Nước cờ “sang sông”
Thế giới - Ngày đăng : 07:33, 07/02/2010
Người dân Hàn Quốc theo dõi Tổng thống Barắc Ôbama thông báo tuyên bố qua truyền hình. |
Quyết định trên được đưa ra trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội cùng với bản báo cáo mật về tình hình Triều Tiên trong suốt thời gian từ tháng 6-2008 đến tháng 11-2009. Trong đó người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh: "Không đủ các yếu tố theo luật định để đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố".
Quyết định của Tổng thống Barắc Ôbama được đưa ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc và quan hệ hai miền Triều Tiên - hai đối tác chính trong tiến trình đàm phán đầy thách thức này - vừa trải qua một cuộc khẩu chiến hết sức căng thẳng sau khi CHDCND Triều Tiên "thử pháo" ở vùng nước tranh chấp trên biển. Vì thế, bước đi của Tổng thống Mỹ được xem không chỉ là tiếp tục chiến lược ngoại giao hướng tới và giành lại ảnh hưởng ở châu Á của người tiền nhiệm G.Busơ, mà còn là nước cờ "sang sông" như một cuộc "phá vây" nhằm tránh đổ vỡ trong tiến trình đàm phán sáu bên; đồng thời giành thế chủ động trong cuộc giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ loại CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách trên. Chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống G.Busơ (ngày 11-10-2008) cũng đã có hành động tương tự sau khi Bình Nhưỡng chấp thuận để các thanh sát viên của Liên hợp quốc tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này theo yêu cầu của Mỹ. Tổng thống G.Busơ khi đó hy vọng hành động như vậy có thể tháo gỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán sáu bên. Song sự thể đã không diễn ra như mong muốn khi Triều Tiên rời bàn đàm phán từ tháng
4-2009 và tiến hành thử thiết bị hạt nhân thứ 2 vào tháng sau đó. Vì thế, ngay từ khi nhậm chức (tháng 1-2009), Tổng thống Ôbama đã đặt quyết tâm thuyết phục Bình Nhưỡng sớm trở lại bàn đàm phán và quyết định trên là một trong những bước đi nhằm thực hiện quyết tâm ấy.
Song bối cảnh hiện nay đã khác so với năm 2008. Quyết định của Tổng thống Ôbama được đưa ra khi quan hệ giữa Mỹ với một số đối tác và đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á đang nổi lên những bất đồng mới. Đó là, kể từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Hatôyama đã hướng chính sách ngoại giao của Nhật Bản theo lộ trình "bình đẳng hơn với Mỹ", đặt quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vào tình thế không còn "mặn nồng" như trước. Cùng với đó, việc Nhật Bản liên tục đòi di chuyển căn cứ quân sự Phưtênma của Mỹ ở đảo Ôkinaoa (Nhật Bản) cũng đang phủ bóng đen lên mối quan hệ đồng minh gần gũi này.
Trong khi đó, quan hệ Trung - Mỹ đã bất ngờ căng thẳng sau khi Nhà Trắng "gật đầu" với hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỷ USD; đồng thời nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sau khi Tổng thống Barắc Ôbama (ngày 3-2) tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc liên quan đến các quy định thương mại và tiền tệ để bảo đảm hàng hóa Mỹ không mất lợi thế cạnh tranh... Động thái này của Mỹ được nhìn nhận sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ - Trung mà còn làm phức tạp thêm nỗ lực của Oasinhtơn khi tìm kiếm sự đồng thuận của Trung Quốc trên hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran.
Cho dù tuyên bố trên của Tổng thống Ôbama chưa thể tạo ngay một sự đột phá mới, song nó cho thấy Oasinhtơn đã phát đi tín hiệu lạc quan. Như một cử chỉ tương thích, CHDCND Triều Tiên (ngày 5-2) đã thả nhà truyền giáo người Mỹ Rôbớt Pác bị bắt giữ từ tháng 12 năm ngoái vì bị cáo buộc xâm nhập trái phép lãnh thổ Triều Tiên.
Cùng với hành động từ Oasinhtơn, quan hệ hai miền Triều Tiên vừa có dấu hiệu tích cực khi Chính phủ hai nước nhất trí tổ chức cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày mai (8-2) để nối lại các tua du lịch giữa hai miền. Dư luận đang hy vọng những tín hiệu lạc quan trong quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đi đúng hướng.