Giống lúa chất lượng cao: Chơi vơi tìm chỗ đứng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 09/02/2010
Đầu ra chưa ổn định
Thu hoạch lúa tại Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Yến Ngọc
Những năm gần đây, năng suất và sản lượng lúa của toàn miền Bắc khá ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, giống lúa truyền thống, chủ lực vẫn chỉ là Q5 và Khang dân, tuy sản lượng cao nhưng chất lượng gạo chưa ngon, giá trị thấp. Tỷ lệ gạo chất lượng cao, gạo thơm cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn còn ít. Việt Nam có sản lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo ngon. Để nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nhiều địa phương đã tích cực đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào khảo nghiệm để nhân rộng. Nhận thức được những khó khăn trong việc lựa chọn những giống lúa phù hợp với điều kiện của nước ta, đồng thời cho năng suất và chất lượng khá, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương giảm thiểu diện tích những giống lúa cho chất lượng gạo không ngon như IR 50404 (duy trì ở mức dưới 20%), Q5, Khang dân... Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng kết hợp với Viện Cây lương thực và thực phẩm nghiên cứu, đưa ra những giống lúa mới SH2, SH14, BC15... thay thế những giống cũ đang bị thoái hóa. Các giống lúa mới đều có đặc trưng là phù hợp với cả vụ xuân và vụ mùa, chống chịu tốt với thời tiết và sâu bệnh, chất lượng gạo tốt, hạt trắng, cơm dẻo, có mùi thơm... Sản lượng bình quân của các giống lúa này đạt từ 5,5 đến 8,5 tấn/ha/vụ.
Đi đầu trong phong trào đưa giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng là Hà Nội. Từ năm 2002 đến 2009, qua công tác khảo nghiệm, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã lựa chọn được 31 giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi khi thực nghiệm tại trung tâm và các trại giống cây trồng. Tuy nhiên đến vụ xuân 2010, cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn, đạt trên 20%. Nguyên nhân chính là do nhiều nông dân vẫn cho rằng các giống lúa truyền thống như Q5, Khang dân được trồng đã lâu, phù hợp với vùng đất của địa phương.
Việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn còn gặp nhiều trở ngại do diện tích đất sản xuất manh mún và "đầu ra" cho sản phẩm chưa ổn định. Ông Đặng Văn Hậu, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết: Giống lúa chất lượng cao như: N46, SH2 có nhiều ưu điểm vượt trội cả về năng suất và chất lượng so với một số giống lúa đã được tiếp thu trên địa bàn những năm trước đây. Năng suất đạt bình quân 61tạ/ha/vụ, có những vùng cho năng suất cao 65 tạ/ha. Đầu tư giống mới để sản xuất có đắt hơn so với giống cũ (hơn 83.000 đồng/ha) nhưng giá trị thu nhập lại tăng thêm 11.200.000 đồng/ha. Gạo Bắc thơm, SH2, N46... hạt cơm thơm ngon, giá gạo bán cao gấp 1,3-1,5 lần so với gạo tẻ thường (Q5, Khang dân). Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ vẫn còn bấp bênh, không ổn định, nông dân vẫn trong tình trạng tự sản, tự tiêu, lúc có nhiều lúa thơm thì khó bán và lúc không có lại có nhiều người hỏi mua.
Giải bài toán khó?
Việc loại bỏ các giống lúa dài ngày chuyển sang gieo cấy các giống lúa ngắn ngày đã khẳng định cơ sở khoa học và tính đúng đắn của một chủ trương mới ở các địa phương phía Bắc, như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương… Rõ ràng, nếu trước kia, với cơ cấu bố trí chủ yếu là các giống lúa dài ngày, nông dân bắt buộc phải thực hiện gieo cấy sớm và bản thân cây lúa phải đối chọi với thiên nhiên, khí hậu thời tiết dài hơn, phức tạp và khó lường hơn, thì đến nay, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày đã không chỉ giúp nông dân chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, mà còn bảo đảm năng suất ổn định. Chủ trương của Hà Nội trong thời gian tới: Giảm diện tích đối với loại giống có năng suất cao nhưng chất lượng thấp để thay thế giống lúa chất lượng cao và năng suất cao. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chuyển giao, mở rộng diện tích để giống lúa chất lượng cao có chỗ đứng vững chắc trên đồng ruộng.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết: Nâng cao chất lượng giống lúa là bước quan trọng nhất để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam nói chung và gạo xuất khẩu Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam có những giống lúa như IR 50404, Q5... cho sản lượng rất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhưng chất lượng không cao. So với những nước có sản lượng gạo xuất khẩu lớn, như Thái Lan thì Việt Nam có một đặc trưng là dân đông nhưng diện tích cho sản xuất nông nghiệp thấp. Rất khó để có thể giải bài toán về giống lúa đạt cả hai yêu cầu là cho sản lượng cao và chất lượng tốt. Vì vậy trước mắt sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải tập trung sản xuất những giống lúa ngắn ngày, cho sản lượng cao, chất lượng khá".
Vụ xuân 2010 kế hoạch gieo cấy của các tỉnh, thành phố phía Bắc là 1,1 triệu hécta lúa, phấn đấu năng suất đạt 60,6 tạ/ha, sản lượng 7 triệu tấn. Chọn giống, thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, quản lý tốt đồng ruộng là các yếu tố quan trọng giúp nông dân có vụ mùa bội thu. Để nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, ổn định, cần có sự can thiệp của lãnh đạo chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc tạo ra sự gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Nhận thức được khó khăn trong việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng chính là do tập quán canh tác theo lối cũ. Vì vậy các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ về giống cũng như tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức tư duy của nông dân để đưa giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng. Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc khẳng định.