“Sao Thần nông” tỏa sáng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 01/02/2010

(HNM) - Đêm 31-1, tại Thủ đô Hà Nội, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hội tụ tại Lễ trao giải thưởng

Giao lưu với các nông dân trong lễ trao giải thưởng “Sao Thần nông” 2009.
Ảnh: Đình Hệu - TTXVN


Tại lễ trao giải, 10 nông dân xuất sắc nhất đã được nhận giải "Sao Thần nông" trị giá 15 triệu đồng/giải. 9 giải còn lại (trị giá 10 triệu đồng/giải) được trao cho 9 nông dân đoạt giải Nông dân sáng tạo; Nông dân vượt khó; Nông dân ứng dụng KHKT.

Sao Thần nông trên bầu trời Hà Nội

Tuy chỉ được bình là Sao Thần nông tháng nhưng Đỗ Xuân Nhung (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) phấn khởi lắm. Là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về miền đồi gò Thạch Thất, anh đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân. Ban đầu, từ 100 gốc cây thanh long trồng trên vườn cây lâm nghiệp nhận khoán của xã đến nay gia đình anh đã phát triển được 3ha với gần 3.000 cây đang cho thu hoạch. Hiện nay, thanh long ruột đỏ phát triển rất tốt, chất lượng cao được nhiều nông dân ưa chuộng. Vào chính vụ thanh long, quả bán ngay tại ruộng được từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Năm 2009, tuy chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nhưng sau khi trừ chi phí anh đã thu được 500 triệu đồng từ thanh long, nhãn chín muộn, bưởi… Nhung kể với chúng tôi rằng, từ mô hình thành công của gia đình, huyện Thạch Thất đã thông qua chương trình phát triển diện tích trồng thanh long trong những năm tới là 200ha. Cây thanh long ruột đỏ đang là hướng đi mới mở ra nhiều triển vọng xóa đói giảm nghèo trên quê hương Thạch Thất.

Trao đổi với chúng tôi tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, năm 2010, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD giỏi để có thêm nhiều Sao Thần nông hơn.

Ra Hà Nội vui, được giải càng vui hơn

Ông A Nhái, người dân tộc DeH ở thôn Đăck Dền, xã Đăck Pét, huyện Đăck Glei, tỉnh Kon Tum nói với chúng tôi như vậy. Sau hai ngày đêm đi ô tô, đến Hà Nội ông bảo nhìn cái gì cũng thấy hay, thấy lạ. Câu chuyện kể về cách trồng lúa nước của ông thật thú vị. Thôn Đăck Dền có 156 hộ, 664 nhân khẩu trước đây chỉ làm rẫy. Từ năm 1978, A Nhái đang là thầy giáo dạy tiểu học, thấy gia đình quá nghèo nên một buổi đi dạy học, một buổi đi khai hoang trồng lúa nước. Đến nay, gia đình ông đã có 1ha ruộng, ông nuôi gần 40 con trâu, bò để lấy phân bón ruộng. Năng suất lúa của gia đình ông đạt 9 tấn/ha/năm. Thấy ông làm lúa nước giỏi nhiều hộ dân trong thôn đã làm theo. Đến nay, thôn có 32ha lúa cấy 2 vụ. Người DeH đã bớt đói, nghèo. Từ năm 2008, ông đã bán bò đi mua một chiếc xe ô tô tải phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông A Nhái hiện đang làm Trưởng thôn Đăck Dền. Ông khoe với chúng tôi, nhận giải xong ông sẽ dành 2 ngày đi chơi Hà Nội và mua quà về cho các con, cháu. Ý định của ông thật có lý khi ông nhận được 10 triệu đồng từ giải "Nông dân vượt khó".

Thương hiệu "Nho Ba Mọi"

Câu chuyện hội nhập của nông dân Nguyễn Văn Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bắt đầu cách đây 8 năm từ ý tưởng muốn xây dựng cho mình một thương hiệu để đưa trái nho Ninh Thuận đi tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Ông Mọi cho biết: Cuối năm 2001, ông là người đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận trồng khảo nghiệm 6 sào nho NH 01-48 và Blackqueen. Do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng nho an toàn, sử dụng các chế phẩm sinh học, nên vườn nho của ông cho năng suất 1,5 tấn/sào với chất lượng trái rất tốt. Ông Mọi cho rằng: "Muốn sản phẩm đứng vững trên thương trường, chữ tín về chất lượng và an toàn là quan trọng nhất; thứ hai, động viên bà con xung quanh cùng canh tác để có đủ sản phẩm cho thị trường. Năm 2005, nho Ba Mọi đoạt huy chương vàng thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, được cấp chứng chỉ Best Food; năm 2007, được tôn vinh Thương hiệu Việt và ông đang ước mơ tiến đến thị trường Âu - Mỹ.

Ba Hạo đa tài

Nhờ say mê khoa học và chịu khó học hỏi, anh nông dân Đỗ Quý Hạo (tức Ba Hạo) ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang trở thành tỷ phú nhờ trồng khoai lang. Sản phẩm khoai lang Ba Hạo đã được chào bán trên trang web www.khoailangbahao.com.vn thể hiện bước đột phá mới của nông dân Kiên Giang thời hội nhập. Kể về con đường đến với nghề trồng khoai lang, ông Hạo cho biết: Ngày còn ở quê (tỉnh Thái Bình) năm nào gia đình cũng trồng khoai lang. Thích trồng loại cây lấy củ này nên ngay sau khi vào miền Nam làm kinh tế, ông đã trồng loại cây này với mong muốn sẽ giàu. Tìm hiểu thấy nhu cầu sử dụng khoai ngày càng nhiều, từ 0,5ha trồng khoai năm 1983, nay diện tích trồng khoai được mở rộng lên 10ha. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ trồng khoai giỏi, ông còn được biết đến là người sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ một chiếc máy cày đất thông dụng, ông đã biến nó thành máy lên luống và tự động bón phân, góp phần giảm ngày công lao động. Ngoài ra, nhiều máy khác như máy thu hoạch khoai lang, máy phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được ông chế ra phục vụ bà con trong vùng.

Làm giàu từ trồng chanh không hạt

Không ít người nói gia đình bà Út Chiến ở xã Lương Hòa, Bến Lức, Long An bị khùng khi bà đốn cả vườn sơ ri đang cho thu 300 nghìn đồng mỗi ngày để trồng chanh không hạt. Trong khi trước đó, bà thất bại vì đã đổ hết vốn liếng vào lò đường, chăn gà công nghiệp... Vậy mà chính cái "khùng" đó khiến bà đã trở thành một nông dân tỷ phú. Bà cho biết: Năm 2004 gia đình bắt đầu đưa cây chanh không hạt vào trồng trên diện tích 2ha và mở rộng mỗi năm 2-3ha. Đến nay, với 12ha trồng chanh, trừ chi phí mỗi năm, bà thu về hơn 1 tỷ đồng. Theo bà Út Chiến, ngay sau khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, gia đình bà đã làm hồ sơ xin đăng ký thương hiệu chanh không hạt "Vica". Đây cũng là thương hiệu chanh không hạt đầu tiên ở tỉnh Long An hiện có mặt ở nhiều thị trường quốc tế, như Trung Quốc, Trung Đông.

Câu chuyện làm giàu của các Sao Thần nông là những kinh nghiệm để nông dân cả nước học tập, làm theo.

Thu Hằng - Hương Lan