Phim ngắn tháng 2 với “Những góc nhìn trẻ”
Văn hóa - Ngày đăng : 13:41, 04/02/2010
(HNMO)- Cuộc sống được nối liền bằng rất nhiều thử thách cho mỗi đời người. Có lẽ vì thế, người trẻ đón đợi những trải nghiệm để trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Chùm phim ngắn tháng 2 gồm bốn phim tài liệu cùng vệt đề tài kể về những ấn tượng lướt qua trong đời sống sôi động của giới trẻ hôm nay.
Đó là chuyến đi đến với những bản làng nơi biên giới xa xôi để ghi lại nhịp sống rất riêng của người dân nơi đây (Nơi biên giới mù sương); là cảm xúc lắng đọng với thành phố nghìn năm tuổi của những cô gái trẻ (Hà Nội một góc nhìn); là không gian khoáng đạt, mạnh mẽ của những người lính tự vệ đang ngày đêm giữ chốt nơi biển cả (Những người canh giữ đảo yến); là một cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa cậu con trai và người mẹ mù sau mười bốn năm xa cách (Một cuộc trùng phùng). Những trải nghiệm này mang những sắc màu khác nhau, với những cung bậc cảm xúc khác nhau song đều có điểm chung: cái nhìn đầy thiết tha và tin yêu vào cuộc sống.
“Nơi biên giới mù sương” nói về một cô gái trẻ trải qua hành trình dài đến với vùng đất biên giới thuộc xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại nơi thung lũng hoang vắng này, cô gái trẻ đã khám khá những gì phía sau một cuộc sống bình lặng, thiếu thốn đến khắc nghiệt. Người già mặc không đủ ấm, trẻ con ăn không đủ no, các em nhỏ đến tuổi đi học không có điều kiện tới trường…, cuộc sống của người dân ở bản Cháo và bản Ho gần như tách biệt với thế giới xung quanh do địa hình hiểm trở. Thêm vào đó, những phong tục, tập quán lạc hậu khiến cuộc sống của họ đã nghèo càng thêm khó khăn hơn. Thế nhưng, cũng chính trong thung lũng hoang vắng này, cô gái trẻ đã nhận ra nét đẹp qua tình cảm cộng đồng gắn bó, che chở, bao bọc lẫn nhau. Và cho dù cuộc sống có khó khăn, vẫn có những người dân như ông Vi Văn Dong cần mẫn băng rừng, lội suối, đi cả ngày trời để phối hợp cùng các chiến sĩ biên phòng đồn 495 kiểm tra đường biên cột mốc biên giới…
Phim phát sóng 21h ngày
“Hà Nội một góc nhìn” như những lát cắt ngang trong câu chuyện của cô gái trẻ Mai Linh, tốt nghiệp trường Cao đẳng múa Việt Nam, bộ phim là một chùm chuyện nhỏ về Hà Nội. Đó là một Hà Nội không yên tĩnh của những phiên chợ đêm náo nhiệt tấp nập kẻ bán, người mua. Đó là những hương hoa nồng nàn trên phố. Đó là không gian mơ mộng mà căng đầy sức sống mới của Hồ Tây hôm nay. Đó là tình cảm dành cho dòng sông với không gian êm đềm nơi Bãi Giữa… Qua những góc nhìn ấy, một Hà Nội trẻ trung, duyên dáng hiện ra, như một lời nhắc nhớ về tình yêu không tuổi dành cho thành phố nghìn tuổi này.
Phim phát sóng 20h45 ngày
“Những người canh giữ đảo Yến” nói về vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa được bao người biết đến với những bãi biển trải dài cùng nhiều hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, tạo nên nét thi vị hiếm có. Nơi đây đã làm đắm say bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ cùng rất nhiều du khách từng đặt chân đến vùng đất này. Song ít ai biết đến những công việc lặng thầm của các công nhân tự vệ tại các đảo yến.
Những người lính gác đảo chấp nhận thử thách khốc liệt của thiên nhiên với các chốt gác trên đầu sóng, ngọn gió gần nơi loài yến xây tổ. Những chòi gác chênh vênh trên đỉnh núi, thi gan cùng sóng to, gió lớn, ngày nắng cũng như mưa. Có những lúc sóng to, gió lớn thổi tung cả chòi. Có thời gian cao điểm, mọi người phải dầm mình trong sóng, đu mình trên những vách đá để theo dõi sự phát triển của đàn yến.
Là những người luôn đứng trước đảo yến, các chiến sĩ tự vệ cần rèn luyện lập trường kiên định. Mỗi người một hang, bảo vệ tài sản hàng trăm triệu đồng, làm sao để giữ gìn như tài sản của chính mình nhưng không được đụng đến. Họ lại phải sống xa nhà, nhiều khi sóng quá lớn, tàu ra tới nơi nhưng không tiếp tế cũng như không thay người được… Tuy vậy, đến với công việc nhọc nhằn này, mọi người đều tìm thấy những niềm vui riêng trong công việc gìn giữ đảo yến ngoài khơi xa.
Phim phát sóng 21h ngày 21/2/2010 trên VTV6.
“Một cuộc trùng phùng” là bộ phim tái hiện cuộc trùng phùng kỳ lạ diễn ra năm 2007. Hai mẹ con xa cách nhau đã mười bốn năm ròng. Đứa con trai năm tuổi đã bị người cha đưa đi xa trong khi người vợ mù đang ở cữ với hai đứa con gái sinh đôi. Năm tháng qua đi, cậu con trai Bảo Châu từng nghĩ mình mất mẹ đã quay về tìm mẹ. Cậu bé dành dụm những món tiền ít ỏi từ công việc đánh giày đi tìm mẹ ở Tây Ninh, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm tháng tìm mẹ, Bảo Châu luôn hi vọng mình sẽ tìm được mẹ. Với những thông tin ít ỏi: mẹ tên là Mỹ, bị mù, bán vé số - cuối cùng, cậu con trai đã gặp được mẹ mình… Cuộc trùng phùng của tình mẫu tử đã mang những trái tim về lại gần nhau, biết sống vì nhau và vì những ước mơ gặp lại.