Dự án cải tạo đầm Hồng (Thanh Xuân): Phải quyết liệt hơn
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 02/02/2010
Tiến độ dự án chậm 3 tháng so với kế hoạch
* Sau 16 năm, đầm Hồng “mất” 80.000m2 diện tích mặt nước
Đầm Hồng đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Đầm Hồng (còn được gọi là hồ Khương Trung I), nằm trên địa bàn phường Khương Đình và một phần thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Nhiều năm nay, khu vực đầm Hồng là "điểm nóng" về tình trạng san lấp đầm, xây dựng nhà trái phép, không phép, có một số trường hợp chính quyền địa phương đã cưỡng chế dỡ bỏ nhiều lần, song vẫn tái phạm. Theo bản đồ địa chính năm 1994, đầm Hồng có diện tích khoảng hơn 200.000m2. Vậy mà, trong Quyết định số 1888 của UBND thành phố Hà Nội ngày 22-4-2009, thì chỉ có 115.957m2 đất ở đây được thu hồi, giao cho Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cải tạo đầm Hồng, nhằm cải thiện môi trường. Vậy hơn 80.000m2 đất đầm Hồng đã "biến" đi đâu, kể từ năm 1994 đến nay?
Ông Phạm Trí Tuệ, Chủ tịch UBND phường Khương Đình lý giải: Dự án cải tạo đầm Hồng của thành phố chỉ là cải tạo hiện trạng, kè phần bờ đầm và diện tích mặt nước hiện có. Diện tích còn lại gồm một phần đất người dân san lấp, lấn chiếm và một phần thuộc bản án 757 của Tòa án nhân nhân thành phố Hà Nội ngày 28-9-1995 vẫn chưa có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Bản án số 757 là bản án hình sự sơ thẩm xét xử 6 bị cáo vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nội dung dân sự của bản án là thu hồi toàn bộ số đất tại khu vực đầm Hồng mà các bị cáo đã mua bán bất hợp pháp, giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đến nay vẫn chưa thể thi hành án được, vì bản án tuyên không rõ số đất phải thu hồi cụ thể là bao nhiêu, vị trí mốc giới phần đất phải thu hồi, diện tích người mua bất hợp pháp và người lấn đất trái phép... Chính vì vậy, từ năm 1995 đến nay, chính quyền địa phương quản lý đất đai theo hiện trạng. Ông Phạm Trí Tuệ cũng thừa nhận: Việc lấn chiếm, san lấp đất đầm Hồng thời gian qua vẫn chưa chấm dứt. Khu vực đầm Hồng là nơi tiếp giáp giữa phường Khương Đình với các phường Khương Trung, Khương Mai, đường đi lối lại chằng chịt, dân cư thưa thớt. Đây là điều kiện thuận tiện cho các đối tượng chuyên chở đất đá bằng xe thồ, xe cải tiến đến lấp đầm. Chỉ tính từ tháng 11-2009 đến nay, lực lượng công an, dân phòng của phường Khương Đình đã thu giữ hơn 20 xe thồ, xe cải tiến chở đất, phế thải xây dựng đổ xuống đầm Hồng. Việc để xảy ra tình trạng hàng chục ô tô chở đất san lấp hơn 1.000m2 đầm Hồng vào đầu tháng 11-2009, trách nhiệm trước hết thuộc về công tác quản lý của chính quyền địa phương, phát hiện, ngăn chặn vi phạm chưa được kịp thời.
Nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, trong hai ngày 22 và 23-1-2010, UBND quận Thanh Xuân, phường Khương Đình đã tổ chức thu dọn phế thải xây dựng san lấp trái phép đầm Hồng. Vụ việc vẫn đang được Công an quận Thanh Xuân điều tra, làm rõ. Do dải đất lấn chiếm đầm nằm tiếp giáp với khu đất đang xây dựng nhà ở của Quân chủng Phòng không - Không quân, nên một số đối tượng đã lợi dụng lối ra vào công trường để chở đất, san lấp đầm. Sau khi dọn đất và phế thải xong, chính quyền địa phương đã lập chốt canh gác 24/24h tại khu vực này. Một tuần sau khi chính quyền vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn hành vi san lấp, lấn chiếm đầm, người dân sinh sống ở ven khu vực đầm Hồng cho hay: Không còn thấy bóng dáng xe cải tiến, xe thồ chở đất, đá đến đây nữa. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn khá nhiều bãi đất trống nằm rải rác ven đầm, được trồng chuối, rau để ngụy trang, dấu vết san lấp vẫn còn khá mới. Điều này cho thấy, sự lo ngại của người dân về tình trạng san lấp đầm trái phép chưa thể chấm dứt là hoàn toàn có cơ sở. Giải pháp hàng đầu, hiệu quả nhất vẫn là kè đầm, vừa cải tạo môi trường khu vực, vừa làm đẹp cảnh quan, lại chống lấn chiếm. Thế nhưng, hiện tại dự án cải tạo đầm mới đang ở giai đoạn phát tờ kê khai, hướng dẫn và thu tờ kê khai của những hộ dân liên quan. Trong khi đó, nếu theo đúng tiến độ của chủ đầu tư đề ra, thì đến hết tháng 1-2010 là phải hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Có thể thấy rằng, dự án cải tạo đầm Hồng đang bị chậm ít nhất là 3 tháng so với tiến độ đề ra. Nếu việc triển khai tiếp tục với tốc độ này, chắc chắn chủ đầu tư không thể có được mặt bằng sạch vào ngày 15-8-2010 như dự kiến. Và chậm thêm ngày nào, đầm Hồng tiếp tục... kêu cứu ngày đó!