Lệnh trừng phạt mới đã cận kề
Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 31/01/2010
(HNM) - Mỹ và đồng minh châu Âu lại vừa có thêm những động thái siết chặt bao vây Iran xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Ngày 28-1 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua dự luật về việc áp dụng những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới với Iran.
Urani tại nhà máy hạt nhân ở Ixphahan của Iran.
Theo đó, sau khi được Tổng thống ký thành luật, nguồn xăng nhập khẩu khan hiếm của nước này sẽ bị cắt để buộc Têhêran phải nhượng bộ trước áp lực quốc tế yêu cầu ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ và 4 đồng cấp châu Âu là các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức và Italia đã họp tại Luân Đôn (Anh) về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Trước đó, ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã cảnh cáo Iran về việc quốc gia Hồi giáo này sẽ càng bị cô lập nếu vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân…
Như vậy, kể từ sau cuộc họp không thành (ngày 16-1) về những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền của Tổng thống Iran Mamút Amađinêgiát của đại diện nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức), những động thái vừa diễn ra được xem là bước đi đầu tiên được Mỹ và đồng minh châu Âu "khởi động" lại quá trình này.
Các bước đi nhằm áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran được đưa ra tròn một tuần sau khi quốc gia Hồi giáo này (ngày 19-1) có câu trả lời chính thức về đề xuất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo đó, Têhêran đã chính thức bác bỏ những phần chính trong thỏa thuận dự thảo về chuyển phần lớn urani của nước này ra làm giàu ở nước ngoài.
Rõ ràng, Iran đang tỏ ra quyết đoán trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, nhất là trong những ngày đầu năm 2010 này, khi Tổng thống M.Amađinêgiát công du tới Trung Á để khánh thành tuyến đường ống khí đốt từ Tuốcmênixtan sang Iran, với công suất 20 tỷ mét khối/năm. Chính sách ngoại giao năng lượng của ông M.Amađinêgiát vừa kịp tạo ra một mặt trận đồng minh mới quanh mình ở Trung Á nhằm phá vỡ thế bao vây do phương Tây đang giăng bủa. Đây là điều hết sức quan trọng mà quốc gia Hồi giáo này cần trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi nguồn xăng nhập khẩu của Iran bị cắt khi Mỹ và đồng minh châu Âu áp lệnh trừng phạt mới.
Trở lại với sự "khởi động" cho án phạt mới mà Mỹ và đồng minh vừa khởi động. Nhiều khả năng Têhêran sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an. Trong một diễn biến liên quan, ngày 29-1, phát biểu tại một học viện quốc phòng ở Pari (Pháp), Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn đã cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập ngoại giao và nguồn cung năng lượng cho nước này có khả năng bị gián đoạn nếu Bắc Kinh không ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Iran. Tới nay, Nga và Trung Quốc vẫn kêu gọi tiếp tục các cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân của Iran và phản đối việc bổ sung các biện pháp trừng phạt Têhêran vì cho rằng điều đó sẽ cản trở việc tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Thế nhưng, ngày 29-1, Tổng Giám đốc IAEA Yukiia Amanô khẳng định, cuộc đối thoại giữa Iran và các cường quốc về dự thảo thỏa thuận liên quan đến vấn đề làm giàu urani vẫn tiếp tục, bất chấp việc Têhêran bác bỏ các điều khoản được cho là nhằm ngăn chặn hành động sử dụng nhiên liệu này để chế tạo bom nguyên tử…
Tuy nhiên, trước những gì đang diễn ra, dư luận khó có thể thấy một lối thoát khả dĩ. Vấn đề hạt nhân Iran vốn đã "nóng" lại tiếp tục ngày càng "nóng" hơn.