Giáo dục chuyên nghiệp: Cần sự đột phá

Giáo dục - Ngày đăng : 08:38, 06/02/2010

(HNM) -


Nhiều bất cập



Hiện TP có 41 trường, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, trong đó có 10 trường đại học, cao đẳng và 31 trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mạng lưới các trường tập trung ở những quận nội thành và ven nội thành, còn các khu kinh tế trọng điểm, khu dân cư mới, khu công nghiệp phát triển chưa có trường để đáp ứng cho việc đào tạo nhân lực tại chỗ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục chuyên nghiệp (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục chuyên nghiệp của TP còn quá yếu. Ông Cường cho rằng, trong năm học 2008-2009 vừa qua, các trường công lập đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, trong đó chỉ có gần 11 tỷ đồng dành cho sửa chữa, xây dựng nên rất khó đem lại một môi trường giáo dục toàn diện; 29 tỷ đồng còn lại dành cho trang thiết bị là quá khiêm tốn, bởi chỉ xét ở lĩnh vực cơ khí - lĩnh vực mà TP chọn là mũi nhọn thì một chiếc máy gia công công nghệ cao đã có giá hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể chất lượng đội ngũ giáo viên ở các trường, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp còn thiếu và yếu, chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa cao, nhất là giảng dạy thực hành, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp.

Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật dạy và học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thì liên tục trong những năm gần đây nhiều trường được nâng cấp thành cao đẳng, đại học. Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP cho rằng, xu thế "đại học hóa" như hiện nay của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp chỉ là chạy theo phong trào để "đánh bóng", quảng bá thương hiệu theo các mục tiêu thương mại hóa giáo dục, chứ chưa tính đến tác động xã hội, hệ quả pháp lý. Chính việc "nâng cấp thương hiệu" của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp khiến nhiều sinh viên, học sinh ra trường không đủ trình độ làm việc, "bằng cấp thì là thầy" nhưng không đủ "trình độ thợ" nên phải đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu công việc.

Cần đổi mới quản lý

Mỗi năm TP có khoảng 67 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS và 55 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT. Theo mục tiêu của ngành giáo dục TP đề ra, đến năm 2010 và 2020 phấn đấu đạt khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp và 60% học sinh tốt nghiệp THPT vào trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa của TP. Để làm được điều này, ông Phạm Đức Khiêm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm kiến nghị, các trường trung cấp chuyên nghiệp cần được tạo 3 điều kiện, đó là: Phát triển đa dạng hóa các loại trường chuyên nghiệp, trường trung học phổ thông - kỹ thuật, tập trung đào tạo phát triển về cơ sở vật chất; điều chỉnh, phân luồng học sinh ở cấp THCS để giảm tải vào các trường THPT; xây dựng các cấp bậc học chính sách liên thông trong hệ thống giáo dục.

Có một thực tế về công tác giáo dục chuyên nghiệp ở TP hiện nay là các trường chưa xây dựng được cơ chế tự chủ. Việc trao quyền tự chủ đầy đủ theo hình thức khoán trọn gói sẽ giúp các trường, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp chủ động thực hiện các chương trình khung mềm dẻo, thích ứng nhanh với môi trường bên ngoài, kích thích người học phát huy những kiến thức thực tiễn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục TP cần chủ động đột phá trong việc đổi mới quản lý giáo viên và học sinh. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) gợi ý: TP có thể đề xuất với Chính phủ để thống nhất quản lý giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn như một trong các giải pháp quản lý. Trong trường hợp chưa giải quyết được, 2 sở: GD-ĐT và LĐ-TB&XH cần hợp tác chặt chẽ để triển khai xây dựng quy hoạch nhân lực và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nhà nước, phân công trách nhiệm và hợp tác để phát huy sức mạnh tổng hợp của TP.

Văn Quang