Động thổ xây dựng một loạt gói thầu thuộc Dự án quốc lộ 3 mới
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 04/02/2010
Dự án giao thông đặc biệt quan trọng
Mô hình tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Dự án xây dựng quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên là dự án đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020. Quốc lộ 3 hiện nay đã quá tải, không đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH khu vực giàu truyền thống cách mạng với An toàn khu Định Hóa, vùng văn hóa Kinh Bắc trong thời gian tới. Với những ý nghĩa đó, thời gian qua, cả 3 địa phương có tuyến đi qua đã nỗ lực hợp tác với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao đúng tiến độ, phục vụ thi công.
Quốc lộ 3 mới được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm cho xe chạy với tốc độ 100km/h. Toàn tuyến dài 61,3km bắt đầu tại xã Ninh Hiệp (km 152+400 quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Gia Lâm) đi trùng đường Vành đai 3 Hà Nội đến km 7+800 rẽ theo hướng Bắc qua Đông Anh, Sóc Sơn sang huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vào Thái Nguyên và kết thúc tại điểm nối với đầu tuyến tránh thành phố Thái Nguyên.
Gói thầu PK1-A (Gia Lâm - Đông Anh) dài 7km, có tổng giá trị gần 900 tỷ đồng do liên danh Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) thi công. Gói thầu PK1-B (đoạn Đông Anh - Yên Phong (Bắc Giang) dài gần 11km do liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thi công trị giá hơn 1.200 tỷ đồng. Gói thầu PK1-C dài hơn 9km do liên danh Cienco1-TLG-Cienco8 thi công trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công 3 gói thầu trên là 42 tháng. Được biết, đoạn trong địa phận Hà Nội (Gia Lâm - Sóc Sơn) gồm 4 làn xe cơ giới (mỗi làn rộng 3,5m), 2 làn dừng xe khẩn cấp (mỗi làn rộng 3m), dải phân cách giữa rộng 10,5m.
Sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng
GPMB luôn là nỗi lo thường trực khi thực hiện các dự án giao thông. Dự án quốc lộ 3 mới cũng vậy. Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay, các địa phương có đường đi qua mới bàn giao được khoảng 70% mặt bằng các gói thầu. Tại Hà Nội cũng còn một số vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cụ thể, huyện Gia Lâm còn vướng 45 hộ dân ở xã Ninh Hiệp, tại Đông Anh còn 12 hộ ở xã Dục Tú. Địa phương đang lập phương án tái định cư, nhưng phải chờ nguồn vốn đầu tư tái định cư. Tại địa phận Bắc Ninh, khu vực qua thị xã Từ Sơn, tình hình còn khó khăn hơn khi phương án đền bù GPMB vẫn chưa được phê duyệt. Ngoài những vấn đề cụ thể, việc vận dụng chính sách thống nhất và bổ sung kinh phí phục vụ GPMB đang là vấn đề được các cơ quan chức năng gấp rút tìm biện pháp giải quyết.
Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Biền khẳng định, thành phố sẽ tích cực đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao cho chủ đầu tư.