Sân khấu “đỏ đèn” đón Tết

Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 09/02/2010

(HNM) - Những ngày áp Tết Nguyên đán, nhiều sàn tập sân khấu bỗng trở nên nhộn nhịp. Sau đợt

Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám vào đêm Giao thừa theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn với nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc. Các nghệ sĩ của nhà hát cũng phối hợp cùng công ty hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Phú Quang thực hiện chương trình "Dòng sông không trở lại" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 19, 20-2 (6, 7 Tết). Gợi lại một Hà Nội dịu dàng, tha thướt, vấn vương bằng âm nhạc của con người yêu Hà Nội đến từng hơi thở - nhạc sĩ Phú Quang - sẽ kéo trái tim của mọi người đến gần nhau hơn trong những ngày xuân về đất Kinh kỳ.

Cảnh trong vở “Điện thoại di động”


NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết, Tết năm nay các đoàn kịch sẽ có nhiều chuyến lưu diễn phục vụ bà con ngoại thành. Với chùm hài kịch tổng hợp của Đoàn kịch 2,3 bắt đầu hành trình lưu diễn từ mùng 4 Tết... Nhà hát cũng sẽ trở về phục vụ khán giả nội thành vở "Điện thoại di động" nổi tiếng vào ngày 19 và 20-2 (mùng 6, 7 Tết).

Cũng với kế hoạch đem xuân đến cho bà con ngoại thành và các vùng lân cận, chương trình hài kịch "Đời cười chọn lọc" của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ diễn ra ở Đình làng Tam Sơn (Bắc Ninh) vào ngày 18-2 (mùng 5 Tết). Trước đó, tối 10-2, ca nhạc hài kịch "Ngẫm mà cười" sẽ đưa khán giả đến không khí vui nhộn bên thềm xuân tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát cũng đang gấp rút thực hiện vở "Phố cười" để khai màn dịp Tết Canh Dần (ngày 19, 20-2) tại Trung tâm Văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng, Hà Nội). "Phố cười" do nghệ sĩ Chí Trung đạo diễn hy vọng kéo khán giả đến rạp bằng câu chuyện ở chung cư - nơi người dân phát triển theo chiều thẳng đứng với nhiều tình huống hài hước của sự giao thoa văn hóa các vùng miền. Ngoài ra, các tiết mục tổng hợp "Xuân cười vui" của Đoàn kịch 1, 2 và Đoàn Ca nhạc sẽ "đỏ đèn" trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) vào ngày 19, 20, 21-2 (mùng 6,7,8 Tết).

Liên đoàn Xiếc Việt Nam những ngày đầu xuân sẽ đến Tây Nguyên biểu diễn xiếc tổng hợp và một món quà đặc biệt dành tặng khán giả cho dịp Tết Canh Dần mà Liên đoàn "ém" suốt thời gian qua sẽ "tung ra" vào mùng 4 Tết tại Rạp Xiếc TƯ (67 Trần Nhân Tông) mang tên "Ngũ hổ đón xuân". NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiết lộ: "Xuyên suốt chương trình xiếc có thời lượng hơn 100 phút này là cảnh đón rước đầu năm của "Ngũ hổ" lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ do 45 diễn viên tham gia. Ngoài xiếc thú, các màn xiếc người, ảo thuật, hài sẽ được khéo léo lồng vào chương trình". Sau đó "Ngũ hổ đón xuân" sẽ phục vụ khán giả Thủ đô ngày 2 buổi (10 giờ và 20 giờ).

Sân khấu nghệ thuật truyền thống cứ mỗi độ xuân về lại nhộn nhịp để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là kiều bào ta về quê ăn Tết. Nhà hát múa rối TƯ với những "món" quen thuộc: "Hồn quê", "Câu chuyện tò he", "Nụ cười trẻ thơ" vẫn sáng đèn 3 buổi/ngày trong dịp Tết. Nhà hát múa rối Thăng Long đang dựng vở rối cạn "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn" (tác giả Hoàng Tuấn) để công diễn vào 3 ngày Tết tại địa chỉ 57B Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). "Hài chèo du xuân" của Nhà hát chèo Hà Nội sẽ khai hội vào mùng 8 và 9 Tết (ngày 21, 22-2) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vua chèo đất Bắc Xuân Hinh sẽ "tung hứng" với nghệ sĩ hài Quốc Anh trong chùm tiểu phẩm dân gian xen lẫn hiện đại đem đến tiếng cười thâm thúy và sảng khoái cho khán giả.

"Đỏ đèn" và đông khán giả luôn là mong muốn của các sân khấu, nhà hát để có cơ hội cống hiến và đem đến mùa xuân thứ 1000 đầy tươi vui và ấm áp cho khán giả trên đất Kinh kỳ.

Yên Nga