Nền móng xây dựng nông thôn mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:30, 05/02/2010
Từ kinh nghiệm ở Thanh Trì
Đường đê xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) đã được bê tông hóa. Ảnh: Bảo Lâm
Ông Nguyễn Huy Toàn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện cho biết: Từ giữa năm 2006, Thanh Trì đã triển khai công tác QH ĐDCNT, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với đặc điểm là vùng nông thôn ven đô, công tác QH của huyện phải tính toán theo những đặc thù riêng. Bên cạnh khu vực sản xuất nông nghiệp, QH còn phải tính đến các khu vực dành cho đô thị, vui chơi giải trí, phát triển thương mại, dịch vụ... Hơn nữa, khi xây dựng xong một đồ án, quá trình xin ý kiến góp ý của các ngành chức năng cũng mất rất nhiều thời gian... Mặc dù vừa thực hiện, vừa tìm "lối đi" phù hợp nhưng sau hơn ba năm triển khai, đến nay Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành QH ĐDCNT với tổng số 14 QH (có một xã lớn chia làm 2 QH) tại 12/15 xã, thị trấn (còn 3 xã vùng bãi Vạn Phúc, Duyên Hà, Yên Mỹ chờ QH thoát lũ của TP). Từ khi có QH ĐDCNT, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu như năm 2006, giá trị xây dựng cơ bản của huyện chưa đạt 100 tỷ đồng thì đến năm 2007 đã đạt trên 100 tỷ đồng và đến 2009 đạt trên 400 tỷ đồng.
Tại xã Đại Áng, một trong những xã điển hình QH ĐDCNT, ngay sau khi được BCÐ chương trình xây dựng NTM Hà Nội chọn làm điểm xây dựng NTM (tháng 11-2009), xã đã áp dụng ngay QH ĐDCNT, rút ngắn thời gian xây dựng QH. Đối chiếu kết quả khảo sát về hạ tầng kinh tế - xã hội của xã với 19 tiêu chí xây dựng NTM, có thể thấy công tác QH và thực hiện QH trên địa bàn xã đã cơ bản đạt yêu cầu, bao gồm QH sử dụng đất, QH ĐDCNT, QH phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, QH điện lực... QH đã tạo điều kiện để những năm qua, Đại Áng đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, các công trình mới được đầu tư như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, đường giao thông. Đến nay, Đại Áng đã có 8/19 tiêu chí về NTM cơ bản đạt yêu cầu, xã đang tích cực hoàn thiện đề án về xây dựng NTM để có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, làm mô hình để huyện nhân ra diện rộng.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc cho rằng: QH ĐDCNT không những giúp Thanh Trì tạo dựng các khu dân cư với hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn mà còn tạo cơ sở pháp lý để UBND các xã quản lý xây dựng đất đai. Đặc biệt, việc hoàn thiện công tác QH ĐDCNT tạo tiền đề để các xã, thị trấn đẩy nhanh xây dựng NTM; hạn chế sự tùy tiện, chắp vá, giữ gìn và phát huy các không gian kiến trúc truyền thống vốn có của nông thôn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về NTM trong thời kỳ CNH, HĐH.
Lấy QH làm điểm khởi đầu
Theo 19 tiêu chí về xây dựng NTM thì QH chiếm vị trí hết sức quan trọng, QH ĐDCNT phải đi trước một bước bởi nếu không có QH thì các khâu khác dù có nhanh mấy cũng sẽ không thực hiện được. Mặc dù QH ĐDCNT mang lại rất nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, song việc QH ĐDCNT trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung hiện vẫn còn rất hạn chế. Thống kê mới đây của ngành xây dựng cho thấy, cả nước mới có 23,8% số xã có QH nông thôn. Tuy nhiên, các QH chủ yếu tập trung vào khu vực trung tâm xã, các ÐDCNT tập trung có QH còn thấp, chất lượng đồ án xây dựng nhìn chung còn yếu, tính khả thi chưa cao... Cũng theo ông Triệu Đình Phúc, để hoàn thành một QH ĐDCNT như Thanh Trì, chi phí hết khoảng 500 triệu đồng, vì vậy để triển khai trên diện rộng cần một lượng vốn lớn, TP cần có cơ chế xác định rõ nguồn kinh phí triển khai lấy ở đâu? Các quy trình cũng như tiêu chí QH như thế nào cũng cần được các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở tích cực hơn.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương triển khai công tác lập QH xây dựng nông thôn giai đoạn 2009-2015 và có thông tư hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QH xây dựng nông thôn. Theo đó, các đồ án QH xây dựng nông thôn cấp xã phải thể hiện được các nội dung: QH sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất hàng hóa, CN-TTCN-DV; QH phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; QH phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa, phù hợp với tổ chức không gian, yêu cầu kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất của từng vùng kinh tế, sinh thái và dân tộc; trong đó QH hạ tầng kinh tế - xã hội phải gắn kết với QH vùng, huyện, tỉnh và ngành.
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM, trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 70% số xã đạt tiêu chí thì vấn đề QH nông thôn cần phải được các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa.