Người chắp cánh “Những ước mơ” của Bình
Văn hóa - Ngày đăng : 08:49, 07/02/2010
Nguyễn Thanh Bình, nhạc sỹ khiếm thị được vinh danh tại Bài hát Việt 2009. |
Nhìn ngón tay của anh lướt trên phím đàn một cách điêu luyện với những ngón slap điệu nghệ, hẳn ít người không thể nghĩ anh là nhạc sỹ khiếm thị bẩm sinh. Lắng nghe bài hát do Bình phối khí, người nghe lại ngạc nhiên hơn bởi anh đã nỗ lực đến ngần nào, đã đổ bao nhiêu mồ hôi để có được kết quả ngày hôm nay. Không biết bằng cách nào anh có thể mang thổi vào ca khúc sự bài bản đẳng cấp vượt lên trên hẳn những lối mòn hời hợt và dễ dãi của không ít các tác phẩm hiện đang lưu hành trên thị trường.
Lao động của Thanh Bình đã được tặng thưởng xứng đáng. Trong đêm trao giải, anh đã nhận được hai giải: Nhạc sỹ ấn tượng của ban giám khảo và nhạc sỹ triển vọng do báo Tiền Phong bình chọn. Song đằng sau giấc mơ âm nhạc của Bình còn có một ngôi sao khác từ bao nhiêu năm nay âm thầm, lặng lẽ lo lắng mọi việc cho Bình và nếu không có, hẳn Bình khó có thể có những gì hôm nay. Đó là Nguyễn Mạnh Phong anh trai của Bình. Phong kể, lần đầu dẫn em vào Nhạc viện Hà Nội thi, thấy Bình mới vào phòng thi năng khiếu đã ra ngay ngỡ là em mình trượt, hỏi em mới biết thầy đánh piano một giai điệu và yêu cầu thí sinh lặp lại giai điệu đó. Không như các thí sinh khác là làm theo, Bình lại xướng âm đúng các nốt trên phím đàn làm thầy hỏi thi ngạc nhiên. Kỳ thi đó, Bình đỗ thủ khoa môn đàn nhị, nhưng sau đó vì quá mê nhạc jazz, Bình đã bỏ học để 1 năm rưỡi sau thi lại đỗ lần thứ 2 vào khoa ghi ta. Trong suốt thời gian đó Phong thường lọ mọ đạp xe đèo em đi học thầy, học những ai biết và am hiểu nhạc jazz. Phong cũng săn tìm tài liệu, băng đĩa để Bình luyện tập. Vì bố mẹ ở tận Vân Đồn (Quảng Ninh) nên dù bận bịu học đại học nhưng Phong như người mẹ, cơm nước, giặt giũ quần áo cho em. Hằng ngày trước khi đến trường, Phong dặn các anh các chị bán hàng ngoài chợ mang thức ăn vào nhà để chiều về chỉ cắm nồi cơm điện.
Tuy nhiên việc khó khăn nhất và cũng thích thú nhất của hai anh em là công việc của phòng thu âm. Bình cho rằng nếu được chọn giải thưởng thì anh chọn giải phối khí. Bởi vì đó là ước mơ, là nghề nghiệp mà Bình dự định cho tương lai. Chọn nghề đó cũng là chấp nhận một cách nghiêm túc tính chuyên nghiệp, chấp nhận khó khăn và lại càng khó khăn hơn với một người khiếm thị như Bình. Ý thức được điều đó, Phong luôn cập nhật trên mạng những tài liệu mới nhất để Bình tuyển chọn. Bình với tư cách là nhà chuyên môn lại "chỉ đạo" Phong cài đặt, chỉnh tiếng, căn tiếng sẵn trên máy để trong thời gian Phong ở trường Bình sẽ tự mầy mò lấy. Công việc của một phòng thu hẳn là việc không dễ dàng vì bên cạnh cậu em tài năng nhưng khiếm thị thì Phong lại hoàn toàn "khiếm thị về nốt nhạc". Hơn ai hết, Phong hiểu âm nhạc có ý nghĩa lớn lao như thế nào với đối với đứa em chỉ nhìn thấy màu đen từ thuở lọt lòng. Thương em, Phong tự nhủ, mình thế nào cũng sống được nên bao nhiêu tâm sức dành hết cho em.
Năm qua đi, tháng qua đi. Bao nhiêu ngày mưa nắng cũng qua. Với sự nỗ lực của anh, sự đùm bọc yêu thương của gia đình và thầy cô, đặc biệt là sự dìu dắt của nhạc sỹ Sơn Thạch, Thanh Bình hôm nay đã là một nhạc sỹ triển vọng. Phong cũng đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa và hiện làm việc cho chính công ty gia đình. Ước mơ của hai anh em là một ngày nào đó sẽ tập hợp lại những anh em đã tốt nghiệp khoa nhạc cụ dân tộc của Học viện Âm nhạc Hà Nội (theo hai anh em trong đó có nhiều người giỏi hơn Bình) nhưng vì lý do nào đó họ có điều kiện để theo nghề và đang tẩm quất hay bấm huyệt để kiếm sống. Bình và Phong cho rằng họ cũng có cơ hội để làm chuyên môn và có quyền được hưởng ánh mặt trời như mọi người. Hy vọng mong muốn của anh em Phong sẽ thành sự thật.