Làng có “lên” phường ?
Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 08/02/2010
Cả làng bè mảng tựa vào nhau, sống bằng nghề đánh cá và săn bắn, với lời thề nguyền không di dời đi đâu nữa. Đời đời họ sinh sống trong một quần thể 28 ngôi làng gồm những ngôi nhà sàn truyền thống ghép lại bằng bè, nội thất tiện nghi rất cao cấp. Nước và rác thải được xử lý khoa học. Trong khu làng nổi có bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính, thánh đường Hồi giáo.
Cổng làng cổ Yên Phụ nay là phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Ảnh: Như ý
Điều kỳ lạ này có vẻ như không hợp với "đường lên hiện đại". Nhưng vì dân không muốn di dời, chính phủ phải theo nguyện vọng, giữ lại làng trên cơ sở nâng cấp thiết kế lối sống hiện đại. Cư dân tại đây có đủ nhà kinh doanh, viên chức, trí thức, không ít người rất giàu có, có vài ba biệt thự, ô tô ở trên bờ. Các vật dụng trong gia đình như bộ đồ ăn đều nạm vàng, ngọc, bạc. Có nhà nổi cột nạm vàng, tài sản bên trong hàng trăm triệu đô la.
"Chúng tôi thích sống ở khu nhà bè trên sông vì muốn giữ truyền thống", ý nguyện chung của cư dân là vậy.
Đó là một làng ở thủ đô Brunei, vương quốc nhỏ nhưng giàu có hàng đầu trong khối ASEAN.
Thủ đô Hà Nội phát triển lúc chậm, khi nhanh. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp thực hiện kế hoạch bình định Đông Dương khai thác thuộc địa, họ lập quy hoạch thành phố theo kiểu ô cờ, thành phố vườn, với những biệt thự nhiều màu sắc. Hàng loạt làng xóm bị giải tỏa, nay chỉ còn tên làng trong sử sách. Nửa sau thế kỷ XX, trong quy hoạch phát triển Thủ đô, làng xã bị lấn lướt, bao vây, tên làng, cổng làng vẫn còn nhưng người đi làm ăn xa trở về không thể nhận ra bóng dáng quen thuộc. Nhà ba, bốn tầng chẳng hàng lối, mạnh ai nấy làm lổn nhổn thấp cao. Đường sá bê tông nhưng ngoằn nghoèo, thu hẹp hơn. Màu xanh cây lá gần như biến mất, hiếm hoi vài bụi tre nhỏ. Nhiều làng đã "lên" phường. Nhà cao hơn, đất hẹp lại, cây xanh bị chặt bỏ, ra khỏi cổng là xe máy, ô tô, thiếu việc làm, xem ra có phần cực khổ hơn, ô nhiễm hơn.
Thị xã có thể "lên" thành phố, thành phố loại bốn có thể "lên" loại ba vì là nâng cấp đô thị. Làng, xã là đơn vị hành chính, tổ chức không gian dân cư khác hẳn đô thị - sao gọi là "lên"? Chỉ là sự chuyển đổi. Mà sự chuyển đổi có thể tự phát như đã xảy ra ở Hà Nội. Có thể rất ngoạn mục như ở nước bạn Brunei.
Hà Nội mở rộng địa giới có tới ngàn rưỡi làng. Các chuyên gia quy hoạch xây dựng của liên doanh tư vấn PPJ kết hợp với các chuyên gia Việt Nam đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng mới để công bố trước nhân dân vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một điều vô cùng quan trọng phải tính đến là ứng xử với làng xóm không thể như xưa. Kiến trúc nông thôn, "làng trong thành phố" nhất thiết phải coi trọng. Có những làng nghề phải xóa bỏ vì không phù hợp với đời sống, vì chất thải quá ô nhiễm. Có những làng giàu truyền thống, phải được tôn trọng, giữ gìn bản sắc truyền thống để trở thành điểm du lịch. Có những làng được tổ chức lại sản xuất với nhiều nghệ nhân, trở thành niềm tự hào của Thủ đô… Vì thế những làng này được tính vào hành lang xanh, chiếm tới 60-70% diện tích Thủ đô.
Một điểm trong chiến lược phát triển không gian Thủ đô là nâng cấp khu vực ngoại vi, tăng cường kiểm soát phát triển dân số và kiến trúc này. Bộ Xây dựng có kế hoạch tới năm 2012 phủ kín quy hoạch 9.111 xã trong cả nước, đồng thời đào tạo cán bộ quy hoạch cấp huyện, xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ 2 năm nay đã nghiên cứu quy hoạch kinh tế - xã hội ở 11 xã các vùng khác nhau. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí hàng đầu là phải có quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch.
Trong phát triển Thủ đô đương nhiên có những làng chuyển thành phố thành phường nhưng không phải là "lên" phường mà là chuyển đổi làng xã cho phù hợp đời sống trên cơ sở công nghệ cao. Nông nghiệp vẫn còn nhưng là nông nghiệp đô thị. Nền nông nghiệp này đã có từ lâu ở các nước đang phát triển. Nó được coi là ngành quan trọng, đem lại lợi ích kinh tế (tự sản xuất sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn nông dân bị thu hồi đất mỗi năm), xã hội (những tập thể cùng làm vườn, trồng rau, hoa, nuôi chim, cá cảnh… bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên), môi trường (làm đẹp không gian xanh, giảm vận chuyển, kho chứa khối lượng thực phẩm tươi sống đưa từ xa về).
Nông nghiệp đô thị có thể là trang trại, vườn, góc nuôi trồng trong nhà và vườn trên mái, ở ngay trong nội đô hoặc ven đô, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm tươi sống, hoa quả, sinh vật cảnh. Phương pháp canh tác dựa trên công nghệ cao, không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một số gia đình ở Hà Nội đã bước đầu tự túc rau xanh nhờ vườn trên mái trong nhà.
Phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một trong những giải pháp giúp con người thư giãn, gần hơn với thiên nhiên. Đó là định hướng phát triển không gian làng xã Thủ đô trên đường hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi làng sẽ được nghiên cứu phát triển trên cơ sở hiện có, không thể diễn lại cảnh tan hoang làng xã như những tháng ngày đã qua.
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.
BTC