Mỗi người đóng góp trí tuệ, công sức, sáng kiến, góp phần phát triển đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 11:00, 02/02/2010
Dự lễ mít tinh có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ, các vị lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô và các đoàn ngoại giao tại Hà Nội...
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Đinh Xuân Tuân/TTXVN) |
Trong diễn văn mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ôn lại những mốc son lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng. Sự ra đời của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam. Từ thời điểm đó, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính với cương lĩnh, đường lối đúng đắn.
Kể từ ngày ra đời, Đảng đã thật sự là đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn: Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám đã mở ra thời kỳ độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam; Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh và những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi khảo nghiệm thực tiễn và tổng kết sáng tạo của nhân dân, Đảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới và đã giành được những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hơn 20 năm qua, công cuộc đổi mới của Đảng đã đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, vượt qua những cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Tổng Bí thư đánh giá, công cuộc đổi mới là cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc nhất trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư khẳng định, tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam đã được đề ra từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta - Sự lựa chọn của chính lịch sử. Những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam suốt 80 năm qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Trước hết, là nhờ Cương lĩnh, đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dựa trên sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là do sự hy sinh, chiến đấu, lao động sáng tạo của toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là bài học phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; bài học về xây dựng khối liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; bài học về tăng cường xây dựng nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bài học về sự sáng tạo trong phương pháp cách mạng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và bài học về không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo đều được Đảng nghiêm khắc rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân và khắc phục, sửa chữa.
Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng thật sự có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kêu gọi, toàn Đảng, toàn dân phát huy tinh thần trách nhiệm để làm tốt những việc trong hiện tại, vững bước tới tương lai. Lúc này, hơn lúc nào hết trước những yêu cầu bức thiết của sự phát triển đất nước và trong hoàn cảnh quốc tế có nhiều biến động, càng đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Sự phấn đấu kiên cường của toàn dân, của các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế, là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với đất nước ta hiện nay, nhằm giữ vững tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc, mỗi người cần đóng góp trí tuệ, công sức, sáng kiến để góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, những lúc khó khăn, Đảng và Nhà nước càng phải quan tâm hơn đến an sinh xã hội, các đối tượng chính sách, người nghèo, làm cho mọi người dân dù ở vùng, miền nào của đất nước cũng có cuộc sống ngày càng được cải thiện về vật chất, an lành về tinh thần. Cần phải xử lý, kết hợp đúng đắn giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách và bước đi cụ thể. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần động viên, hướng dẫn mọi nhà, mọi người năng động, sáng tạo làm giàu theo luật pháp bằng chính khả năng của mình.
Tổng Bí thư khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối, chính sách, pháp luật cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để mỗi giai cấp, tầng lớp, lực lượng và cá nhân phấn đấu vì lợi ích chính đáng của mình và đóng góp ngày càng nhiều hơn, có hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước. Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên đường lối đổi mới và lấy mục tiêu chung : giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, đồng thời bảo đảm hài hoà lợi ích riêng của mỗi bộ phận, giai cấp, lực lượng xã hội, cá nhân không trái với lợi ích chung.
Đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết hợp tác quốc tế, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung ương Đảng cũng đã ra nghị quyết quan trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nhấn mạnh mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Đảng cũng xác định, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khoẻ và sáng tạo. Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật các nước sở tại; bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào, đồng thời có chính sách khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước.
Đảng và Nhà nước cũng hết sức chú trọng nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp.
Cũng theo Tổng Bí thư, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia...
Tổng Bí thư khẳng định, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không tách rời đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mỗi tổ chức, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị phải thật sự vì dân, tin dân, hiểu dân, gần dân, tăng cường công tác vận động quần chúng, củng cố quan hệ máu thịt với nhân dân. Thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, quản lý; thực hiện tốt hơn dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt hơn nữa chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại. Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý quyền con người. Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng...
Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, không để bị động, bất ngờ. Nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch "diễn biến hoà bình", đòi đa nguyên, đa đảng, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền hòng phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Kết hợp ngày càng tốt hơn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh, quốc phòng, an ninh với đối ngoại.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá, hiện nay, bên cạnh những cơ hội lớn, đất nước ta và Đảng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Vì vậy, xây dựng Đảng vững mạnh thật sự là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đảng kiên quyết đấu tranh và phòng ngừa, khắc phục có hiệu quả các tiêu cực, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc khác trong tổ chức và hoạt động của Đảng; đổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ; kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm; kiên quyết đấu tranh phòng ngừa và khắc phục có hiệu quả sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; ra sức rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Năm 2010 là năm có nhiều ý nghĩa và sự kiện quan trọng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu các cấp, các ngành cần chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng sắp tới, tăng cường tổ chức kỷ luật, lựa chọn những cán bộ có đủ đức, đủ tài để bầu vào các cơ quan lãnh đạo của đất nước, phát huy dân chủ, đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ xây dựng và hoàn thiện các văn kiện quan trọng.
Xúc động khi được tham dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng, Giáo sư Ngô Thành Dương – nguyên Trưởng khoa Triết học, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - năm nay 88 tuổi, đã chia sẻ niềm hạnh phúc và những kỷ niệm đẹp về quá trình tham gia cách mạng của ông.
Sau khi được giác ngộ, trang bị lý luận, trải qua giai đoạn thử thách, năm 1946, ông đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông nhớ những cử chỉ thân mật của Bác, gần gũi như người cha, người anh trong gia đình. Tấm gương của Bác, của những thế hệ chiến sĩ cộng sản đã giúp ông tìm thấy sự say mê trong nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy môn học này, ông càng ngày càng thấy rõ Đảng đã có được cơ sở thực tiễn khoa học để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Theo ông Dương, chính sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả các học thuyết trên đã đem lại thành công cho cách mạng Việt Nam. Ông phấn khởi về những thành tựu của đất nước và Thủ đô sau hơn 20 năm đổi mới, về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tăng thêm niềm tin cho đảng viên và nhân dân, cùng Đảng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Cùng chung niềm tự hào về Đảng, Mai Thị Anh Đào, SV năm thứ 3 Đại học Ngoại thương Hà Nội đã bày tỏ sự biết ơn với các thế hệ đảng viên đi trước đã mang lại tự do, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Từ khi được kết nạp Đảng, Đào luôn ý thức mình không chỉ là sinh viên mà còn là đảng viên, vì vậy, cô luôn tích cực học tập, tham gia công tác xã hội. Với Đào, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng còn là dịp để thế hệ trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm của mình với đất nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.