Đơn giản thủ tục hành chính: Lượng hóa bằng số tiền cụ thể

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 09/02/2010

(HNM) - Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành thuộc thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó không ít đơn vị kiến nghị giảm được nhiều về thời gian nhưng chưa giảm được thành phần hồ sơ, do chưa lượng hóa được hiệu quả của việc đơn giản TTHC.


Vướng mắc trong đơn giản thủ tục

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Thu Phong   


Để lượng hóa được hiệu quả của việc đơn giản TTHC, Tổ công tác chuyên trách (TCTCT) đã cùng các chuyên gia tư vấn đến từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC - thuộc Ngân hàng thế giới) hướng dẫn Tổ công tác (TCT) Đề án 30 của 24 bộ, ngành cách tiếp cận với công thức tính của quốc tế bằng mô hình chi phí chuẩn đối với các TTHC được rà soát trong khuôn khổ Đề án 30. Theo công thức này, chi phí tuân thủ TTHC = chi phí hành chính + chi phí tài chính gián tiếp + chi phí tài chính trực tiếp. Việc tính toán chi phí thực hiện 1 TTHC được tiến hành theo 4 công đoạn. Thứ nhất là phân tích và chia nhỏ TTHC thành những hoạt động có thể đo lường được chi phí. Thứ hai, thu thập số liệu để tính toán. Thứ ba, phân tích số liệu và tiến hành tính toán chi phí của TTHC đó. Và cuối cùng là tính toán chi phí sau khi đã đơn giản hóa TTHC, từ đó có thể so sánh được ngay chi phí hiện tại với chi phí sau khi đã được "cắt gọt".

Với cách tính này, các đơn vị sẽ dễ dàng nhận thấy những hao tổn lãng phí do TTHC rườm rà gây ra và sẽ thực hiện hiệu quả việc đơn giản tối thiểu 30% TTHC. Song trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị cho biết chỉ có thể đơn giản được về thời gian, còn về thủ tục thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như tại Sở GT-VT Hà Nội, sau gần 1 năm thực hiện rà soát đã có 27/90 TTHC giảm từ 1 đến 20 ngày nhưng không có thủ tục nào giảm được thành phần hồ sơ. Lãnh đạo Sở cho biết, sở dĩ không giảm được vì ngành có những đặc thù riêng như Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 đã có 68 điều thay đổi, 23 điều mới so với luật này năm 2001. Trong khi đó, các bộ, ngành vẫn chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn và luật mới thực hiện thời gian ngắn nên chưa đủ nhận thấy bất cập như thế nào để kiến nghị đơn giản. Tương tự, tại Sở KH&ĐT Hà Nội, trong 250 TTHC phải rà soát, dự kiến, Sở sẽ kiến nghị đơn giản hóa tới 60% TTHC. Tuy nhiên, việc này cũng gặp những khó khăn nhất định, như Chính phủ mới có nghị định sửa đổi, bổ sung một số thông tin trong lĩnh vực đấu thầu, chưa thực hiện được bao lâu nên đơn vị không biết có cần kiến nghị gì không. Đại diện UBND quận Ba Đình cũng chia sẻ, quận đã kiến nghị đơn giản thời gian của 42/70 TTHC phải rà soát; kiến nghị sửa đổi về thẩm quyền của 8 TTHC nhưng không đơn giản được thủ tục vì điều kiện của các TTHC thuộc thẩm quyền của quận đã rất chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư...

Chứng minh lợi ích của đơn giản TTHC

Trong khuôn khổ Đề án 30, việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC tương đương với việc giảm chi phí cơ hội cho cá nhân, tổ chức không được tính vào chi phí tuân thủ TTHC. Nhưng theo TCTCT, trong một số trường hợp, việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người thực hiện thủ tục. Vì vậy, bộ, ngành có thể gắn việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC với việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nhằm chứng minh lợi ích của phương án đơn giản hóa TTHC. Ví dụ, việc rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp sớm được bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Hay trường hợp cấp hộ chiếu phổ thông, nếu kiến nghị kéo dài thời gian hiệu lực của hộ chiếu từ 10 năm lên 15 năm thì sẽ giảm được tần suất người dân phải thực hiện TTHC xuống còn 0,7 lần so với trước đây.

Như vậy, với mô hình chi phí tuân thủ TTHC thì mỗi TTHC cũng như mỗi cách đơn giản hóa đều có thể đo lường và tính toán được, lượng hóa được bằng số tiền cụ thể. Theo kế hoạch, toàn bộ công việc tính toán chi phí TTHC và lợi ích của việc đơn giản hóa TTHC sẽ hoàn thành trước tháng 3-2010. Tiếp đó, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, luật sư cùng TCTCT sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả rà soát trước khi trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa TTHC vào tháng 6-2010.

Hiền Chi