Bài ca giữa trùng khơi
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:41, 08/02/2010
Từ đảo Phú Quốc đến thị trấn Đông Dương, vượt hơn 40km đường rừng nguyên sinh bụi mờ đất đỏ là đến mái ấm nhỏ của Đại úy Danh Trường Danh, người dân tộc Khơme, Đồn Biên phòng 754, Gành Dầu, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây cũng là nơi hai em Dương Quốc Bảo sinh năm 1998 và Dương Kim Chi sinh năm 2004 (trong đó bé Chi không may bị nhiễm HIV/AIDS) được gia đình Danh nuôi dưỡng. Bảo và Chi vốn là con của người bạn, người đồng chí Dương Thành Ghi, cùng công tác ở Đồn BP 754. Đôi bạn ấy quen nhau từ thời còn học chung tại Trường Trung cấp Cơ yếu BP ở TP Hồ Chí Minh. Năm 1995, khi hoàn thành khóa học, hai người ra đảo Phú Quốc công tác. Ra đảo được hai năm, Ghi lập gia đình và có một cháu trai. Nhưng cả hai vợ chồng anh đều không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Cuối năm 2004, Ghi qua đời. Năm 2005, vợ anh cũng mất sau khi sinh bé Kim Chi. Bé Chi đã bị nhiễm bệnh ngay từ trong bụng mẹ.
Trước khi đem hai cháu về nuôi, Danh có đưa bọn trẻ về nhà nội chúng (ông bà ngoại của các cháu đều đã mất) nhưng gia đình bên nội hắt hủi, xa lánh. Là đồng chí, đồng đội với nhau, đứng trước hoàn cảnh và nỗi khổ của hai cháu, anh rất xót xa và thấy mình phải có trách nhiệm cưu mang các cháu. Quốc Bảo và Kim Chi về sống với gia đình Danh từ ấy.
Kể từ khi nuôi bé Chi trong nhà, hàng xóm nhìn gia đình anh với ánh mắt thương cảm nhưng xa lánh. Họ thậm chí không qua lại, không dám đến mua hàng khiến tiệm tạp hóa nhỏ của vợ anh phải đóng cửa. Người ta bảo anh bị khùng, bị điên hay bị ma ám mà đi rước "của nợ" về nhà. Rồi không khéo làm phúc phải tội, đem nó về để lây bệnh cho vợ, cho con. Người thân trong họ hàng cũng không ít lần khuyên nhủ anh đừng làm "việc dại dột" ấy. Nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh đồng đội nắm chặt tay anh trước lúc từ giã cõi đời, nghĩ đến những đứa trẻ vô tội anh lại không cầm lòng.
Ngay cả đến vợ anh, người không phản đối nhưng nhiều đêm trong tiếng sóng biển dội vào ghềnh đá vọng lại, yên ắng như nghe được cả tiếng thở dài của ai đó, chị lại thắc thỏm lo lắng cho tương lai của Chi, lo lắng cho gia đình bé nhỏ mà quá đỗi gian truân của mình. Những lúc như thế, anh thấy tim mình đau nhói nhưng vẫn phải làm bộ lạc quan, động viên, an ủi vợ. Anh tin rằng còn đơn vị, còn đồng đội, còn nhiều người có tâm sẽ giúp đỡ mình bước qua hoạn nạn. Ngày mai trời lại sáng!
Để chăm sóc cháu Chi được an toàn, Danh đã tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS. Nhờ vậy, Chi vẫn sinh hoạt cùng gia đình, vẫn đến lớp như những đứa trẻ bình thường khác. Mỗi lần cháu đến lớp, anh không quên kiểm tra tay chân Chi xem các ngón đã cắt hết móng chưa và không quên dặn dò cháu không được đùa nghịch, cào cấu các bạn, phải ngoan, học giỏi... Cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Tháng một lần, anh lại vượt 32km đường rừng từ nhà ra Trạm Y tế dự phòng huyện Phú Quốc để lấy thuốc cho Chi. Bác sĩ Nguyễn Văn Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gành Dầu kể rằng, bao năm trong nghề, lần đầu tiên anh cảm động trước sức mạnh tình thương hiếm có như anh Danh. Nhiều lần anh có gợi ý Danh gửi các cháu đến trại trẻ mồ côi huyện, thậm chí quản lý trại nhiều lần xuống nhà đề nghị anh để trại chăm sóc cháu Chi nhưng anh Danh đều không đồng ý. Bởi suy nghĩ "lương tâm không cho phép"! Cứ như vậy anh chấp nhận lao vào giông bão những khó khăn thường nhật để mang lại niềm vui, tiếng cười, giành giật sự sống cho bé Chi.
Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc bé Chi, anh còn thường xuyên vận động mọi người quanh xóm hãy xóa bỏ mặc cảm, thương yêu các cháu để các cháu được hòa nhập cộng đồng, được tôn trọng và lớn lên, học tập trong tình yêu thương của tất cả mọi người. Trời không phụ lòng người, đến nay các cháu vẫn mạnh khỏe, chăm ngoan. Cháu Quốc Bảo học lớp 6, cháu Kim Chi học lớp 1; các cháu đều được công nhận là học sinh ngoan, học giỏi khiến vợ chồng anh rất phấn khởi. Hằng năm, đến ngày giỗ cha mẹ đẻ của hai cháu, anh vẫn làm cơm rồi bảo hai cháu đốt vàng, thắp nhang cầu siêu cho ba mẹ. Anh muốn các cháu luôn luôn nhớ về nguồn cội, nhớ ơn sinh thành và biết thờ cúng cha mẹ sau này.
Thiếu tá Lê Bá Doãn, Đồn trưởng Đồn BP 754 không tiếc lời khen khi nói về Danh: "Đồn có dành ra 400.000 đồng/tháng để hỗ trợ anh Danh nuôi dưỡng hai cháu. Nhưng như thế không thấm gì so với công lao trời bể của anh. Danh Trường Danh là một người lính mà việc gì khó cũng xông xáo, không nề hà. Hằng năm đều đạt thành tích cao. Năm 2008, Danh là chiến sĩ vinh dự được ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua quyết thắng của Bộ Tư lệnh BĐBP. Năm 2009 vừa qua, anh cũng vinh dự là một trong 10 điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP. Hành động và nghĩa cử cao đẹp của đồng chí Danh rất đáng để chúng tôi học tập, noi theo".