Mạch nguồn non Tản

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:43, 04/02/2010

(HNM) - Ngồi nhâm nhi cốc chè tươi Ba Trại nhìn ra khung trời xuân, mưa bụi giăng giăng khắp ngả. Núi Tản Viên choàng chiếc khăn voan trắng tinh, trên đỉnh cao bồng bềnh mây bay. Thoai thoải dưới chân và trải dài mênh mông khắp rẻo đất dưới chân núi Tản là bạt ngàn màu xanh của cây trái...

Thu hái chè tại xã Ba Trại.


Chợt nhớ câu nói hóm hỉnh và đầy ý nghĩa của Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại Bùi Huy Giáp: Huyện Ba Vì đã có hai thương hiệu được thừa nhận: “Sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm” của Tản Lĩnh và chè sạch của Ba Trại. Nhờ vào chất đất và mạch nguồn núi Tản Viên đấy ạ!

Ừ nhỉ! Khắp cả vùng “non Tản, Đà giang” này được xem là miền quê nhuốm màu huyền thoại về Sơn Tinh - Thủy Tinh. Thì đây, trận thủy chiến từ thuở hồng hoang dựng nước của cha ông đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, cho đến nay người ta vẫn hình dung ra dấu vết Sơn Tinh quảy núi, ngăn sông: Sự tích Thần núi Sơn Tinh cắm chông trà ở bãi Đá Chông (thuộc địa bàn Ba Trại), thả rào chăng lưới ở vùng suối Cái (Minh Quang), rồi cho quân gieo hạt thành rừng ở U Bò (Tản Lĩnh), lao gỗ đá từ trên núi xuống khiến đội quân Thủy thần phải tháo chạy thành 16 ngả ở vùng đầm Đượng (thuộc Thụy An- Ba Vì và Xuân Sơn - Sơn Tây). Trên bãi chiến trường xưa cũng còn rõ vết binh tàn, tướng bại của Thủy Tinh ở vùng ghềnh Bợ trên quãng sông Đà chảy xiết nhất, nơi đây đã lưu truyền câu ca “Muốn vượt sông Đà chớ qua ghềnh Bợ” (ghềnh Bợ chảy qua địa phận xã Khê Thượng, trận lũ lịch sử năm 1971 đã làm vỡ đoạn đê ở đây); rồi Rùa, Cá Sấu (ở Vân Sơn, Vân Hòa), Rắn và Giải (ở Phụ Khang, Sơn Tây); cả chuyện về đức thánh Tản Viên như một nông dân kéo vó bên sông Tích, ăn gỏi cá ở đầm Bằng Tạ, cùng đi săn với ông già Cẩm Đái (xã Cẩm Lĩnh)… Tất cả vẫn được dân gian lưu truyền kể lại, như giải thích về những tên vùng, miền hay thôn xóm quanh chân núi Tản này.

Hẳn thế, nên bây giờ mới có Ao Vua, có đồi Đá Chông, núi Chẹ, có đầm Bằng Tạ - địa danh gắn với các khu di tích văn hóa, du lịch, tâm linh đặc sắc quyến luyến bước chân du khách mỗi lần tìm đến núi Tản sông Đà?

2. Ở Tản Lĩnh, người ta vẫn kể lại truyền thuyết, rằng Sơn Tinh đem quân đi đánh đuổi giặc, gấp gáp đến nỗi nấu cơm chưa kịp chín đã phải cho quân ăn cơm sống. Tưởng nhớ tiền nhân, cứ đến ngày lễ hội, trong mâm cỗ cúng bao giờ cũng có đĩa xôi tráng một lớp mật, trên rắc những hạt gạo sống tượng trưng cho nồi cơm chưa chín năm xưa…

Còn hôm nay, mỗi lần đi trên những triền đồi mênh mông của vùng bán sơn địa, lại nhớ dân gian kể, đất này do Sơn Tinh rải mà thành; ngắm cánh rừng quanh ngọn U Bò chợt hình dung ra hạt mây Sơn Tinh rắc xuống. Trí tưởng tượng của con người quả thật phong phú vô cùng, nhưng thật có lý trong thời hiện tại. Nằm cạnh đường QL88 ngược sông Đà tới Khu Di tích lịch sử Đá Chông, rẽ phải về Ao Vua, rẽ trái sang Ba Trại, xã Tản Lĩnh có ưu thế cả về kinh tế du lịch và kinh tế trang trại, đặc biệt là phát triển đàn gia súc, gia cầm, hiệu quả kinh tế cao. Vào mùa trái chín, những mảnh vườn dưới chân núi Tản rực rỡ màu vàng của cam, của vải, màu sậm của nhãn, hồng xiêm, đem lại sự giàu...

Ông Phùng Khắc Nhu, một cán bộ quân đội nghỉ hưu, nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tản Lĩnh, nhưng ông còn nổi tiếng là người nuôi bò sữa giỏi nhất ở vùng Ba Vì. Tôi ngạc nhiên khi nghe ông kể:

- Cả xã Tản Lĩnh mỗi ngày cho ra thị trường hơn chục tấn sữa bò tươi; riêng trang trại của gia đình tôi có 9 (trong tổng số 11 con bò đang cho vắt sữa) mỗi ngày được hơn 200kg sữa. Vào thời điểm hiện nay, giá mỗi kilôgam sữa khoảng 9.000đ; trừ chi phí, mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 25 triệu đồng.

- Vậy Tản Lĩnh là xã triệu phú rồi! Tôi thốt lên.

Ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi tươi cười, khoe thêm: Hộ nuôi bò sữa ở các thôn Tam Mỹ, Đức Thịnh, Hát Giang bình quân thu trên dưới 15 triệu đồng/tháng. Thuận lợi cho các hộ dân ở đây là trên địa bàn xã có Công ty Sữa Quốc tế Ba Vì khuyến khích các hộ chăn nuôi bò bằng cách cho vay vốn không lấy lãi và còn đến tận các hộ để ký hợp đồng thu mua sữa tươi.

Phó Chủ tịch HĐND xã Kiều Văn Cường cho biết, vì “thoáng” cơ chế nên ngày càng có thêm nhiều hộ vay vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây cảnh, rau sạch; ngoài ra còn xuất hiện nhiều mô hình dịch vụ buôn bán hàng hóa phục vụ cho khách du lịch quanh vùng. Đi lên bằng thế chân kiềng, kinh tế của Tản Lĩnh phát triển vững chắc. Rồi anh liệt kê hàng loạt hộ ăn nên làm ra trong xã, toàn là những ông chủ trẻ biết nhìn xa trông rộng, như chủ trang trại Phùng Anh Tuấn, chủ Công ty Lộc Hà (trong đó có Bí thư đoàn xã chung vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng) giải quyết việc làm cho 12 lao động…

Trong câu chuyện cuối năm giữa Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Bùi Quốc Minh với người phụ trách tài chính - kế toán của Công ty Sữa Quốc tế - anh Tạ Duy Dung được biết, chỉ vài ba tháng nữa, ngay trên địa bàn thôn Đức Thịnh sẽ có nhà máy chế biến sữa đi vào hoạt động với công suất trên 20 triệu lít/năm. Hơn bảy chục lao động của Tản Lĩnh và các xã xung quanh - những người đã nắm kỹ thuật cơ bản về quy trình sản xuất sữa, sẽ trở thành lao động chính của công ty.

Thế đấy, mảnh đất có ngọn U Bò, có mênh mông đồng cỏ do Sơn Tinh vãi đất mà thành, giờ đây là mảnh đất cho vàng, cho bạc, cho dòng sữa ngọt ngào bởi sự cần mẫn của người nông dân và bởi mạch nguồn Tản Viên đã tắm tưới mà nên.

Chăm sóc đàn bò sữa tại Ba Vì. Ảnh: Thái Hiền


3. “Muốn uống chè ngon mời về Ba Trại. Ai tinh vi hơn tự tìm Đô Trám”.

Lời quảng cáo hay như thơ của Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần khiến tôi bằng mọi cách phải tìm về. Đây là một trong 7 xã miền núi huyện Ba Vì hàng chục năm qua được ghi nhận là địa phương duy trì tốt phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm bền bỉ phấn đấu, Ba Trại đã có 5 làng văn hóa, 9/9 làng nghề gồm 2.300/2.700 hộ tham gia trồng và chế biến chè, thu nhập từ cây “giàu” này chiếm gần 70% tổng thu của các hộ dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Bạch Hồng Nam cho biết, với sản lượng gần 4.000 tấn chè búp tươi mỗi năm đã đem lại thu nhập trên 6 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ năng động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy lợi thế kinh tế vườn, cải tạo vườn tạp, đặc biệt là chuyển hướng mạnh sang chăm sóc cây chè vụ đông cho giá trị thu nhập cao. Mặt bằng về kinh tế ở Ba Trại đồng đều hơn so với các xã khác ở khu vực miền núi huyện, chính là vì có thu nhập thường xuyên từ cây ăn quả và chè.

Có một thời kỳ dài, người dân Ba Trại bán chè cho doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Nhưng, trong khi càng ngày giá càng tăng mà sự thay đổi đơn giá của doanh nghiệp thường chậm hơn thị trường nên dần dần, họ không bán cho doanh nghiệp nữa mà tự sản, tự tiêu, sắm sanh đầy đủ dụng cụ như mô tơ điện, máy xao, máy vò chè để sản xuất chế biến và tiêu thụ chè. Hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm ở Ba Trại không ít.

Bạch Hồng Nam phóng xe máy, luồn lách qua các vườn chè và dừng lại ở thôn Đô Trám. Anh nói rằng để đến được khắp 9 thôn trong xã, đi xe máy hai ngày vẫn không hết đường, mà đường đến các thôn đều là đường đất vòng vèo, hẹp, gập ghềnh; trời nắng còn dễ đi, mưa xuống vừa trơn, vừa bẩn. “Xã mà có đường bê tông rồi thì mới gọi là sướng, dân đỡ phải đẩy xe thồ hoặc gánh bộ bươn bải mấy kilômét đường, mà khách đến thu mua cũng bớt ngại. Gần 45km đường liên thôn, liên xóm (chưa kể đường ngõ) ở Ba Trại là đường đất tuốt” - Nam cho biết như vậy.

Cùng với thủy lợi, đường giao thông nông thôn của xã miền núi này đang còn là vấn đề nan giải khi chưa được đầu tư nâng cấp. Nhiều hộ dân đã bỏ ra hàng chục triệu đồng làm giếng khoan nhưng giếng có nước, giếng không; nước sinh hoạt còn khó khăn chưa nói tới nước dùng cho chăn nuôi, tưới chè. Để bảo đảm nước tưới cho trên 450ha chè, Ba Trại cần khoảng 50 giếng, mỗi giếng chi phí 40-50 triệu đồng nhưng chưa có giếng nào ở Ba Trại đáp ứng được yêu cầu này. Trong dự án phát triển vùng chè, xã Ba Trại đề nghị nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông và nâng cấp hồ, đập, tăng lưu lượng nước và quan tâm tới thủy lợi nhỏ, hệ thống mương, bai, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất. Nhưng đến nay, ngoại trừ ngân sách xã đầu tư sửa chữa nhỏ đường giao thông nông thôn hằng năm và thụ hưởng vốn hỗ trợ thực hiện dự án nước sinh hoạt theo Chương trình 134 của Chính phủ (cả xã có hai công trình nước), Ba Trại chưa được hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông. Để vùng chè phát triển, Ba Trại đang cần giúp đỡ, nhất là về giao thông, thủy lợi để mở ra triển vọng cho cây chè.

“Bám” Chủ tịch Hội nông dân Ba Trại, tôi tới thôn Đô Trám, một trong 9 thôn của xã trồng nhiều chè nhất. Những vườn chè dưới mưa xuân xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống, hứa hẹn một năm bội thu của người lao động. Chè Đô Trám đã có thương hiệu, nổi tiếng “hương thơm, vị đậm, nước xanh”, lại được nước. Ở Đô Trám, vườn chè rộng hơn một mẫu của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng được coi là đẹp, ngon nhất nên thường có giá bán cao hơn các hộ khác.

Bí quyết để có chè thơm, ngon - theo ông Dũng, không chỉ phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, kỹ thuật xao chế mà còn tùy vào chất đất và chất nước. Để giữ gìn thương hiệu chè sạch, ông không bón chè bằng phân hóa học mà dùng phân vi sinh. Còn công thức cụ thể thì do kinh nghiệm của mỗi người... Chỉ biết rằng, chè Đô Trám cung cấp cho thị trường không bao giờ đủ. Cầu tăng mà cung ít, đồng nghĩa với việc không bao giờ chè ế ẩm, hoặc mất giá và người lao động ở làng chè có đủ sự tự tin để gìn giữ, phát triển thương hiệu của mình.

Càng mừng hơn khi biết rằng huyện Ba Vì đã có quy hoạch Ba Trại là thị trấn thứ hai của huyện. Nay mai tại thị trấn miền núi này sẽ hiện diện thêm bệnh viện đa khoa và Trường PT dân tộc nội trú cũng sẽ được mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và tạo môi trường học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi này. Thì rồi, mảnh đất dưới chân núi Tản càng thêm khởi sắc, trù phú hơn.

Cây chè đang lên ngôi, như thứ cây xóa nghèo đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn người Mường, người Dao, người Kinh dưới chân núi Tản này. Mới hay, mảnh đất nơi mạch nguồn núi Tản thấm đẫm chất nhân văn, xuyên mạch ngầm huyền thoại để hôm nay dòng nước ngọt ngào chắt từ trong lòng núi Tản đã và đang dung dưỡng cho sản vật của Ba Vì. Để hôm nay, “Chè Ba Vì” và “Sữa Ba Vì” đã mang thương hiệu một vùng quê huyền thoại...

Bút ký của Bằng Giang