Lai dắt 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm về sông Sài Gòn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 30/01/2010
Huy động tổng lực cho sự an toàn
Để lai dắt những đốt hầm nặng tới 27.000 tấn trên đoạn sông dài hơn 20km, UBND TP đã thành lập ban chỉ đạo với 12 đơn vị, phối hợp tất cả các ban, ngành gồm Cục Hàng hải, Sở GTVT, cảnh sát đường thủy… bảo đảm những đốt hầm xuôi sông Đồng Nai về vị trí dìm an toàn nhất.
Thi công các đốt hầm dìm Thủ Thiêm. |
Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP cho biết, việc lai dắt cực kỳ phức tạp nên công tác chuẩn bị được triển khai kỹ từng chi tiết nhỏ. Do đặc điểm là lai dắt dưới sông, nên phải nghiên cứu thủy triều và vận tốc nước chảy. Khi lai dắt trên sông Nhà Bè thì còn dễ dàng vì đoạn sông này rộng đến 1km; tuy nhiên, khi vào đến sông Sài Gòn, bề rộng sông chỉ còn khoảng 400m lại có nhiều cầu, cảng, luồng tàu vận chuyển chỉ còn 150m sẽ rất khó khăn. Để các đốt hầm di chuyển an toàn, ngoài lực lượng trực tiếp từ 60 đến 80 người, còn phải có tàu cảnh giới, ca nô dẫn đường… Một trong những vấn đề cần phải tính toán kỹ nữa là khi lai dắt về đến nơi, nhà thầu xin đóng luồng giao thông 36 giờ để dìm đốt hầm. Tất cả các công việc lai dắt, đóng luồng để bảo đảm cho công tác dìm hầm cũng như việc giao thông qua lại đều đang được cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Hiện các đốt hầm đang được ngâm nước tại bãi đúc, chờ tháo đê. Dự kiến, từ ngày 2 đến 6-3, đốt hầm thứ nhất sẽ được thả nổi và kéo ra khỏi bãi đúc. Ngày 7-3, đốt thứ nhất sẽ di chuyển đến vị trí dìm hầm ở phía quận 1. Nhà thầu đã thuê 4 tàu kéo chuyên dụng từ Thái Lan sang để làm công việc này. Dự kiến, thời gian đưa mỗi đốt hầm từ Nhơn Trạch về đến vị trí dìm là từ 6 đến 8 giờ. Sau khi dìm hầm xuống sông sẽ bơm cát, chèn đá để giữ đốt hầm không dịch chuyển. Tất cả các công đoạn này kéo dài trong một tháng. Khi đốt hầm thứ nhất hoàn thành mới tiếp tục đến đốt hầm thứ 2. Như vậy, thời gian dìm 4 đốt hầm hoàn chỉnh sẽ là 4 tháng.
Hoàn thành Đại lộ Đông Tây
Cuối tháng 6, đốt hầm thứ 4 khi được dìm xong sẽ hợp long, nối hầm Thủ Thiêm vào đường dẫn phía quận 1. Cuối tháng 8, hầm Thủ Thiêm sẽ hoàn thiện toàn bộ đường dẫn vào hầm… Dự kiến, đến khoảng cuối quý I-2011 người dân sẽ được qua sông Sài Gòn bằng công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á này.
Hầm Thủ Thiêm có chiều dài 1.490m (bao gồm cả đường dẫn phía quận 1 và quận 2), 4 đốt hầm dìm có tổng chiều dài 370m. Đường hầm có độ nghiêng 4%, nằm dưới đáy sông cách mặt nước 26m. Hầm rộng 33,3m, với 6 làn xe lưu thông, tốc độ cho phép đến 60km/giờ. Được khởi công từ ngày 16-2-2005, dự kiến đường hầm này hoàn thành vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, sự cố rạn nứt thân trên 4 đốt hầm vào tháng 6-2008 đã làm tiến độ chậm lại. Sau khi phát hiện sự cố, chủ nhà thầu đã tích cực sửa chữa theo phương án được Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phê duyệt. Đến ngày 22-1, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã kiểm nghiệm và đánh giá công trình đạt chất lượng, cho phép dìm xuống sông.
Hầm Thủ Thiêm là công trình thuộc dự án Đại lộ Đông Tây - công trình trọng điểm của TP - có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Hầm Thủ Thiêm cũng là hạng mục cuối cùng của dự án này, vì vậy khi công trình vượt sông này hoàn thành thì tuyến Đại lộ Đông Tây với chiều dài 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh cũng hoàn chỉnh. Đây là con đường huyết mạch nối TP với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành mối liên kết chặt chẽ trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo tiền đề cho việc giãn dân cư đô thị về phía đông và phía nam thành phố, góp phần quan trọng hình thành trung tâm thương mại mới ở Thủ Thiêm. Những ngày này, hàng trăm công nhân, kỹ sư vẫn đang miệt mài trên công trường để kịp hoàn thành tiến độ. Theo ông Vương Hoàng Thanh, trong những ngày Tết cổ truyền sắp đến, các kỹ sư và công nhân vẫn sẽ làm việc liên tục trên công trường để kịp tiến độ.