Cú “tăng tốc” nguy hiểm
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:30, 05/02/2010
Dự trù ngân sách quốc phòng Mỹ tăng đột biến đã phát một tín hiệu rõ ràng rằng: chủ thuyết quân sự của Oasinhtơn đang thay đổi. Nó như một bí mật mà Tổng thống Barắc Ôbama vừa tiết lộ sau hơn 1 năm cầm quyền với khẩu hiệu đổi thay nước Mỹ. Ngân lượng khổng lồ này được giới quân sự Mỹ lý giải, để đối phó hiệu quả với bất cứ cuộc tranh chấp nào trong tương lai.
Như vậy, ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính của nước Mỹ vừa thoát đáy, Nhà Trắng đã dự chi một khoản lớn cho cuộc chiến còn chưa rõ bóng hình. Với tỷ lệ thất nghiệp trên 10% và thâm hụt ngân sách đến 1.400 tỷ USD trong năm 2009, cú "tăng tốc" bất ngờ cho ngân sách quốc phòng của Tổng thống B. Ôbama được dư luận Bắc Mỹ và thế giới nhìn nhận là nguy hiểm. Nguy hiểm là bởi lẽ: dự trù ngân sách nêu trên sẽ đặt nước Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát cao. Đây là nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư trên thế giới với nền kinh tế hàng đầu toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm là dự thảo tài khóa 2011, người đứng đầu nước Mỹ đã không do dự chi cho quốc phòng bất chấp nguy cơ thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng phình lớn. Thật ra điều này đã được dự báo vì ngay cả khi nước Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, thì ngân sách quốc phòng năm 2010 vẫn tăng tới 30 tỷ USD so với ngân sách năm 2009 và lớn hơn tổng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới gộp lại. Thế nhưng, đẩy "thực đơn" quốc phòng lên mức kỷ lục như hiện nay thì ít người hình dung được. Theo Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), tính cả yếu tố trượt giá thì ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2011 cao hơn 33% so với ngân sách quốc phòng Mỹ năm nóng nhất trong chiến tranh Việt Nam, cao hơn 64% so với ngân sách trung bình hằng năm của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Bỏ qua chi phí cho chiến trường Ápganixtan và Irắc, ngân sách quân sự Mỹ vẫn "khủng khiếp nhất thế giới" (515 tỷ USD), gấp 5 lần Trung Quốc và 10 lần Nga.
Một câu hỏi đặt ra là Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự để làm gì, trong khi xu thế thế giới hiện nay đang ngày càng hòa dịu hơn?
Những năm gần đây, các nước lớn đều có xu hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự và tăng cường sức mạnh ngoại giao để giải quyết các điểm nóng quốc tế. Gần đây nhất là vấn đề hạt nhân Iran cũng như trên bán đảo Triều Tiên, bản thân Tổng thống B. Ôbama cũng đã theo đuổi lập trường mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm.
Thêm vào đó, ngày nay Mỹ đâu có phải đối mặt với những thách thức an ninh một cách giả tưởng như dưới thời chiến tranh lạnh. Quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga dẫu không êm ả nhưng cũng chưa tới mức đối đầu, chẳng có nguy cơ chiến tranh. Trong khi hiện Oasinhtơn vẫn được xem là đồng minh của các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới.
Cùng lúc, chủ nghĩa khủng bố dù với Al-Qaeda là tâm điểm, nhưng nó không hẳn là nguy cơ sống còn với Oasinhtơn. Lực lượng này không có tên lửa xuyên lục địa và những sư đoàn thiện chiến. Lịch sử đã chỉ ra rằng, chỉ lực lượng quân sự truyền thống mới là cách đối phó tốt nhất với khủng bố chứ không phải những chiến hạm, tên lửa hay vũ khí hạt nhân...
Như vậy, ngay cả khi chính quyền Ôbama cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân và hướng đến ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START-2) với Nga thì sự chuyển hướng của Oasinhtơn trong chiến lược quốc phòng qua dự trù ngân sách kỷ lục nêu trên một lần nữa khẳng định: chính sách cành ôliu và cây gậy hòng kiểm soát thế giới với vai trò siêu cường số một của Mỹ chưa bao giờ thay đổi. Nó càng tỏ rõ, Oasinhtơn chưa bao giờ từ bỏ sức mạnh quân sự như một công cụ chính trị quan trọng nhất với tham vọng áp đặt giá trị Mỹ ra bên ngoài lãnh thổ.
Ngoài cuộc chiến "tài chính", nước Mỹ đang ở trung tâm của 3 cuộc chiến thật sự là: Ápganixtan, Irắc và chống khủng bố. Tất cả đều cho thấy sức mạnh quân sự chưa bao giờ là một giải pháp hữu hiệu cho dù nước Mỹ có sức mạnh vượt trội. Dù còn phải bàn cãi tại Quốc hội, nhưng cú "tăng tốc" nguy hiểm của Nhà Trắng với chi phí cho quốc phòng đến 708 tỷ USD đang không chỉ đẩy nước Mỹ đến trước một bế tắc mới mà có thể sẽ đưa thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang vô tiền khoáng hậu.