Không phải mắt ai cũng xem được hình ảnh 3D
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 09/02/2010
Công nghệ hình ảnh thật
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự lý giải về công nghệ 3D: Khi quay phim, người ta sẽ sử dụng nhiều máy quay ở nhiều góc độ khác nhau, khi phát sẽ chiếu cùng lúc các góc độ quay đó.
Trên màn hình sẽ xuất hiện các lớp chiều sâu khác nhau, khi đeo kính chuyên dùng sẽ phân biệt được các lớp chiều sâu này. Khác với phim 3D là chiếu trực tiếp, ti vi 3D sẽ phát qua các gói phát kỹ thuật số, cùng lúc phát đồng loạt các hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau, giống như người ta phát nhiều chương trình cùng một lúc, vì thế nó tạo nên hiệu ứng hình ảnh thật.
Khimáy thu thu về thì sẽ thu cùng lúc các góc độ khác nhau của sự vật. Tất cả các góc độ ở vị trí thật sẽ được tái hiện lại lên trên màn hình.
Công nghệ âm thanh vòm sẽ kết hợp với hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng đa chiều. Ví dụ: xem hình ảnh viên đạn ta sẽ có cảm giác nó bay từ phía đằng sau mình, hay tiếng máy bay từ xa lại gần... Hiệu ứng âm thanh này giúp người xem có cảm giác thật, giống như âm thanh đi lại từ 4 phía.
Hình ảnh 3D chỉ phù hợp với một số người. |
GS Nguyễn Văn Ngọ, chủ tịch danh dự Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam nhận định, do công nghệ chưa hoàn thiện nên có thể giai đoạn đầu, việc méo hình, dừng hình đột ngột là rất dễ xảy ra. Điều này có thể khắc phục được nếu đầu thu tích hợp tốt công nghệ.
Sử dụng công nghệ ti vi 3D không đeo kính là do công nghệ giao thoa ánh sáng hình thành vật thể 3D trước mắt. Chẳng hạn như để biểu diễn một số hiện tượng thiên văn vũ trụ, người ta cũng sử dụng công nghệ này để phát hình nổi với 2 luồng ánh sáng giao thoa khác nhau.
Tuy nhiên, công nghệ phát hình của ti vi 3D phức tạp hơn nhiều so với phim 3D. Chỉ cần một trong số các máy phát chậm hơn 1 phần nghìn giây là có thể làm cho hình ảnh bị gián đoạn, méo hình.
Chỉ phù hợp với người không bị các tật về mắt
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra cho thấy, không phải tất cả mọi người đều có thể hưởng được những trải nghiệm thú vị của công nghệ 3D. Khoảng 56% người trong độ tuổi 18 - 38 có ít nhất một hoặc nhiều vấn đề về nhìn bằng 2 mắt khiến cho họ không thể có được cảm giác 3D.
KS Nguyễn Huy Bạo cho rằng đây là một nhận định có cơ sở. Độ nhạy cảm ở mắt một số người không tốt nên sẽ không thể tưởng tượng được hình ảnh.
Không nên xem hình ảnh 3D quá 15 phút, xem lâu hơn sẽ rất hại mắt. |
Độ phân giải mắt của mỗi người không giống nhau, vì thế ti vi 3D, phim 3D chỉ phù hợp với những người không bị các tật về mắt. Những người bị cận thị, viễn thị, loạn thị, người già... không nên sử dụng công nghệ này.
GS Nguyễn Văn Ngọ khuyên, không nên xem hình ảnh 3D quá 15 phút nếu không sẽ hại mắt. Nếu mắt bị căng ra quá lâu sẽ làm lệch hội tụ của mắt do các tia sáng ảo của hình ảnh. Đối với ti vi 3D, cần phải lựa chọn các nội dung cho phù hợp với công nghệ.
Chỉ nên xem các chương trình khám phá, giải trí, chứ tuyệt đối không sử dụng công nghệ 3D cho các chương trình như tin tức, thời sự, điều tra... Điều này chính các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải lựa chọn để giữ được khán giả với truyền hình 3D.
Theo các chuyên gia, việc xem hình ảnh 3D cũng gây nên một số vấn đề về sức khoẻ. Chẳng hạn một số người sau khi xem xong một bộ phim 3D có cảm giác nhức đầu, buồn nôn hoặc choáng. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này được biết đến với tên gọi VHM (quá nhạy cảm với những cử động thị giác). Nếu xem quá lâu sẽ gây ra hiện tượng ảo giác nặng nề và làm suy nhược thần kinh. |