Mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 03/02/2010
(HNM) - Chào đón ngày Đảng ta tròn 80 năm tuổi, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô vui mừng kính dâng lên Đảng những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội qua một năm chung sức, chung lòng cùng phấn đấu.
Guồng máy lớn đã vận hành thông suốt, những bất cập về công tác cán bộ được xử lý một cách hợp lý, việc thống nhất cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội đã tạo được niềm tin của nhân dân. Thực tế đã chứng minh, nếu cán bộ đoàn kết một lòng, nhân dân đồng thuận, ủng hộ, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Đổi mới công tác cán bộ
Các đại biểu tại Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) Đảng bộ Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thống nhất Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt
Sau khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ TP Hà Nội có 55 Đảng bộ trực thuộc, với 2.988 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và gần 32 vạn đảng viên. Trong tiền lệ, chưa Đảng bộ nào, BCH có tới 99 đồng chí, Ban Thường vụ 23 đồng chí và có 832 cán bộ thuộc diện Thường vụ quản lý. Mô hình tổ chức, bộ máy ở một số TCCSĐ, cơ quan, đơn vị còn bất cập, chưa đồng bộ; hệ thống các quy chế, quy định, văn bản còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất; đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của sở, ban, ngành quá đông, có sở có đến 13 phó giám đốc. Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội đã chọn cải cách hành chính và công tác cán bộ là hai khâu đột phá để tạo bước phát triển mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Công tác tổ chức, cán bộ đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy, với cách làm đổi mới, sáng tạo, khoa học, dân chủ và đoàn kết. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Thành ủy đã phân công 6 cấp trưởng, 31 cấp phó các ban Đảng; 6 cấp trường, 30 cấp phó của MTTQ và các đoàn thể xã hội; bố trí 34 cấp trưởng, 196 cấp phó các sở, ban, ngành thuộc khối chính quyền. Mặt khác, Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành của TP sắp xếp, kiện toàn 447 phòng, ban trực thuộc, với 447 trưởng phòng, 1.194 phó phòng.
Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ của TP trong năm 2009. Thành ủy đã xây dựng kế hoạch và thực hiện quy trình điều động, luân chuyển 3 đợt với 57 đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị thuộc TP về đảm nhận nhiệm vụ bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch UBND các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và ngược lại. Các quận, huyện, thị ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển được 410 cán bộ diện cấp ủy quản lý. Quá trình thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, Thành ủy đã quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, cán bộ của TP đã từng bước sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với tình hình, góp phần tạo nguồn cán bộ trong quy hoạch tổng thể của TP trong thời gian tới và những năm tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, chất lượng và hiệu quả.
Một khâu nhạy cảm, dễ có "điều tiếng" là bổ nhiệm cán bộ được Thành ủy chọn những đơn vị khó khăn phức tạp để đổi mới phương pháp, cách làm. Bước đầu, việc đổi mới công tác bổ nhiệm đã thành công, đúng quy chế, quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, công khai, dân chủ, tạo được niềm tin trong cán bộ, nhân dân.
Để chuẩn bị cho công tác đại hội Đảng bộ các cấp, Thành ủy tập trung chỉ đạo công tác rà soát, bổ sung, quy hoạch cán bộ giai đoạn 2006-2010, xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2010-2015 một cách đồng bộ, quyết liệt. TP cũng đã hoàn thành công tác đánh giá 812 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, giúp cấp ủy các cấp tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn, bố trí cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp. Một giải pháp để thực hiện tốt khâu đột phá công tác cán bộ đó là nâng cao chất lượng đội ngũ. Hà Nội thực hiện đồng bộ hai khâu: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài theo Đề án 165 của Trung ương. Thành ủy đã tổ chức 20 lớp trung cấp lý luận chính trị, 4 lớp cao cấp lý luận chính trị và tuyển sinh cho 1 lớp cao học chuyên ngành xây dựng Đảng, quản lý kinh tế; tổ chức 4 lớp cho hơn 100 cán bộ chủ chốt của TP đi học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc, Nga để từng bước chuẩn hóa đội ngũ.
Mở rộng dân chủ, tăng trách nhiệm người đứng đầu
Trong thời điểm nước rút, cả TP dồn sức chuẩn bị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010 - năm kết thúc kế hoạch 5 năm (2006-2010), đặc biệt là việc chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành ủy cùng cấp ủy các cấp vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chỉ đạo thí điểm chủ trương đại hội Đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư (BTV, BT, PBT). Nếu thực hiện tốt chủ trương này sẽ tạo một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đề cao ý thức trách nhiệm của đảng viên. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của TƯ, xây dựng kế hoạch và lựa chọn 122 Đảng bộ cơ sở đại diện cho các loại hình TCCSĐ tiến hành thí điểm. Cùng với việc triển khai văn bản hướng dẫn của TƯ, Thành ủy tổ chức các lớp tập huấn cho các Đảng bộ trực thuộc. Các đầu mối đều thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác hướng dẫn cơ sở triển khai công tác chuẩn bị nhân sự, nội dung, các bước tiến hành một cách chu đáo. Tính đến hết tháng 1-2010, đã có 108 Đảng bộ cơ sở tổ chức xong đại hội.
Một chủ trương mới, lần đầu tiên thực hiện, lo lắng, e ngại là tâm lý chung của không ít cơ sở. Nhưng nhờ quyết tâm và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ý nghĩa của chủ trương này nhằm phát huy dân chủ trực tiếp trong Đảng, nâng cao trách nhiệm của cả đảng viên và người đứng đầu cấp ủy nên kết quả thu được thật đáng phấn khởi. Hầu hết các Đảng bộ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Báo cáo chính trị đã đánh giá khái quát kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong cả nhiệm kỳ, không hô hào chung chung. Căn cứ tình hình địa phương, nhiều Đảng bộ đã lựa chọn những khâu đột phá (cải cách hành chính, quản lý đô thị, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ), tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Phần thảo luận cũng thu hút được sự quan tâm của đảng viên. Mỗi đại hội có từ 8-9 ý kiến tham luận, có đại hội có đến 17 ý kiến phát biểu. Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, BT, PBT cơ bản đạt yêu cầu theo quy định hướng dẫn của TƯ và Thành ủy. Việc ứng cử, đề cử trong đại hội khá tốt. Đặc biệt, Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải tổ chức đại hội toàn thể đảng viên (gần 350 đại biểu) nhưng vẫn đạt kết quả tốt. Trong 108 Đảng bộ tổ chức xong đại hội chỉ có vài Đảng bộ bầu thiếu ủy viên BCH, ủy viên BTV. Tỷ lệ phiếu bầu khá cao, nhất là đối với chức danh BT, PBT, thể hiện sự tín nhiệm của đảng viên với người đứng đầu. Từ đây, những đồng chí được bầu BT, PBT cũng nhận thấy cần phải nâng cao trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tổ chức giao phó, đáp ứng lòng tin của đồng chí mình và nhân dân. Đáng nói, tỷ lệ nữ được bầu vào cấp ủy đạt và vượt yêu cầu (trên 15%, có nơi đạt 40%). Tuy nhiên, tỷ lệ tuổi trẻ được bầu vào cấp ủy đạt thấp, không như mong đợi.
Mùa xuân này với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thật ý nghĩa, khi cùng với cả nước sẽ được chứng kiến thời khắc Thăng Long - Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi. Với trách nhiệm trước các thế hệ đi trước, bằng sức mạnh đoàn kết của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của gần 7 triệu nhân dân, Đảng bộ TP Hà Nội sẽ quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh và thanh lịch, xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.