Năm nay, lại không có Táo Bóng đá

Thể thao - Ngày đăng : 10:26, 12/02/2010

Thêm một năm nữa, Gặp nhau cuối năm của VTV không có Táo Bóng đá hay Táo Thể thao. Đấy là một thành công?

Thêm một năm nữa, Gặp nhau cuối năm của VTV không có Táo Bóng đá hay Táo Thể thao. Đấy là một thành công?

ĐT U23 Việt Nam đã không thể giành HCV SEA Games 2009.

Chí ít, khi không còn trở thành chủ đề đàm tiếu trong một chương trình giải trí được chờ đợi nhất trong đêm giao thừa, cái Tết với những người làm Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, dĩ nhiên ngon hơn. Năm nào, câu hát nhại bài ca World Cup 2006, chế lời Việt “thi xong xuôi tất cả lại về” của Táo Thể thao, sau đấy đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự cho cả một nền bóng đá.

Xét trên bình diện của cả một đất nước, bóng đá có một tốc độ phát triển hàng đầu và nó đạt được sự tiến bộ mà rất nhiều ngành khác, lĩnh vực khác chưa thể làm được. Chỉ xét riêng tính phản biện và minh bạch, bóng đá đã không còn nhiều “ung nhọt”, thể thao đã bớt đi những vấn đề day dứt. Hoặc khi xét về vị thế ở trường quốc tế, BĐVN đứng thứ 2 ĐNA, thứ 19 châu Á cũng là một chỉ số đáng tự hào.

Nhưng “Táo Quân” không phải là một diễn đàn chính thống. Những người làm chương trình đó hẳn cũng không tham lam hay có ước nguyện làm thay mọi ngành trong xã hội việc tổng kết và tìm hướng phát triển cho tương lai.

Chọn ra một sự kiện thực sự tiêu biểu cho tiến trình phát triển của BĐVN trong năm qua là điều rất khó. Với bình diện của các ĐTQG, ông Calisto vẫn tự hào về việc ĐTVN đã chỉ thất bại trong gang tấc trong cuộc đua giành vé đi Asian Cup 2011 và U23 VN chỉ cách một bước chân tới bục vinh quang ở SEA Games 2009.

Có nên coi đó là niềm tự hào? Một HLV, cũng người Bồ Đào Nha, là Jose Mourinho (nổi tiếng hơn ông Calisto) đã nói: “trong bóng đá, gần như nghĩa là chưa có gì”. Chính xác, chúng ta vẫn chưa thể tự mình giành vé vào VCK Asian Cup và cũng chưa một lần vô địch SEA Games kể từ khi tái hội nhập (20 năm).

Chọn ra một cá nhân tiêu biểu cho cả nền bóng đá năm Kỷ Sửu cũng là một nhiệm vụ khó khăn khác. Tất cả đều nhìn ra nguyên nhân, là vì 2 thất bại nói trên. Có điều, nếu chiến thắng, thì có bầu chọn cho ai đó, e cũng là sự lựa chọn bị tác động bởi thành tích, như Hồng Sơn nhận Quả bóng Vàng năm 2009 chỉ nhờ mỗi việc anh ta đã chơi hay trong 2 trận chung kết với Thái Lan. Nhìn rộng hơn, đó chính là sự mong manh, dễ vỡ về đẳng cấp một nền bóng đá.

Chỉ có một điều đáng kể đọng lại, khi bóng đá và thể thao không còn “nổi cộm” trên bình diện toàn xã hội nữa, đó là dấu hiệu của thời cơ để chúng ta có thể phát triển thực sự và bền vững trong tương lai.

Theo TT&VH