Thiếu cân, nhập nhèm nhãn hiệu
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 05/02/2010
Vi phạm ngày càng tinh vi
Người dân cần chú ý xem kỹ chất lượng, nhãn hàng hóa khi mua hàng.
Ảnh: Đàm Duy
Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KHCN cho biết, đợt thanh tra nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu trí tuệ. Sở KHCN các địa phương đã kiểm tra 3.131 cơ sở kinh doanh HĐGS trên toàn quốc, trung bình mỗi địa phương 51 cơ sở. Kết quả thanh tra cho thấy, có đến 778 cơ sở vi phạm, chiếm 24,8% cơ sở được thanh tra. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ cơ sở vi phạm cao như Bạc Liêu (88,9%), TP Hồ Chí Minh (87,5%), Gia Lai (74,3%), Nam Định (50,2%)... Ngoài việc bị xử phạt với tổng số tiền 1.776 triệu đồng, các cơ sở còn bị buộc loại bỏ yếu tố vi phạm hoặc tiêu hủy sản phẩm vi phạm.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, các vi phạm về nhãn hàng hóa, cân thiếu diễn ra khá phổ biến. Trong số 778 cơ sở vi phạm, có đến 431 đơn vị vi phạm về nhãn hàng hóa, với các lỗi chủ yếu là bán hàng hóa không có nhãn, có nhãn nhưng bị rách nát, bị mờ, bị che lấp, sửa chữa, tẩy xóa hoặc đọc không hết nội dung trên nhãn. Với các sản phẩm nhập khẩu, các vi phạm thường là không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có nhãn nhưng kích thước nhỏ hơn nhãn bằng tiếng nước ngoài. Các đoàn thanh tra cũng phát hiện và xử lý 390 hành vi vi phạm về đo lường, chiếm 38,5%.
Đặc biệt, tình trạng làm hàng giả nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến với 37 trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái bị phát hiện và xử lý trong đợt này. Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, tốc độ làm hàng giả, hàng nhái hiện nhanh hơn trước rất nhiều. Trước đây phải mất khoảng 8 tháng để làm giả sản phẩm, nhưng hiện nay chỉ sau khoảng 1 tháng đã có hàng nhái.
Nhiều bất cập trong quản lý
Theo nhận định của các chuyên gia, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, song đến nay, việc áp dụng triển khai vẫn chưa đồng bộ ở một số ngành, dẫn đến những chồng chéo trong công tác quản lý. Luật quy định, chỉ có Bộ KHCN mới có chức năng cấp quyền về nhãn, mác nhưng đã có cơ quan khác ngành ngang nhiên đóng dấu lên một số mẫu nhãn hàng hóa, mà không soát xét nội dung, hình thức, dẫn đến cơ sở hiểu lầm là nhãn đã được duyệt, cứ thế cho lưu thông. Nhiều vấn đề bất cập khác trong quản lý HĐGS đã bộc lộ khiến các đơn vị chức năng lúng túng khi thi hành nhiệm vụ.
Ông Trần Quý Giầu, Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng) cho biết, các văn bản pháp quy hiện có về HĐGS trong chừng mực nào đó ở mức "nguyên tắc", thiếu quy định cụ thể về quản lý cũng như kỹ thuật cần thiết. Ngoài ra, tình trạng thiếu sự phân công, phân nhiệm về thẩm quyền kiểm tra cũng đã "bó chân" các lực lượng chức năng.
Ông Trần Minh Dũng bổ sung thêm: "Một số hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... vi phạm về nhãn hàng hóa sẽ xử phạt theo quy định tại Điều 23 hoặc khoản 3 Điều 2 của Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 5-6-2009 "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa". Theo quy định này, biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa". Quy định như vậy là không triệt để vì đa phần ngày sản xuất của lô hàng về cơ bản không xác định được. Những hàng hóa này rất cần thiết phải được tiêu hủy".
Việc kiểm tra đo lường đối với một số cơ sở kinh doanh khí đốt, khí hóa lỏng (gas) cũng gặp nhiều trở ngại. Đơn cử, bình gas mang nhãn hiệu ELF có ghi tổng khối lượng cả gas và bình, khối lượng gas nhưng không ghi khối lượng bình. Cách ghi này khiến thanh tra KHCN rất khó khăn khi xác định sai phạm. "Đề nghị Bộ KHCN sớm có quy định về ghi trọng lượng bình trên bình gas để cơ quan quản lý có thể kiểm tra được lượng gas thực của bình" - ông Trần Minh Dũng nhấn mạnh.
Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 đang đến rất gần cũng là thời điểm các loại HĐGS giả mạo, kém chất lượng, cân - đong thiếu có nguy cơ bùng phát. Trong điều kiện công tác quản lý còn nhiều "vấn đề" như trên thì người tiêu dùng chỉ còn cách chú ý đến xuất xứ hàng hóa, nhãn mác rõ ràng, địa chỉ cơ sở sản xuất... để tránh tình trạng tiền mất lại mua bực vào mình.