nói thì phải nghiên cứu cho kỹ, chứ nói xong mới nghiên cứu thì sai mất. Mà tôi cũng như mọi người thôi, cái gì không biết thì phải học, cái gì đúng thì phải nghe theo, làm theo - Già Oanh lý giải rất mộc mạc như vậy. Quả thật, nhờ những lý lẽ đầy sự thuyết phục của già theo quan điểm "nói sao, làm vậy", "những người chưa biết làm thì chỉ cho nó biết làm, những người chưa hiểu thì nói cho nó hiểu", nên dù làng Pôt chưa phải giàu nhưng các hộ gia đình đều sống hòa thuận với nhau. Theo già Oanh, là già làng, không phải khi nào có chuyện lớn như các vụ việc xích mích, các hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới xin làm dân đã nghèo lại phải tốn kém… mới xắn tay vào khuyên can, mà phải coi chuyện của từng nhà, từng người cũng là chuyện của mình…

Ở Tây Nguyên còn có hàng nghìn già làng và quanh mỗi "cây đại thụ" đó là không ít câu chuyện. Qua đó có thể hiểu thêm phần nào sự đóng góp của các già làng vào việc ổn định và phát triển đời sống vật chất cũng như tinh thần của từng buôn làng các dân tộc đồng bào thiểu số. Mùa xuân về, cả đại ngàn bừng dậy đâm chồi, khoe lộc, xin được cầu chúc cho những "cây đại thụ" của núi rừng luôn rắn rỏi, tinh anh để dẫn dắt những buôn làng từng ngày thay da đổi thịt, để mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ trỗi dậy xứng với tiềm năng...

Ghi chép của Hoàng Thu Vân