Thị trường giống vật nuôi: Quản lý yếu, chất lượng kém
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 30/01/2010
Nông dân thấy rẻ là mua
Hiện nhu cầu giống trên địa bàn Hà Nội rất lớn, nhưng chỉ có 10 cơ sở sản xuất giống vật nuôi của Nhà nước bảo đảm chất lượng; nên hầu hết nhân dân tự mua giống trôi nổi bên ngoài. Mặc dù chọn giống được coi là khâu quan trọng tạo ra thương phẩm có chất lượng nhưng người nuôi thường thiếu quan tâm mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, thấy rẻ là mua. Nhu cầu chăn nuôi của người dân ngày càng cao, thị trường giống không đáp ứng kịp thời. Đối với các hộ chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy mô trang trại, về cơ bản đã chủ động được đàn lợn giống. Nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ luôn thiếu con giống, thậm chí không biết mua ở đâu. Ông Phạm Văn Lập, nông dân ở huyện Thanh Oai cho biết, trước đây muốn chọn lợn giống không khó, cứ đến phiên chợ (ngày 4, ngày 10, ngày 14, ngày 20 âm lịch) nhìn con nào to, khỏe, lông mượt, trắng thì mua hoặc mua ngay của các hộ có lợn nái trong thôn. Hiện nay rất ít gia đình mang lợn giống ra chợ bán, thương lái thường đặt mua trước cả đàn rồi bán với giá cao; nên muốn mua từ 3-5 con rất khó, không may gặp phải lợn còi cọc, xấu cũng đành chấp nhận.
Chăn nuôi bò sữa ở Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: TTXVN |
Thực tế nhiều cơ sở tự sản xuất con giống không đúng tiêu chuẩn hoặc mua giống gốc kém chất lượng về gây giống, cộng với quy trình sản xuất không đạt yêu cầu dẫn đến con giống kém chất lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho rằng, không chỉ chất lượng giống lợn mà giống bò cũng kém. Việc nhân rộng đàn bò lai dù đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đủ giống tốt. Nguyên nhân do số lượng liều tinh sản xuất chỉ đạt 10 nghìn liều mỗi năm, đáp ứng được 70-80% nhu cầu, còn lại được nhân giống từ đàn bò cóc ở các địa phương.
Theo Phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT), mỗi năm nông dân sử dụng hàng triệu con gia cầm giống để mở rộng chăn nuôi. Tuy nhiên, cơ sở ấp trứng gia cầm giống trên địa bàn thành phố, hầu hết là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thu gom trứng không có sự kiểm soát về chất lượng và dịch bệnh. Mặt khác, do nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, thấy rẻ là mua, nên không ít người mua giống kém chất lượng, gia cầm chưa được tiêm phòng, trôi nổi trên thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới năng suất kém, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn.
Cần chính sách hỗ trợ
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Nhà nước nên ưu tiên đầu tư vốn ngân sách vào việc tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động của các cơ sở giống để chọn lai tạo giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt. Sở NN&PTNT chỉ đạo việc giám định và bình tuyển con giống để chọn ra những cá thể đực giống đạt tiêu chuẩn và tiến tới cấp chứng chỉ chất lượng con giống. Quản lý chất lượng con giống hiện nay thật sự là vấn đề cấp thiết. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng con giống chất lượng kém tràn lan, trôi nổi trên thị trường, thậm chí dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc quản lý con giống chặt chẽ cũng là cơ hội tốt cho những cơ sở kinh doanh con giống có uy tín được Nhà nước cấp chứng chỉ, người chăn nuôi sẽ tin tưởng và yên tâm hơn. Việc này cần sự phối hợp của các hộ chăn nuôi và người nuôi, tránh việc cứ thấy rẻ là mua, dẫn tới hậu quả khôn lường.
Để nâng cao chất lượng con giống trên địa bàn, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở sản xuất giống vật nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sản xuất con giống kém chất lượng. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc nhập giống vật nuôi vào địa bàn, tạo vành đai an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các cơ sở nuôi đàn giống bố mẹ phải có cán bộ kỹ thuật trình độ trung cấp về chăn nuôi trở lên. Tăng cường công tác quản lý giống, loại thải con giống kém chất lượng; tăng cường đưa giống mới có chất lượng bằng phương pháp lai tạo hoặc thụ tinh nhân tạo; thay đổi chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, hệ thống chuồng nuôi; thực hiện tốt việc giám định bình tuyển để loại bỏ những con giống kém. Đồng thời, các đơn vị phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác chọn, sử dụng con giống.