Nóng, lạnh bất thường, bệnh nhi tăng mạnh
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 10/02/2010
Thời tiết bất thường, nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh về hô hấp. Ảnh: Bá Hoạt |
Gia tăng bệnh hô hấp
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi TƯ, chứng bệnh thường gặp nhất ở trẻ em vào mùa lạnh là chứng viêm mũi. Bệnh làm cho trẻ ngứa lỗ mũi và chảy nước mũi nhiều. Trẻ có thể bị sốt hoặc không. Ở nhiều trẻ còn bú, khi bị viêm mũi thường khó chịu, ngủ không yên giấc, thở khò khè do bị nghẹt mũi và phải thở bằng miệng. Với các dấu hiệu trên, cộng với nước mũi chảy kéo dài, rất có thể trẻ đã mắc bệnh khác như sởi, cúm, dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi… Sau những bệnh về mũi như sổ mũi mùa, nghẹt mũi, viêm mũi… là bệnh viêm xoang. Ở bệnh này, ngoài biểu hiện điển hình là nhức đầu, bệnh nhi còn hay nghẹt mũi, khó thở, nước mũi đặc… Vì thế, nên cho trẻ đi chụp phim để xác định tình trạng xoang bị viêm.
V.A (hay còn gọi là bệnh sùi vòm) là bệnh khá phổ biến ở trẻ em từ 3-7 tuổi. V.A là nơi sản xuất ra kháng thể chống lại vi trùng xâm nhập vào cơ thể trẻ, nhưng cũng là nơi tập trung nhiều vi trùng khi nó không còn khả năng tiêu diệt lại. Những trẻ mắc bệnh V.A thường gầy yếu, kém nhanh nhẹn, chảy nước mũi thường xuyên, ban đầu nước mũi trong, sau đó chuyển sang màu đục, mủ vàng hoặc xanh. Nhiều trẻ mắc căn bệnh này bị nóng, sốt vặt, kèm theo ho nhiều, khó thở. Trong tai trẻ đôi khi chảy mủ. Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng vì bệnh V.A, cho nên nếu viêm đi viêm lại nhiều lần (nghĩa là nó không còn tác dụng) thì nên nạo V.A cho trẻ, nhưng không nên nạo vào thời kỳ viêm cấp. Amidan có công dụng như V.A và cũng rất dễ bị viêm. Trẻ bị viêm Amidan thường bị sốt, đau họng, khó nuốt, chảy nước dãi, mệt mỏi, nhác ăn, nhác chơi. Nhiều trẻ đã bị biến chứng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Về mùa lạnh, ở những nơi có không khí ẩm thấp thì viêm phế quản cũng là căn bệnh thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, sau viêm họng, viêm mũi… Đa số trẻ mắc bệnh này có ho nhẹ và chỉ sổ mũi trong. Tuy nhiên, nếu 2-3 ngày tình trạng trên không khỏi thì nên cho trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không chủ quan để trẻ ở nhà vì như thế sẽ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng, gây viêm phổi rất nguy hiểm.
Bệnh hen phế quản (dân gian gọi là bệnh suyễn) xuất hiện nhiều vào mùa này ở những trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa… Biểu hiện điển hình của bệnh là trẻ khó thở, môi tím tái, sợ hãi. Do đó, cha mẹ cần được trang bị kiến thức về cách chăm sóc và luôn phải có sẵn thuốc theo đơn của bác sỹ để đề phòng khi bệnh nhi lên cơn khó thở.
Nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy từ thức ăn
Không chỉ bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp tăng đột biến mà tình trạng ngộ độc từ thực phẩm ôi thiu, biến chất do thời tiết nóng, lạnh thất thường cũng đang tăng cao. Số bệnh nhi nhập Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn với tình trạng tiêu chảy do ăn phải thức ăn không bảo đảm ở đây tăng từng ngày với khoảng gần 100 trẻ đến khám mỗi ngày. Có thể nhận định, thời tiết này chính là điều kiện tốt để vi sinh vật phát triển, nhất là ở những món ăn dễ bị ôi thiu. Biểu hiện chung của các ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra là nôn, đau bụng từng cơn, ỉa chảy liên tục, rối loạn nước và điện giải, đôi khi kèm tức ngực, khó thở... Gặp những tình huống như trên, bệnh nhi, đặc biệt là bệnh nhi đang mắc các bệnh nghiêm trọng hay mạn tính cần phải được uống đủ nước để đề phòng mất nước (uống ít một và chia thành nhiều lần các loại dung dịch có chất điện giải), uống nhiều nước hoa quả, nước rau…
Phòng bệnh cách nào?
Với thời tiết như hiện nay, rất nhiều trẻ mắc các bệnh trên đã phải nhập viện điều trị dài ngày. Các phòng khám, điều trị của Bệnh viện Nhi TƯ, Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Bắc Thăng Long... đang quá tải. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, theo bác sỹ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Khám nhi (BV Xanh Pôn), cha mẹ cần chú ý cho trẻ mặc quần áo ấm tránh gió lạnh vào buổi sáng, buổi chiều; cởi bớt quần áo vào buổi trưa, lau mồ hôi ở ngực, lưng nhằm hạn chế mồ hôi ngấm ngược trở lại. Cần giữ vệ sinh trong ăn uống và thường xuyên vệ sinh răng miệng, mặt mũi cho trẻ tránh nhiễm trùng. Rửa tay sạch sẽ, không để trẻ mút tay, ngoáy mũi. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Bố trí phòng ở thoáng mát, hợp vệ sinh, bảo đảm hệ thống thoát nước tốt, không để nước tụ đọng thành vũng tạo môi trường ẩm thấp cho dịch bệnh phát triển. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, nên đưa đến bác sỹ khám, điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển gây nên những biến chứng nguy hiểm.