Đầu tư lớn cho KHCN để nâng sức cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 15:57, 08/02/2010
-Xin ông cho biết đôi nét về quá trình hình thành và mục tiêu của Viện Nghiên cứu Công nghệ gốm sứ?
-Xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của ngành, Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có chủ trương thành lập một viện nghiên cứu riêng trên về lĩnh vực này. Từ ý tưởng này, chúng tôi đã trao đổi với các doanh nghiệp thành viên và được sự nhất trí và ủng hộ nhiệt tình từ nhiều phía. Tháng 8-2009 vừa qua, Hiệp hội đã chính thức có quyết định thành lập. Mục tiêu của Viện là huy động nguồn lực của các thành viên trong Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam để tập trung nghiên cứu và hợp tác về khoa học, phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ chuyên ngành vật liệu gốm sứ. Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ giúp nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gốm sứ trong nước, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị và nguyên liệu hóa chất nhập khẩu của nước ngoài.
-Trước khi Hiệp hội có quyết định thành lập Viện, tình hình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp trong vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam với hơn 74 doanh nghiệp thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gốm sứ hầu như chưa có sự phối hợp tốt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ: nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị và công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, công tác đào tạo chuyên gia và cán bộ kỹ thuật bậc cao…Mỗi đơn vị tự trang trải mọi chi phí để tự nghiên cứu, tự đào tạo hoặc mua đồng bộ dây chuyền thiết bị công nghệ của nước ngoài. Như vậy, chi phí của các doanh nghiệp dành cho các hoạt động này sẽ rất cao và hiệu quả mang lại không tương xứng, không tận dụng được nguồn chất xám trong nước. Trong khi đó các công trình, dự án, đề tài nghiên cứu trong nước không có điều kiện để tiếp cận và đi sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, để góp phần thúc đẩy sự hợp tác, phát triển trong hoạt động khoa học công nghệ chuyên ngành, Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ đã được thành lập. Viện sẽ để kết nối các doanh nghiệp dưới một mái nhà chung cho mục tiêu đó.
-Viện Nghiên cứu Công nghệ gốm sứ sẽ tập trung cho những hoạt động gì trong thời gian tới, thưa ông?
-Chúng tôi sẽ tập trung cho việc nghiên cứu công nghệ sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Hiện nay, tổng công suất thiết kế của ngành sản xuất gạch ốp lát nước ta khá lớn, đạt trên 300 triệu mét vuông/năm. Tuy nhiên, hầu hết dây chuyền thiết bị chính và hóa chất, phụ gia sử dụng vẫn phải nhập khẩu của châu Âu và Trung Quốc. Do vậy, Viện Nghiên cứu Công nghệ Gốm sứ sẽ tập trung mọi nguồn lực và hợp tác với các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trong nước để triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất các sản phẩm (là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp gốm sứ) trong nước chưa sản xuất được, nhằm nâng cao tính chủ động về nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Viện cũng sẽ nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý và tinh chế một số nguyên liệu có nguồn gốc từ khoáng sản trong nước. Ngành sản xuất vật liệu gốm sứ nước ta sử dụng một lượng rất lớn các nguồn nguyên liệu khoáng có sẵn nhưng đa phần các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở công đoạn khai thác và làm giàu sơ bộ, chưa đầu tư vào chế biến sâu nên chưa phát huy hết giá trị của tài nguyên trong nước, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng môi trường, cảnh quan.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất vật liệu gốm sứ. Cho đến nay, các doanh nghiệp gốm sứ trong nước vẫn đang phụ thuộc vào dây chuyền thiết bị nhập khẩu và công nghệ của nước ngoài mặc dù môt số thiết bị công nghệ trong nước có khả năng chế tạo và xử lý tốt. Với năng lực của một số công ty chế tạo cơ khí trong nước như hiện nay thì có thể chế tạo, cải tiến các thiết bị cho ngành gốm sứ như: máy nghiền, máy sấy phun, lò nung, máy tráng men, máy trộn,…Tuy nhiên, việc chế tạo theo đơn đặt hàng riêng lẻ từng thiết bị thì sẽ có giá thành cao, khả năng cạnh tranh so với thiết bị nhập khẩu sẽ kém và các doanh nghiệp chế tạo sẽ không dám đầu tư thiết bị, công sức cho vấn đề này. Do vậy, Viện Nghiên cứu Công nghệ gốm sứ sẽ phối hợp với nhà chế tạo để cùng đầu tư, xây dựng các phương án chế tạo, cải tiến những thiết bị công nghệ mà trong nước có thế mạnh. Về lâu dài, hình thành những doanh nghiệp chuyên chế tạo thiết bị cho ngành gốm sứ, góp phần giảm giá thành thiết bị và tăng sự chủ động cho các doanh nghiệp gốm sứ trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, qua đó sẽ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật chuyên ngành.
-Trước mắt, Viện sẽ đầu tư cơ sở vật chất và con người ra sao để thực hiện các kế hoạch này?
-Với định hướng phát triển lâu dài, bền vững và đáp ứng được nhu cầu phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Viện Nghiên cứu Công nghệ gốm sứ sẽ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm của Viện, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi tham gia hoạt động, cộng tác. Trong năm nay chúng tôi sẽ đầu tư một tòa nhà nghiên cứu 2 tầng có diện tích 2000 m2, với hệ thống phòng làm việc, phòng hội thảo và phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu về vật liệu gốm sứ. Tổng chi phí cho công trình này lên tới 70 tỷ đồng và trước mắt tập đoàn Prime Group đã đầu tư toàn bộ cho công trình này. Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư. Trên cơ sở đó có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh mới.