Khơi nguồn nội lực
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 17/02/2010
Bước tiến ấn tượng
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Minh Cường (huyện Đông Anh).
Ảnh: Nguyệt Ánh
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12-2009 ước tổng số có hơn 460.000 DN đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, tăng 15 lần so với 10 năm trước. Tính chung, Việt Nam đã đạt tỷ lệ 5 DN trên 1.000 dân và đang tiếp cận dần tới mức trung bình 9-10 DN trên 1.000 dân của nhiều nước trong khu vực. Các chuyên gia quốc tế xác nhận, Việt Nam đạt được những bước tiến dài trong phát triển KT-XH là nhờ đẩy mạnh cải cách về môi trường kinh doanh, khơi dậy tiềm năng trong dân thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp.
Quy mô vốn chủ sở hữu của các DN khu vực tư nhân tăng đáng kể. Tổng vốn chủ sở hữu của các DN tư nhân đã tăng 17 lần, từ khoảng 38,7 ngàn tỷ đồng vào năm 2000 lên tới 657 ngàn tỷ đồng vào năm 2008. Trung bình, vốn chủ sở hữu một DN dân doanh hiện đạt 5,2 tỷ đồng so với 1,2 tỷ đồng vào năm 2000. Một DN hiện nay có mức tài sản trung bình là 14 tỷ đồng và mức doanh thu trung bình là 17 tỷ đồng, tăng rất cao so với đầu những năm 90 thế kỷ trước. Cộng đồng DN tư nhân đã tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động mỗi năm và góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Thương hiệu và sức cạnh tranh
Tuy nhiên, xét về sức mạnh tổng hợp, tính bền vững, sức cạnh tranh cũng như triển vọng phát triển của DN vẫn bộc lộ những yếu kém, không thể so sánh với khối có vốn nước ngoài hoặc của Nhà nước. Đặc biệt, khả năng tồn tại trên thương trường của DN tư nhân vẫn là một thực tế đáng lưu ý. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê hay thông qua việc nộp thuế cho thấy, mặc dù số lượng DN đăng ký kinh doanh lớn và liên tục gia tăng nhưng số tồn tại trên thực tế chỉ ước từ 50-60%. Hiện tượng này cho thấy mỗi DN cần có biện pháp đối phó hữu hiệu để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Mặt khác, quy mô DN tư nhân còn khá nhỏ bé. Theo báo cáo top 500 DN lớn nhất Việt Nam, trong đó 28,9% là của khu vực tư nhân; tuy có tăng so với mức 24% năm 2008, nhưng phần lớn nhờ vào việc cổ phần hóa DN nhà nước. Số các công ty TNHH, công ty cổ phần, tập đoàn hình thành từ khu vực tư nhân, trải qua các giai đoạn từ công ty gia đình, từ DN nhỏ đến lớn chỉ giới hạn trong một vài tên tuổi như Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên, Hòa Phát, Lioa… Thiếu vắng DN lớn cũng đồng nghĩa với việc khó có những DN có thể xây dựng một thương hiệu Việt Nam ở quy mô đa quốc gia. Tuy đã có một số DN tư nhân nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế như Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Phở 24, Sacombank, CAVICO… nhưng để DN trở thành một tập đoàn đa quốc gia theo đúng nghĩa thì còn phải qua một chặng đường nhiều gian nan.
DN dân doanh cũng bị hạn chế nhiều về trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất và trình độ quản lý. Trong đó, đáng lo ngại hơn cả là khả năng thích ứng với sự thay đổi trên thị trường trong và ngoài nước còn rất thấp; chất lượng nguồn nhân lực đang trong tình trạng cần được tăng cường.
Những biện pháp hỗ trợ
Muốn cộng đồng DN tư nhân phát triển bền vững cần có sự tiếp sức kịp thời, phù hợp từ phía cơ quan chức năng. Trong đó, đầu tư mới, nâng cấp hoặc ứng dụng công nghệ hiện đại được ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia khuyến cáo, DN cần biết những ưu đãi ngay trong chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để vận dụng một cách sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trong Luật Thuế thu nhập DN đã quy định rõ những khoản ưu đãi cho DN để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Luật Công nghệ cao tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam. Luật này đã xác định những lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển bao gồm công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa. Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển về công nghệ cao, được hưởng mức thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi nhất. Ngoài ra, còn được tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ. Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế sử dụng đất… Mỗi DN đều có thể hy vọng nhận được sự hỗ trợ về vốn, tư vấn chiến lược phát triển sản phẩm, thương hiệu, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan chức năng cũng như tìm kiếm nguồn vốn từ các ngân hàng. Việc đầu tư cho sản phẩm mới, có tính độc đáo, đạt chất lượng cao và còn "chỗ trống" trên thị trường được xem là hướng đi khá phổ biến, phù hợp cho nhiều loại hình DN.
Mỗi DN cũng cần nỗ lực tiếp thu thông tin, giải pháp, kết quả đầu tư mà vươn lên, mở rộng hoặc đa dạng hóa hoạt động. Trong đó, cần tích cực thâm nhập thị trường bằng những dịch vụ công, y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa… và có thể liên kết với nhau hoặc liên doanh, làm đại lý phân phối với DN nước ngoài để phát triển trong bối cảnh hội nhập.