'Rất ít khả năng suy thoái kép'
Kinh tế - Ngày đăng : 14:08, 16/02/2010
- Kinh tế Việt Nam năm 2009 tăng trưởng 5,32% và kiểm soát lạm phát ở mức 6,52%. Ông đánh giá kết quả này như thế nào?
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2009 rất khó khăn, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt các nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam, chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát như vậy là đáng ghi nhận.
Phải khẳng định chúng ta đã chèo lái con thuyền vượt qua bão tố và sóng dữ. Tuy nhiên sóng gió, bão tố cũng đã để lại những ảnh hưởng nhất định và bộc lộ rõ nét khi chúng ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phục hồi. Trong 2009, chính sách tài khóa và tiền tệ đã phải nới lỏng để kích thích kinh tế, gây sức ép khá lớn cho lạm phát và một số cân đối vĩ mô khác. Chẳng hạn, việc hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành qua đó giúp họ vượt qua thời khắc khó khăn, nhưng mặt trái lại đẩy tín dụng tăng cao và doanh nghiệp chuyển từ vay ngoại tệ sang vay VND để hưởng lãi suất thấp, đồng thời, tăng nhu cầu mua ngoại tệ làm tăng sức ép lên tỷ giá VND.
- Kinh tế Việt Nam 2009 được hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu, song hệ lụy từ các chính sách này cũng không nhỏ. Nếu quay ngược thời gian trở về một năm trước, khi bắt đầu cân nhắc chính sách kích thích kinh tế, chúng ta có thể có những lựa chọn nào tốt hơn, thưa ông?
- Trước hết, phải ghi nhận hệ thống giải pháp điều hành và kích thích kinh tế năm 2009 là đúng hướng và đồng bộ, nên theo tôi không cần đặt vấn đề có sự lựa chọn khác. Tuy nhiên khi có điều kiện nhìn nhận lại và qua thực tế kiểm nghiệm, tôi cho rằng chúng ta có thể cân nhắc lại khung thời gian áp dụng một số giải pháp kích thích kinh tế cũng như lựa chọn thời điểm điều chỉnh chính sách thích hợp hơn, thì kết quả có thể tốt hơn nữa.
Có ý kiến cho là tín dụng tăng trưởng tới gần 40% là hơi cao quá; tình trạng thị trường ngoại hối và tỷ giá chịu nhiều sức ép do cung cầu mất cân đối và tâm lý tích trữ ngoại tệ kéo dài quá lâu. Chúng ta có tích cực dùng các biện pháp thông tin, điều chỉnh tâm lý ứng xử trên thị trường, song liều lượng không đủ và thời gian hơi chậm. Lẽ ra chúng ta có thể điều chỉnh tỷ giá sớm hơn, thay vì phải chờ tới cuối tháng 11. Hay các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh lượng tiền ra lượng tiền vào có thể làm tốt hơn...
Ông Vũ Viết Ngoạn từng điều hành Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: VCB |
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam 2010?
- Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, đó là xu thế chung và tạo bối cảnh thuận lợi cho kinh tế trong nước. Một số ý kiến lo ngại có rủi ro với quá trình phục hồi kinh tế thế giới, thậm chí cho rằng sẽ còn một cuộc suy thoái nữa. Tuy nhiên tôi thiên về quan điểm cho rằng hướng phục hồi là rõ nét và chiếm ưu thế. Rủi ro về cuộc khủng hoảng hay một cuộc suy thoái nữa, theo tôi rất nhỏ.
Khi kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu sẽ tăng trở lại và xuất khẩu của chúng ta có điều kiện tốt hơn so với 2009, đáng chú ý là dầu thô và nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm - những nhóm hàng chiếm tỷ trọng quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của chúng ta sẽ được hưởng lợi đáng kể nhờ giá quốc tế tăng khá rõ nét so với năm 2009. Trong nước, các chính sách kích thích kinh tế của 2009 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong năm nay, nhiều dự án đi vào triển khai và có phát huy hiệu quả.
Đầu tư nước ngoài xét trên bình diện toàn cầu dự kiến sẽ chưa có sự cải thiện mạnh mẽ và chưa có khả năng đạt mức trước khủng hoảng, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy cơ hội trong khó khăn, bởi lẽ vẫn có không ít các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đi tìm địa chỉ tốt để rót vốn. Đây là điểm sáng trong khó khăn, nếu Việt Nam giữ được ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, cải thiện được môi trường kinh doanh sẽ tạo ra sức hút đầu tư mới và chúng ta sẽ có cơ hội.
- Vậy đâu là thách thức cần phải vượt qua?
