Giữ hồn cho làng nghề cổ

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 11/02/2010

(HNM) - Nhiều người đã biết đến Bát Tràng với những sản phẩm gốm, sứ mang phong cách hiện đại với đặc trưng gốm nhiều màu, đa chủng loại. Thế nhưng, bên cạnh một Bát Tràng hiện đại, năng động còn có một Bát Tràng cổ kính, với hàng trăm sản phẩm cổ, trong một không gian cổ kính và rất thanh nhã. Đó là khu bảo tàng đồ cổ Vạn Vân, nơi đang lưu giữ hồn cốt của làng nghề cổ Bát Tràng.

Thống kê của Sở Công thương Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội (HN) có 1.264 làng nghề, trong đó HN cũ có 84 làng và Hà Tây cũ có 1.180 làng. Và có lẽ, nếu nói về nghề truyền thống còn lưu giữ được và phát triển mạnh mẽ nhất phải nhắc đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng.


Hiện Bát Tràng có hai thôn Giang Cao và Bát Tràng với 1.700 hộ, gần 6.700 nhân khẩu. Và điều đặc biệt mà ít có làng nghề truyền thống nào trong cả nước làm được: đó là cả xã không còn hộ sản xuất nông nghiệp. Ở Bát Tràng, cả xã có tới 83,7% hộ trực tiếp sản xuất gốm sứ và 10,6% hộ dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ sản xuất theo hộ gia đình, Bát Tràng còn có nhiều mô hình như công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã hay liên doanh vừa sản xuất, vừa hoạt động thương mại, dịch vụ. Đến nay, gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại chiếm lĩnh ở một số thị trường truyền thống như Nhật, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức mà đang tìm đường đi Mỹ và lan rộng trong khu vực EU.

Có mặt ở Bát Tràng những ngày cuối năm, chúng tôi thấy có hàng vạn sản phẩm gốm sứ. Một không gian cổ kính mở ra giữa những sản phẩm gốm nhiều màu, hiện đại, đó là khu trưng bày những cổ vật của làng Bát Tràng với cái tên Vạn Vân. Khu trưng bày rộng 400m2 gồm hai phần: phần trưng bày gần 400 cổ vật có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX; phần khác trưng bày khoảng trên 300 sản phẩm tiêu biểu nhất của gốm Bát Tràng hiện nay kèm theo đó là một lò nung gốm cổ và một mô hình lò nung gốm hiện đại.

Nhà sưu tầm Trần Ngọc Lâm, chủ của khu trưng bày cổ vật Vạn Vân giải thích: "Như thế để khách tham quan tiện so sánh sự khác biệt của gốm xưa và gốm nay". Cũng theo ông Lâm, gốm Bát Tràng xưa vẫn được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Chả thế mà các bậc cao niên ở Bát Tràng có câu: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã". Và cũng chính bởi trân trọng tinh hoa bậc cao của trăm nghề đất Thăng Long xưa, cùng với những đam mê gốm cổ, ông Lâm đã quyết gìn giữ tất cả những gì thuộc về hồn cốt làng nghề Bát Tràng. Ông Lâm khoe, hiện khu trưng bày Vạn Vân được coi là nơi đầu tiên lưu giữ những cổ vật về nghề gốm vốn đã xuất hiện tại Việt Nam cả ngàn năm một cách tương đối đầy đủ như lò nung gốm cổ, các bản dập nổi cổ cùng các sản phẩm với đầy đủ các niên đại. Các bản dập hoa văn nổi với các mẫu mà ông hiện có, hiếm có người thứ 2 lưu giữ được. Đặc biệt hơn, vừa rồi, các hiện vật của Vạn Vân đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch dán tem chứng nhận cổ vật. Điều đó cũng có nghĩa, mỗi sản phẩm đã mang trong đó một sự tích, một câu chuyện của làng nghề cũng như của nhà sưu tầm Trần Ngọc Lâm.

Về ý tưởng xây dựng khu bảo tàng để gìn giữ những cổ vật Bát Tràng, ông Lâm kể, mình vốn là người gốc làng hoa Ngọc Hà và theo nghề hoa cây cảnh truyền thống của làng. Thế nhưng, với đam mê vẻ đẹp của gốm sứ Bát Tràng, ông đã trở thành người sưu tập các sản phẩm gốm cổ của làng nghề này. Sản phẩm Bát Tràng có những nét đặc sắc mà ít làng nghề gốm sứ khác có được như men nhiều màu và được đắp nổi với những bản dập nổi cực kỳ tinh xảo. Đó là chưa kể cái chất men rạn, men xanh làm mê hoặc những người yêu đồ gốm…

Rồi bộ sưu tập gốm sứ ngày càng lớn dần, ông chợt nhận ra: Làng nghề truyền thống này chưa có một không gian cho lịch sử làng nghề cũng như lưu giữ cái hồn cốt của nghề. "Khách du lịch, người nước ngoài đến đây không chỉ vì cần mua một sản phẩm mà họ muốn biết thêm những giá trị văn hóa. Muốn phát triển du lịch phải gắn với văn hóa" - Vạn Vân ra đời như thế đó. Cũng trong ý tưởng của nhà sưu tầm Trần Ngọc Lâm, Vạn Vân chính là nơi hội tụ những tinh hoa bậc nhất của Bát Tràng, để từ đó vươn xa hơn, tỏa rộng hơn trong từng bước phát triển của nghề gốm Bát Tràng. Đến nay nhiều người trong giới sưu tầm đã gọi Vạn Vân là bảo tàng tư nhân đầu tiên của làng gốm Bát Tràng và cũng là bảo tàng đầu tiên của gốm Việt. Thậm chí, nhiều nghệ nhân khi tìm hiểu về men cổ, mẫu cổ đều có thể đến tìm thấy và mượn những "món đồ cổ" của Vạn Vân để làm mẫu chế tác.

Gắng giữ nghề quý của cha ông để lại, hun đúc thêm truyền thống, vun đắp tài hoa cho lớp đi sau, đó là tâm huyết không chỉ của nhà sưu tầm Trần Ngọc Lâm mà của hàng nghìn người dân Bát Tràng.

Bảo Chân