Nghịch lý ngân hàng Mỹ
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:46, 30/01/2010
Ông chủ Nhà Trắng muốn các ngân hàng tập trung vào công việc kinh doanh truyền thống và bớt đầu tư tiền vào các lĩnh vực rủi ro, nhằm tránh sự đổ vỡ tài chính một lần nữa. Tuy nhiên, trong lúc còn phải chờ để được Quốc hội Mỹ thông qua thì kế hoạch này đã bị giới ngân hàng phản ứng mạnh mẽ, vì nếu kế hoạch được thực thi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các ngân hàng, nhất là giới chủ.
Đại gia Ngân hàng Citigroup Mỹ cũng nằm trong diện phải cân nhắc các khoản lương, thưởng trong năm 2009. |
Dư luận ở Bắc Mỹ cho rằng, kế hoạch siết chặt các hoạt động ngân hàng được xây dựng trên cơ sở ý tưởng chính trị mới và tài chính được chọn là "đột phá khẩu" để xoa dịu dư luận Mỹ đang bất mãn trước các khoản tiền thưởng khổng lồ của giới chủ ngân hàng trong lúc nước Mỹ đang phải oằn mình trước nạn thất nghiệp lên đến 10% và các ngân hàng lớn ở Mỹ xem ra ăn nên làm ra hơn bao giờ hết. Đã một năm trôi qua kể từ ngày Chính phủ Mỹ tung hàng trăm tỷ USD để cứu các ngân hàng khỏi bờ vực phá sản. Các nhà băng lớn của Mỹ giờ đã tạm vượt qua cơn sóng gió, bắt đầu làm ăn có lãi. Những định chế lớn như Goldman Sachs, Bank of America (BofA), JPMorgan Chase... đã cố trả các khoản cứu trợ từ Chính phủ để thoát khỏi ràng buộc bởi chế độ thù lao siết chặt áp dụng cho các ngân hàng và doanh nghiệp được giải cứu. Lương thưởng của các giám đốc điều hành (CEO) trên Phố Uôn trong ít ngày qua là trung tâm của búa rìu dư luận Mỹ khi những tổ chức này nhận hàng chục tỷ USD của người đóng thuế qua Chính phủ để tồn tại qua thời kỳ khủng hoảng tài chính tệ hại nhất từ sau cuộc Đại suy thoái (1930).
Từ tháng 3-2009, dư luận Mỹ đã tá hỏa khi hay tin 165 triệu USD đã được Tập đoàn Bảo hiểm AIG thưởng cho nhân viên làm việc ở bộ phận sản phẩm tài chính. Chính quyền Tổng thống Ôbama đã phản ứng ngay bằng quyết định áp thuế mới với các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ để thu lại tiền cho gói cứu trợ, kích thích kinh tế. Tổng số tiền thuế mà 50 ngân hàng và quỹ tín dụng lớn nhất Mỹ phải nộp ước tính gần 100 tỷ USD. Tổng chưởng lý bang Niu Yoóc, ông Anđriu Cuomô cũng đã yêu cầu 8 ngân hàng đầu tiên nhận tiền cứu trợ theo Chương trình giải trừ tài sản xấu (TARP) của Chính phủ phải cân nhắc các khoản thưởng trong năm 2009. Những ngân hàng này gồm Bank of America Corp, Bank of New York Mellon Corp, Citigroup Inc, Goldman Sachs Group Inc, JPMorgan Chase & Co, Morgan Stanley, State Street Corp và Wells Fargo & Co.
Một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) Mỹ cho biết, chỉ hơn một năm sau sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ, tiền lương của các CEO ở Phố Uôn đã bắt đầu tăng trở lại mức trước khủng hoảng. Chênh lệch tiền lương giữa một CEO được trả thưởng cao và một công nhân bình thường ở Mỹ đang ở mức gần như cao nhất từ trước đến nay: 319/1 USD. Theo báo cáo này, 100 công nhân bình thường ở Mỹ có thu nhập 18,08 USD/giờ (31.589 USD/năm) sẽ phải lao động quần quật 1.000 năm mới kiếm được hàng tỷ USD như các CEO được thưởng lớn. Với nhiều người Mỹ, những khoản thưởng khổng lồ trở lại với Phố Uôn giữa lúc kinh tế nước này còn èo uột được xem là một bóng ma. Không ít người xem tình cảnh "người ăn không hết, kẻ lần không ra" này như một bằng chứng về sự thất bại của Nhà Trắng trong điều chỉnh lương thưởng - một nguyên nhân thúc đẩy sự ham thích rủi ro, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính làm điên đảo cả nước trong suốt năm qua.
Sự trở lại của những "gói thưởng" kỉ lục đã lại châm ngòi cho cơn tức giận của dân chúng Mỹ bởi tác động của ngành ngân hàng đã làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế, khiến cứ 10 người Mỹ thì có 1 bị mất việc. Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Giêm Mác Gôven tuyên bố: "Việc trả thưởng cho các nhà quản lý ngân hàng đã vượt quá ngưỡng kiểm soát. Họ ngồi trên đống tiền, trong khi nhiều người dân Mỹ vẫn phải vật lộn để có việc làm và không bị mất nhà ở".
Kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng của Tổng thống B.Ôbama vẫn đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua. Và từ giờ đến lúc đó, tiền thưởng sẽ còn làm đau đầu ông chủ Nhà Trắng.