- Tỷ giá và lạm pháp là hai thách thức lớn nhất, một phần do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, một phần do tác động phụ của chính sách kinh tế nới lỏng trong năm 2009. Chúng ta đặt mục tiêu kiểm soát thâm hụt thương mại không quá 12 tỷ USD. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam chưa kỳ vọng tăng mạnh. Du lịch cũng như vậy. Vì thế cán cân thanh toán tự nó chưa thể cân đối được. Tuy nhiên Chính phủ đã cân nhắc tới khó khăn này nên đã ký một số khoản vay dài hạn của ADB, WB, Nhật Bản và phát hành trái phiếu quốc tế, các nguồn vốn này vừa giúp chúng ta có thêm nguồn lực đầu tư vừa giúp chúng ta cân bằng cán cân thanh toán.
Lạm phát cũng sẽ chịu rất nhiều sức ép. Ngoài việc giá cả quốc tế có xu hướng tăng phần nào ảnh hưởng đến giá cả trong nước, việc điều chỉnh lương, điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản trong nước như điện, than, nước cũng sẽ có tác động đến giá cả và nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa được nới lỏng trong năm 2009 để kích thích kinh tế sẽ gây hiệu ứng không nhỏ đến việc tăng giá trong năm 2010.
- Theo đề xuất của ông, chính sách vĩ mô nên theo hướng nào để phù hợp với tình hình mới?
- Về cơ bản, tôi cho rằng doanh nghiệp của chúng ta đã qua khỏi thời khó khăn nhất do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế đang phục hồi, nhưng những khó khăn chung của kinh tế thế giới vẫn còn. Chúng ta phải tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô, đồng thời tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy cho nền kinh tế.
Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần giảm bớt mức độ nới lỏng hơn song cũng không nên thắt chặt một cách đột ngột. Chính sách tiền tệ nếu thắt chặt quá mức và đột ngột, có thể dẫn tới thiếu hụt thanh khoản, gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng từ 25-30% là vừa phải, về chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách đề ra chỉ tiêu dưới 6,2% GDP là hợp lý rồi. Chúng ta cần tiếp tục chấp nhận thâm hụt ngân sách cao để tăng cường đầu tư, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương. Chính sách tiền tệ trong năm tới có vai trò rất quan trọng và phải làm sao tạo sự ổn định của thị trường. Trong điều kiện thị trường vốn của Việt Nam còn hết sức sơ khai, trách nhiệm của ngành ngân hàng với tư cách một nguồn cung vốn cho sản xuất kinh doanh là hết sức lớn.
Trong năm 2010, theo tôi cần tập trung cố gắng giải phóng sức sản xuất, khai thác nguồn lực đầu tư xã hội và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường và thủ tục hành chính. Nếu chúng ta làm tốt việc này, chắc chắn sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư của khu vực dân doanh và nâng cao hiệu suất đầu tư xã hội. Đẩy mạnh việc khai thác thị trường nội địa cũng là một hướng chính sách quan trọng để phát triển sản xuất trong nước.
- Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay có thể ở mức 2 con số và vì vậy lãi suất cơ bản nên tăng lên mức 12% thay vì 8% như hiện nay. Xin cho biết quan điểm của ông?
- Nhận định đó theo tôi có phần bi quan quá. Xét các cân đối vĩ mô năm 2010 có không ít thách thức nhưng không quá lớn. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, lạm phát năm nay có thể cao hơn 2009 khoảng 1-1,5%. Nếu như lạm phát không đạt 7% như Nghị quyết của Quốc hội mà lên đến 8% thì theo tôi vẫn không quá lo ngại. Dĩ nhiên là tình hình phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành chính sách của chúng ta. Nếu đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hàng đầu, tăng trưởng kinh tế chỉ 6,5% thôi và điều hành chính sách linh hoạt hợp lý thì khả năng kiểm soát lạm phát là trong phạm vi 8% sẽ không quá khó khăn.
- Ông có nói chính sách tiền tệ phải giảm bớt mức độ nới lỏng so với trước, vậy khả năng tăng lãi suất cơ bản trong năm nay là như thế nào?
- Chúng ta cần theo dõi tín hiệu của thị trường. Vừa qua ta đã có bước bỏ hỗ trợ lãi suất 4% với các khoản vay ngắn hạn, đồng thời, tăng lãi suất cơ bản thêm 1%, tính cả hai phần này, lãi suất đã tăng thêm khá lớn so với năm ngoái. Vì vậy cần tiếp tục theo dõi, chưa nên có động thái vội vã. Trước mắt cần có giải pháp điều hòa cung cầu tiền tệ tránh tình trạng để thị trường tiền tệ có những căng thẳng đẩy lãi suất lên cao, sẽ gây hiệu ứng lan tỏa đến giá cả của các loại hàng hóa khác.
- Trong bối cảnh kinh tế 2010 còn nhiều thách thức, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp?
- Cơ hội ở phía trước còn nhiều, sau 2010, đến 2011 tình hình sáng sủa hơn. Tôi khuyên doanh nghiệp phải nhìn xa trông rộng, để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Những khó khăn trước mắt, trách nhiệm của Nhà nước là làm thế nào để tạo sự ổn định của thị trường, kinh tế vĩ mô, đó là nền quan trọng nhất để giúp doanh nghiệp phát triển.