Ngành Công thương: Nỗ lực xuất khẩu, cân đối nhập khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 08/02/2010

(HNM) - Năm qua, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa cả nước đã đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7%; nhập siêu ước khoảng 12,25 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/XK là 21,6% (tỷ lệ này ở năm 2008 là 28,5%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 1.197,5 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008...


So với yêu cầu, các kết quả đạt được trong năm qua còn ở mức thấp, song đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Tuy nhiên, năm 2010 nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới vẫn có lý do để lo ngại lạm phát có thể quay trở lại.

Nhập siêu cao: Mối lo tái lạm phát

Sản xuất thép tại Nhà máy Thép Tân Thuận (Công ty Thép Miền Nam).  Ảnh: Văn Khánh


Điều đáng lo ngại nhất là tỷ lệ nhập siêu khá cao, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu (NK). Tháng 1-2010, nhập siêu đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng KNXK, trong đó nhu cầu phục vụ Tết đã góp phần đáng kể làm tăng khoảng cách giữa xuất và NK (tổng KNXK là 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ và tổng kim ngạch NK là 6,2 tỷ USD, tăng 86,6%). Đây là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới. Tỷ lệ nhập siêu cao có tác động ảnh hưởng lớn đến tỷ giá hối đoái và gây ra tình trạng "lạm phát kép", có nghĩa là vừa lạm phát trong nước, vừa "NK lạm phát". Trong khi đó, trên thực tế những năm tới sản lượng khai thác các mặt hàng XK chính như dầu thô, than đá, khoáng sản sẽ buộc phải giảm sản lượng, điều đó sẽ ảnh hưởng khá lớn tới kim ngạch XK. Một số loại mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước (điện, thép, bia rượu, xăng dầu) sẽ tăng, đồng thời kế hoạch NK 1 triệu tấn dầu thô về phục vụ hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhiều ngành công nghiệp (CN) đang hoạt động theo hình thức gia công... sẽ khiến cho mục tiêu giảm nhập siêu càng khó khăn hơn.

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp thương mại

Để góp phần ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát trong năm 2010, Bộ Công thương đề ra những giải pháp phát triển ngành CN thương mại với việc duy trì và đẩy mạnh sản xuất CN, chuyển dịch cơ cấu theo hướng có lợi thế, hiệu quả, hướng ra XK. Theo đó, chú trọng các mặt hàng XK có giá trị gia tăng cao. Việc xúc tiến thương mại cần chú trọng vào các thị trường chủ lực ở khu vực và các nước thuộc châu Á, EU, Bắc Mỹ, Nga; chủ động tìm và mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi; tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA) ở Nhật Bản và các nước trong khu vực; nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường và các điều kiện thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất trong nước các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu; thực hiện quyết liệt các giải pháp hạn chế nhập khẩu…

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 khoảng 6,5%, ngành công thương đã đề ra mục tiêu, giá trị sản xuất CN tăng 12% so với năm 2009. Giá trị gia tăng toàn ngành CN đạt 5,7%. Tổng KNXK hàng hóa đạt 60,15 tỷ USD tăng 6%, kim ngạch NK đạt 74,9 tỷ USD, tăng 5,6%. Tỷ lệ nhập siêu không quá 20%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên thị trường nội địa tăng khoảng 22%. Tổng mức đầu tư các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ thực hiện tăng 32,8%. CPI không quá 7%. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng CPI theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

Thanh Mai