Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Quyết liệt chạy đua cùng thời gian

Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 09/02/2010

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đến ngày 5-3 các địa phương phải hoàn tất việc khảo sát đánh giá hiện trạng nông thôn, báo cáo thành phố làm cơ sở xây dựng đề án Nông thôn mới (NTM) trên toàn thành phố, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn không ít vướng mắc.


Hoàn thiện hệ thống "khung chuẩn"

Nhà văn hóa thôn Tân Mỹ, xã Thụy Hương, một trong những triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Ảnh: Bá Hoạt


Mô hình NTM ở Thụy Hương (Chương Mỹ) là một trong 11 mô hình triển khai thí điểm xây dựng NTM của cả nước. Thời gian xây dựng mô hình trong 2 năm từ tháng 6-2009 đến tháng 6-2011. Hiện nay, Thụy Hương đã hoàn thành công tác quy hoạch theo tiêu chí của Bộ Xây dựng, cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống điện cũng đã được đầu tư xây mới, chỉnh trang và nâng cấp... Trong nông nghiệp, đã lập và phê duyệt song dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn quy mô 80ha và đang triển khai lập dự án chuyển đổi 15ha trồng cây ăn quả, 10ha trồng hoa, 10ha nuôi trồng thủy sản và 9,5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư...

Trên cơ sở những kết quả ban đầu của mô hình NTM tại xã Thụy Hương, ngày 13-1, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai mở rộng mô hình NTM tại các huyện, thị xã. UBND thành phố đã chọn 3 xã Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) và Song Phượng (Đan Phượng) tiếp tục xây dựng điểm mô hình để làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương. Mục tiêu từ nay đến năm 2015, toàn thành phố có từ 45% đến 50% số xã đạt tiêu chí NTM. Riêng trong năm 2010, mỗi huyện, thị xã chọn ít nhất từ 1-2 xã làm điểm để rút kinh nghiệm. Để đạt mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm lập đề án xây dựng NTM trình HĐND TP phê duyệt tại kỳ họp chuyên đề vào tháng 4-2010. Sở NN&PTNT Hà Nội đã hoàn thiện hệ thống "khung chuẩn" đánh giá các tiêu chí NTM để các địa phương dễ dàng áp dụng khi triển khai trên diện rộng. Hệ thống "khung chuẩn" gồm 17 danh mục, biểu mẫu điều tra tại xã bao gồm: Rà soát các quy hoạch trên địa bàn, hiện trạng quy hoạch và sử dụng đất, hiện trạng và kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương, thủy lợi, điện, hệ thống trường học, khu văn hóa thể thao... Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã chỉ đạo các địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn, báo cáo về UBND TP trước ngày 5-3-2010.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian từ nay đến ngày 5-3 là không nhiều để hoàn thành công tác rà soát, đánh giá tiêu chí. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho rằng, đặc thù của địa phương là huyện ven đô, có phố trong xã nên xây dựng NTM trên địa bàn huyện phải theo hướng nông thôn đô thị. Trong khi đó, thời gian ấn định hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá tiêu chí là rất gấp, nếu hoàn thành kết quả khảo sát khó bảo đảm chất lượng. Bà Trần Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đưa ra ý kiến, đối với các tiêu chí về hiện trạng và kế hoạch đầu tư lưới điện, công trình thủy lợi… cán bộ xã không nắm được do liên quan đến ngành điện quản lý, hệ thống thủy lợi phải lấy số liệu từ các xí nghiệp, công ty khai thác công trình thủy lợi... Do đó, các địa phương phải dốc toàn lực mới hoàn thành.

Ngoài những khó khăn trước mắt về khảo sát, đánh giá các tiêu chí, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian hoàn thành xây dựng NTM. Thành phố hiện có 401 xã, trong đó nhiều xã đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn khó khăn, để đạt các tiêu chí về NTM sẽ là một thách thức không nhỏ. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trong 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhóm tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch; về cơ sở hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm với sự hỗ trợ của Nhà nước và những đóng góp của nhân dân có thể hoàn thành sớm. Nhưng với những tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất; yếu tố về văn hóa xã hội và môi trường; yếu tố về hệ thống chính trị thì cần một kế hoạch dài hơi, không thể thực hiện trong "một sớm, một chiều". Đơn cử như tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm của dân xã đó so với mức bình quân chung của dân các xã khác trên địa bàn thành phố phải cao hơn 1,5 lần (tức là 13-14 triệu đồng/người/năm), trong khi đó bình quân thu nhập đầu người của xã hiện mới đạt 9 triệu đồng. Do đó, phải hỗ trợ dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào để nâng cao thu nhập trong một thời gian ngắn? Hay như tiêu chí tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 25%, những lao động vốn chỉ quen với công việc đồng áng sẽ chuyển sang làm nghề gì? Đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, để có 70% cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng, 30% có trình độ đại học trở lên theo tiêu chí thì cũng cần thời gian từ 3-5 năm mới đủ để hoàn thành một khóa học cho cán bộ.

Nhân rộng các mô hình

Theo Nghị quyết số 26, Hội nghị BCH Trung ương Ðảng lần thứ 7 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt tiêu chí NTM (theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM). Trong đó, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số xã đạt tiêu chí NTM chiếm 70%. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 70% số xã thuộc khu vực nông thôn Hà Nội đạt tiêu chí NTM là vấn đề không đơn giản. Chỉ riêng việc đánh giá, lập quy hoạch cho xây dựng mô hình NTM của xã Thụy Hương đã phải huy động các sở, ban, ngành của thành phố vào cuộc, làm quyết liệt trong một tháng mới hoàn thành đề án thì đối với hơn 400 xã, khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Mặt khác, xây dựng NTM bằng nội lực của xã là chính nhưng phải có sự hỗ trợ của thành phố. Nếu làm tập trung thì ngân sách thành phố bỏ ra sẽ là rất lớn.

Trước sức ép lớn về thời gian, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Duy Hùng chỉ đạo, Sở NN&PTNT cần tập trung cao độ phân công cán bộ trực tiếp xuống các huyện giúp địa phương hướng dẫn huyện, xã quy trình khảo sát, đánh giá, ghi chép; giải thích những điều cơ sở chưa hiểu và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện rà soát, đánh giá ở cơ sở. Đối với các huyện, cần triệu tập ngay cán bộ chuyên môn của các phòng, ban gồm: nông nghiệp, hạ tầng, văn hóa, xã hội... Mỗi xã cử 1 đến 2 cán bộ phụ trách để khâu nối công việc. Thành phố quyết tâm chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt để hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá đúng tiến độ, sớm nhân rộng mô hình.

Nguyễn Mai