“Giấc mơ siêu thanh”

Hồ sơ - Ngày đăng : 05:54, 08/02/2010

(HNM) - 16 giờ 42 phút ngày 25-7-2000, chiếc máy bay Concorde do Hãng Hàng không Pháp Air France khai thác cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở thủ đô Pari để thực hiện chuyến bay thường lệ tới sân bay J.F.Kennơđi, Niu Yoóc, Mỹ.

Lửa bốc ra từ chiếc Concorde của Air France chưa đầy 2 phút sau khi cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle, Pari.


Tuy nhiên, chỉ 2 phút sau đó, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra, chiếc máy bay siêu âm được mệnh danh là phi cơ chở khách an toàn nhất thế giới đến thời điểm đó do số lượng người chết tính trên km chuyên chở là 0 đã bất ngờ bốc cháy và lao thẳng xuống khách sạn Hotelissimo ở làng Gonesse. Sinh mạng của toàn bộ 100 hành khách, 9 thành viên phi hành đoàn và 4 người dưới mặt đất đã mất đi trong chớp mắt.

Theo cuộc điều tra chính thức của Văn phòng điều tra tai nạn Pháp (BEA), thảm họa có nguyên nhân từ một mảnh titan dài 43cm, một phần của một bộ đối chiếu lực đẩy, rơi ra từ chiếc DC-10 của hãng hàng không Mỹ Continental Airlines cất cánh từ sân bay Pháp khoảng 4 phút trước đó. Mảnh kim loại này đâm thủng lốp chiếc Concorde, làm chúng vỡ tan. Một miếng cao su đã văng vào bình chứa nhiên liệu ở cánh khiến nhiên liệu rò rỉ và máy bay bốc cháy. Các chuyên gia tư pháp ngay sau đó đã đưa ra thêm một giải thích làm sáng tỏ vụ tai nạn.

Theo họ, bình nhiên liệu của Concorde đáng lý có thể chịu đựng được những miếng cao su văng ra từ lốp máy bay nếu các nhà sản xuất và công ty khai thác khắc phục được một lỗi nằm ở phần chứa nhiên liệu. Thực tế cho thấy, trong một báo cáo năm 2004, chính nhà sản xuất và Air France thừa nhận lỗi thiết kế trên đã không được xác định ngay khi chiếc Concorde đầu tiên được đưa vào khai thác năm 1976, nhưng nó đã được phát hiện sau sự cố nhỏ vào năm 1979. Năm đó, sau khi khởi hành từ Oasinhtơn, một chiếc Concorde đã bị nổ lốp, những mảnh cao su từ lốp máy bay sau đó văng ra làm hư hại thùng chứa nhiên liệu, nhưng rất may đã không có tai nạn xảy ra. Những sự cố như vậy liên tục được lặp lại sau đó. Các chuyên gia chỉ rõ giải pháp công nghệ có thể sửa được lỗi thiết kế trên vào những năm 80 của thế kỷ trước nhưng thực tế, điểm yếu trên của chiếc máy bay Concorde đã không bao giờ được khắc phục, đồng thời cho rằng những sự cố lặp đi lặp lại nhiều lần với Concorde là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa.

Nếu như cuộc điều tra về mặt kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân tai nạn kết thúc trong vòng 18 tháng, thì cuộc điều tra về trách nhiệm hình sự trong vụ việc đã kéo dài đến 8 năm khi tháng 3 năm 2008 một công tố viên Pháp yêu cầu thẩm phán đưa ra các cáo trạng tội ngộ sát đối với hãng hàng không Mỹ. Tuy nhiên, gần 10 năm kể từ sau ngày định mệnh đó, ngày 2-2-2010, tòa án thành phố Pontoise, vùng Pari mới bắt đầu mở phiên xét xử về nghi án kinh hoàng trong lịch sử hàng không thế giới. Trên ghế bị cáo có đại diện Continental Airlines, 2 cựu kỹ sư trưởng của chương trình Concorde, 1 cựu lãnh đạo bộ phận Concorde tại Aerospatiale, nay là một phần của Công ty Hàng không vũ trụ EADS và 2 thợ máy của Continental.

Nguyên nhân của vụ tai nạn là do lỗi của bên nào, Air France hay Continental là vấn đề đang được tranh cãi gay gắt trong phiên tòa. Luật sư Ôliviơ Métnơ của Continental đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định chiếc Concorde bốc cháy 8 giây trước khi lao vào mảnh kim loại, tức là trước đó khoảng 700m. Trong khi đó, Air France, vốn không là bị cáo trong vụ này, thì phủ nhận lập luận đó. Luật sư của hãng hàng không Pháp cho rằng, Continental cần phải chịu trách nhiệm về vụ việc vì cho dù không cố ý làm sai nhưng họ cần phải chịu án phạt do đã nói dối. Quá trình tranh tụng sẽ kéo dài trong 4 tháng trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng xác định trách nhiệm trong vụ việc.

Thanh lịch và thần tốc, với tốc độ bay siêu âm trung bình Mach 2.02 (khoảng 2.140 km/h) và độ cao bay siêu âm tối đa 18.300m, siêu phi cơ Concorde do Pháp và Anh hợp tác chế tạo từng được xem là là chiếc máy bay của tương lai trước khi được đặt vào Viện Bảo tàng hàng không Pháp Bourget, tạm kết thúc những năm tháng đầy kiêu hùng của "giấc mơ siêu thanh" trên bầu trời hàng không dân dụng thế giới.

Minh Nhật