Công bố Ấn phẩm đầu tiên về Xu hướng Việc làm Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 19:59, 30/01/2010

(HNMO) –Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) vừa công bố báo cáo mới mang tên Xu hướng Việc làm Việt Nam 2009. Báo cáo nhấn mạnh những kết quả đạt được của thị trường lao động Việt Nam gần đây và mức độ thực hiện những mục tiêu việc làm bền vững tại Việt Nam.

(HNMO) –Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) vừa công bố báo cáo mới mang tên Xu hướng Việc làm Việt Nam 2009. Báo cáo nhấn mạnh những kết quả đạt được của thị trường lao động Việt Nam gần đây và mức độ thực hiện những mục tiêu việc làm bền vững tại Việt Nam.

Báo cáo này do Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin Thị Trường Lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Dự án Thị trường Lao động do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ.

“Đây là Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam đầu tiên trong một chuỗi báo cáo mà Bộ LĐTBXH dự kiến thực hiện, trong đó phân tích các chỉ số chính về thị trường lao động được quốc tế công nhận trong giai đoạn 1997 – 2007. Báo cáo nêu bật những kết quả đạt được về các chỉ số việc làm và thất nghiệp, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định:“Vẫn còn đó những thách thức lớn đối với việc bảo đảm việc làm bền vững cho những nhóm dân số lớn của thị trường lao động”.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh: Các chính sách về thị trường lao động và việc làm - những chính sách tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới, đặc biệt là cho thanh niên, có được việc làm bền vững - cần phải được xây dựng dựa trên nền tảng những số liệu chính xác và kịp thời”. Bà cũng cho biết thêm rằng: “Báo cáo đầu tiên về xu hướng việc làm Việt Nam, chủ yếu dựa vào số liệu từ các cuộc điều tra lao động – việc làm củ̉a Bộ LĐTBXH, được xem là ví dụ cụ thể đầu tiên phản ánh hỗ trợ trực tiếp của ILO cho Bộ LĐTBXH trong lĩnh vực phân tích thị trường lao động.”

Ông Willy Vandenberghe, Trưởng Bộ phận Hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nói: “Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam ra đời rất đúng thời điểm vì thị trường lao động Việt Nam hiện đang chuyển đối mạnh mẽ, phải đối mặt với những thách thức quan trọng và đứng trước những vận hội lớn trong quá trình vươn tới vị thế của nước có thu nhập trung bình”.

Kết quả của báo cáo:

Nhìn vào nhóm dân số có việc làm, có thể nhận thấy một số xu hướng quan trọng. Việt Nam, mặc dù đã có một số thành phố lớn, vẫn là một nước nặng về nông nghiệp, nông thôn,. Do đó, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng nhất, mặc dù tỷ lệ người có việc làm ở ngành này giảm khoảng 13 điểm phần trăm trong giai đoạn từ 1997 đến 2007, xuống còn 52% tổng số người có việc làm. Điều này cũng có nghĩa là đã có sự tăng trưởng trong các ngành kinh tế khác, với tỷ lệ phần trăm tăng lên ở các ngành sản xuất, chế biến, xây dựng, và tỷ lệ tăng trưởng lớn của ngành dịch vụ.

Nhưng tính chất nông thôn và sự phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp có nghĩa là một tỷ trọng lớn trong tổng số người có việc làm nằm ở hai nhóm chỉ số về vị thế việc làm, đó là lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công, trả lương. Hai nhóm lao động này gộp lại chiếm khoảng từ 2/3 đến 3/4 tổng số người có việc làm năm 2007, có nghĩa là một tỷ lệ rất lớn trong tổng số việc làm là dễ bị tổn thương, nghĩa là cónguy cơ thiếu việc làm bền vững.

Ngoài ra, số lượng lao động phổ thông lớn – tổng số là 28,1 triệu người năm 2007, chiếm 62% tổng số người có việc làm - cũng phản ánh việc thiếu việc làm hiệu quả. Chỉ có một nhóm khác chiếm hơn 10% tổng số người có việc làm, đó là nhóm thợ thủ công có tay nghề, chiếm 12,5%.

Theo báo cáo này, những khoảng trống về số liệu hiện nay đang cản trở việc thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động một cách kịp thời. Thông tin thống kê có chất lượng phục vụ công tác phân tích và thông tin thị trường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Chính phủ trong việc rà soát và đổi mới các chính sách và chương trình hiện có về thị trường lao động, thúc đẩy chương trình nghị sự việc làm bền vững và giải quyết thiếu hụt việc làm bền vững, thiết lập mục tiêu và đo lường tiến độ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận thức rõ vấn đề này và đang có nhiều nỗ lực cải thiện việc thu thập số liệu và giải quyết những thiếu hụt về mặt số liệu, từ đó có thể đưa ra những phân tích, những thông tin thị trường lao động hữu ích và có chiều sâu hơn phục vụ soạn thảo các báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam trong tương lai.

L.H