Sức mạnh “4 tại chỗ”
Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 18/02/2010
Huy động hơn 5.000 người và nhiều trang thiết bị chữa cháy rừng
* 45 đơn vị được khen thưởng
(HNM) - Vụ cháy rừng lớn nhất sau 39 năm (kể từ năm 1971) tại huyện Sa Pa (Lào Cai) đã được dập tắt với sự nỗ lực phi thường của các lực lượng, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân các dân tộc sống trong khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên và sự hỗ trợ kịp thời của trung ương.
Quên Tết cứu rừng
Các lực lượng phối hợp bàn phương án cứu rừng Ảnh: Lục Văn Toán - TTXVN
Do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn, khô hanh kéo dài, nhiệt độ tăng cao, khoảng 13h ngày 8-2, tại khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã xảy ra cháy trên diện rộng. Thống kê tổng thiệt hại ban đầu, ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 1.700ha.
Vụ cháy xảy ra giữa lúc chuẩn bị đón Tết Canh Dần, nhưng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc chữa cháy. Riêng lực lượng Quân khu II đã khẩn cấp điều động hơn 2.000 chiến sĩ, 500 bình xịt từ các tỉnh khác đến cứu rừng. Tỉnh Lào Cai đã huy động gần 3.000 người trong độ tuổi tham gia. Với sự nỗ lực của các đơn vị, đến 12h ngày 15-2, các đám cháy hoàn toàn bị dập tắt, kết thúc tám ngày chiến đấu chống "giặc lửa" quyết liệt để cứu rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường cho biết, công tác chữa cháy đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là đã huy động tổng lực các lực lượng trên địa bàn và sự tham gia cao nhất của nhân dân. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Quân khu II. Trong đó, các chiến sĩ quân đội đã có những cống hiến to lớn để bảo vệ hàng chục nghìn hécta rừng nguyên sinh Hoàng Liên trước sự tấn công dữ dội của "giặc lửa". Giữa đại ngàn Hoàng Liên chống chọi với lửa trong những ngày Tết cổ truyền, Trung tá Nguyễn Văn Đại, Trưởng ban Dân vận Sư đoàn 316 cho biết: Những ngày cứu rừng, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã không quản ngày đêm dập lửa tại điểm cao 360 ở thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, rồi lại cơ động đến điểm cao 2.800 trong vùng lõi rừng Hoàng Liên. Do tính chất cấp bách của công tác chữa cháy nên đơn vị đã tổ chức đón Tết giữa núi rừng cho cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, là tinh thần quên mình cứu rừng của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai, nhân dân các bản làng quanh khu vực rừng Hoàng Liên...
Vụ cháy rừng trong thời điểm nghiêm trọng nhất.
Thiếu úy Lê Quốc Tuấn, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lào Cai cho biết, dập lửa trực tiếp ở rừng Hoàng Liên rất khó, bởi cây khô gặp lửa, gió mạnh không tắt mà còn hắt lửa ra xung quanh. Dập được chỗ này, chỗ khác bốc cháy, tốn rất nhiều công sức. Cách dập được lửa duy nhất là dùng sức người mở đường băng cản lửa. Lực lượng chữa cháy đã làm hàng nghìn mét đường băng cản lửa quanh khu vực này và dùng mùn đất, dao phát cùng những bình phun nước hiếm hoi dập cả phần than nóng, không để nguy cơ bùng phát. Tỉnh Lào Cai và các lực lượng bộ đội Quân khu II, Công an tỉnh, dân quân, công nhân Công ty Apatít Việt Nam và cán bộ, nhân dân huyện Sa Pa đã huy động khoảng 1.500 người hạ trại, ăn ngủ, đón giao thừa ngay tại các điểm xung yếu để chữa cháy. Tiếp sức cho họ ngay tại hiện trường đã có 11 đơn vị ủng hộ trên 50 triệu đồng, gần 6.000 chiếc bánh chưng, 10.000 chai nước khoáng và bánh kẹo, nước ngọt... Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) Hà Công Tuấn, công tác chữa cháy rừng đã đạt mục tiêu bảo đảm an toàn Vườn quốc gia Hoàng Liên, an toàn tính mạng, tài sản người tham gia chống cháy rừng và làm tốt công tác hậu cần cho người tham gia chữa cháy rừng. UBND hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu đã tặng bằng khen cho gần 100 đơn vị và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia chữa cháy.
Phải phòng là chính
Theo nhận định ban đầu của các cơ quan hữu trách, nguyên nhân vụ cháy có thể do sự bất cẩn của một số người dân khi đốt nương làm rẫy, cộng với trời hanh khô và gió khiến đám cháy bùng phát nhanh. Vì vậy, bài học lớn nhất là phải tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là việc đốt lửa làm rẫy. Bên cạnh đó, cần sử dụng sức mạnh tổng hợp toàn dân, thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" để chữa cháy kịp thời. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, thực tế một số vụ cháy rừng ở Lào Cai cho thấy rất khó, thậm chí là bất khả kháng trong việc chữa cháy, nếu không có biện pháp phòng ngừa, làm đường băng cản lửa, phát quang thực bì, trang bị hệ thống máy bơm ở khu vực thường xảy ra cháy rừng. Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất trong phòng, chống cháy rừng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa trong nhân dân. Khi người dân ủng hộ, nhất là các hộ được giao chăm sóc rừng có ý thức, không tạo ra những nguyên nhân có thể dẫn đến hỏa hoạn thì việc phòng ngừa cháy rừng sẽ đạt hiệu quả. Các địa phương cần xác định khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và chủ động phòng ngừa cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ".
Người dân Sa Pa (Lào Cai) tham gia cứu rừng. Ảnh: Lục Văn Toán - TTXVN
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, thời điểm này đang là mùa hanh khô nên các địa phương có diện tích rừng lớn cần tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm phòng là chủ yếu. Các ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng, UBND cấp xã cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân khi làm nương rẫy ở những nơi gần rừng tuyệt đối không được sử dụng lửa để đốt phát nương rẫy; nghiêm cấm đốt lửa ven rừng để tránh cháy lan vào rừng. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Chỉ thị 270/CT-TTg triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, nhấn mạnh nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.